Đội tuyển Việt Nam và nỗi lo từ chuyện ăn uống trên đất Myanmar

Lê Thương (từ Yangon - Myanmar), Theo Trí Thức Trẻ 09:35 17/11/2016

Nhiều tuyển thủ Việt Nam cảm thấy thất vọng với những khẩu phần ăn ở khách sạn, và tất nhiên vấn đề thể lực của cầu thủ không đảm bảo khi bước vào AFF Cup 2016 là nỗi lo hiện hữu.

Tại AFF Cup 2016, ĐT Việt Nam ở khách sạn 4 sao - Parami, đây là khách sạn do BTC sắp xếp và đài thọ cho các đội bóng tham dự giải. 

Điều kiện phòng, ốc ở khách sạn thì không có gì phải phàn nàn, nhưng điều mà các tuyển thủ quan tâm nhất đó chính là vấn đề dinh dưỡng lại không được như ý. Cũng như những lần trước đây, toàn đội phải ăn theo chế độ của khách sạn và gần như không còn sự lựa chọn nào khác. 

ĐTQG thua cả... futsal 

Trong chiến tích giành vé vào vòng 1/8 World Cup của futsal Việt Nam vừa qua, đội tuyển có đầu bếp riêng và chuyên gia dinh dưỡng là yếu tố góp phần không nhỏ. Đây là điều mà bầu Tú luôn đặt lên hàng đầu, bởi lẽ thông thường muốn có sức để thi đấu, tập luyện thì trước tiên phải ăn đủ no, và đủ chất. 

Ở những nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển, ăn uống cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Chúng ta còn nhớ khi Man City và Arsenal chuẩn bị sang Việt Nam thi đấu, điều đầu tiên họ kiểm tra ở khách sạn chính là từ cái... bếp. Với các món ăn được lựa chọn kỹ càng và tất nhiên khẩu phần do các chuyên gia dinh dưỡng riêng của họ quyết định. 

Đội tuyển Việt Nam và nỗi lo từ chuyện ăn uống trên đất Myanmar - Ảnh 1.

Công Phượng và các đồng đội tỏ ra thất vọng với các món ăn ở khách sạn tai Myanmar.

Tuy nhiên, ĐTQG Việt Nam dù được đầu tư và quan tâm hơn futsal rất nhiều lại thua hẳn đội futsal về tính chuyên nghiệp khi không có nổi một chuyên gia dinh dưỡng trong thành phần BHL, dù kinh phí để thuê một chuyên gia như thế không phải quá cao đến nỗi không thể thuê được. Chính vì vậy, mỗi lần đội tuyển thi đấu các giải quốc tế, chúng ta cứ phó mặc hoàn toàn cho khách sạn. May mắn thì cầu thủ được ăn ngon, còn không thì tối lại đành lấy mì tôm ra pha ăn cho đỡ... đói. 

Lần sang Myanmar này các tuyển thủ Việt Nam đã phải mất nhiều thời gian để giải quyết thủ tục hàng không do hành lý cồng kềnh... mà nguyên nhân chủ yếu là các cầu thủ mang theo nhiều mì tôm và thực phẩm dự trữ chống đói. 

Đội tuyển Việt Nam và nỗi lo từ chuyện ăn uống trên đất Myanmar - Ảnh 2.

Một cựu tuyển thủ Việt Nam từng kể lại rằng sở dĩ chúng ta rất khỏe trong tập luyện nhưng đến giải đấu quan trọng thì thể lực đi xuống là bởi thời gian diễn ra giải, toàn đội đều trong tình trạng ra sân tập mà cái bụng không đủ... no. 

Ăn ít nhưng vẫn sợ tăng cân 

Ở Myanmar, các món ăn thường có gia vị giống món ăn Ấn Độ, nên không chỉ các cầu thủ mà ngay cả cánh phóng viên khi đặt chân đến quốc gia này cũng phải vật lộn trong chuyện ăn uống. Mặc dù đội tuyển ở khách sạn 4 sao, và các món ăn theo chuẩn Tây hóa phục vụ cho số đông khách quốc tế, nhưng chính điều đó lại càng khiến các cầu thủ khó lựa chọn, bởi các món ăn này đa phần nhiều mỡ. 

Không chỉ ở khách sạn tại Myanmar mà ngay cả ở khách sạn Việt Nam thì họ cũng chỉ phục vụ cho số đông khách hàng chứ không chuyên biệt cho VĐV thể thao. Trong khi với các cầu thủ, họ tiêu tốn lượng calo sau mỗi buổi tập, cường độ tăng dần khi bước vào giải buộc họ phải đủ năng lượng đã tiêu hao mới phục hồi lại thể trạng, nhưng vẫn phải đảm bảo không được tăng cân. 

Đội tuyển Việt Nam và nỗi lo từ chuyện ăn uống trên đất Myanmar - Ảnh 3.

Vẻ mặt tỏ ra không hài lòng của Công Vinh trong bữa ăn sáng ngày 16/11.

Thế nên, các tuyển thủ đều không dám ăn quá nhiều ở khách sạn do sợ bị tăng cân, nhưng do các đồ ăn ở đây chứa nhiều mỡ lại ít rau, nên xảy ra tình trạng... cầu thủ vừa đói, lại vừa phì ra. 

Chuyến tập huấn ở Hàn Quốc vừa qua, do được bố trí ở khu chuyên biệt cho các VĐV nên chế độ dinh dưỡng tại đây hoàn toàn cho các VĐV thể thao. Thế nên, toàn đội tuyển đều ăn uống rất tốt, ăn được rất nhiều nhưng lại giảm cân và tăng cường được thể lực trông thấy. 

Đội tuyển Việt Nam và nỗi lo từ chuyện ăn uống trên đất Myanmar - Ảnh 4.

Dẫu vậy chỉ vài tuần trở về nước cũng như khi đặt sang Myanmar khi đổi khẩu ăn ở khách sạn thì dù cường độ tập luyện tăng lên, các cầu thủ ăn ít đi... nhưng họ lại có dấu hiệu tăng cân. 

Đó chính là nỗi lo lắng lớn của ĐT Việt Nam vào lúc này khi giải đấu cận kề, nhất là khi đồ ăn ở khách sạn có quá ít sự lựa chọn, mà có muốn ăn ngoài  lại càng khó hơn. 

AFF Cup diễn ra với mật độ rất dày tiêu tốn nhiều năng lượng của các cầu thủ, vì thế chuyện ăn uống tưởng chừng rất nhỏ nhưng có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến thành tích chung của toàn đội. 

Tiếc rằng, chuyện này vốn dĩ đã quá cũ và hầu như ai cũng nhìn ra, nhưng không hiểu sao trong khi futsal đã thành công khi thuê chuyên gia dinh dưỡng mà ĐTQG đến nay vẫn không có một ai đảm nhiệm.