Phát sóng lần đầu tiên vào ngày 1/4/2014, Điều ước thứ 7 đã trở thành một trong những chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả truyền hình bởi tính thiết thực và nhân văn. Cứ 13h thứ 7 hàng tuần, khán giả lại được chứng kiến những câu chuyện vô cùng xúc động của các nhân vật khác nhau từ mọi miền tổ quốc, khóc cười cùng nỗi đau và niềm hạnh phúc của họ. Là câu chuyện của một cô gái ung thư, cặp vợ chồng vượt mọi nỗi đau về bệnh tật, khó khăn về vật chất để yêu và sống cùng nhau, là cụ già 73 tuổi vẫn say mê bóng đá, là chàng thanh niên mắc căn bệnh wilson nhưng không đầu hàng số phận,... Mỗi câu chuyện đều mang đến cho khán giả những bài học về tình yêu, sự hi sinh, nghị lực phi thường, vươn lên trong cuộc sống, mà cho dù thời gian có qua đi, những câu chuyện đó vẫn còn đọng lại trong ký ức khán giả.
Có thể nói, trước "Điều ước thứ 7", có lẽ chưa có chương trình nào lại có thể lấy đi nhiều nước mắt của khán giả đến thế. Những hoàn cảnh éo le ấy đã thực sự chạm được vào trái tim của người xem. Khán giả đồng cảm, xót thương cho nhân vật, nhưng cũng hạnh phúc vì những điều ước nhỏ nhoi, giản đơn của họ đã được thực hiện thông qua chương trình. Những người thực hiện "Điều ước thứ 7" đã thành công khi truyền tải được cảm xúc đến khán giả, nhưng nếu từng nhìn thấy những giọt nước mắt trên gương mặt của chính những người làm chương trình, bạn sẽ nhận ra, chính họ cũng đã không còn đặt mình ở cương vị người làm chương trình, cũng bị cảm xúc cuốn đi như bao người xem khác. Như thể, "Điều ước thứ 7" đã không còn là một CHƯƠNG TRÌNH nữa, mà đó là TÌNH NGƯỜI.
Hơn 9 tháng kể từ ngày phát sóng, đã có rất nhiều nhân vật đã thực hiện được điều ước của riêng mình thông qua "Điều ước thứ 7". Cùng chúng tôi nhìn lại những chương trình nhiều cảm xúc nhất nhé!
Được lựa chọn làm số phát sóng đầu tiên trong chương trình "Điều ước thứ 7", câu chuyện về bức thư sám hối của một phạm nhân mang trọng tội giết người và cuộc gặp giữa anh với vợ nạn nhân đã đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Suốt những năm trong trại giam, anh Trần Chinh (SN 1975, thụ án tại Trại giam Thủ Đức) luôn ước ao một lần được gặp vợ con anh Phương để trực tiếp nói lời xin lỗi. Chỉ đơn giản là lời xin lỗi mà không cần tha thứ vì anh ý thức được rằng, nỗi đau mà anh gây ra cho gia đình nạn nhân quá lớn và không sao khỏa lấp nổi. Niềm mong mỏi ấy của người phạm nhân cuối cùng cũng đã thành hiện thực.
Cuộc gặp giữa anh Trần Chinh và chị Mỹ - vợ nạn nhân đã diễn ra trong nước mắt, sự tha thứ và những cái ôm thật chặt. Chị Mỹ không còn coi anh Chinh là kẻ thù của gia đình nữa. Giờ đây, chị dang rộng vòng tay, bỏ qua tất cả lỗi lầm của người phạm nhân và coi anh như con, như cháu trong nhà. Cái ôm của anh Chinh và chị Mỹ đã khiến khán giả nghẹn ngào. Cuối cùng, thời gian và bản tính giàu lòng yêu thương đã giúp chị dần nguôi ngoai và tha thứ cho kẻ đã gây ra bi kịch cho gia đình mình. Cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều kỳ diệu, những điều kỳ diệu do chính những con người biết yêu thương, tha thứ, biết sống hướng thiện tạo ra. Thay vì chỉ toàn những dằn vặt, đau khổ, quãng đời phía trước của anh Chinh hứa hẹn sẽ có nhiều điều tốt đẹp. Tương lai đang chờ người đàn ông biết sám hối ở ngoài kia song sắt.
Đó là câu chuyện về sức mạnh và sự kì diệu của tình yêu mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến "Điều ước thứ 7", khán giả lại nghĩ ngay tới đám cưới cổ tích đã lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả.
Căn bệnh suy thận đã lấy đi của chị Nguyễn Châu Loan (37 tuổi) tiền bạc, sức khỏe, tuổi trẻ nhưng lại mang đến cho chị một tình yêu hiếm có giữa cuộc sống xô bồ này, mang đến cho chị một người yêu, người chồng tuyệt vời là anh Nguyễn Văn Vượng (34 tuổi). Chính thức nói lời yêu nhau từ năm 2008, không nề hà việc chị Loan đang mắc bệnh, anh Vượng vẫn yêu và quyết tâm gạt bỏ sự ngăn cản của gia đình để đến với chị. 6 năm trôi qua, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, dù chưa thể làm đám cưới, chị Loan bệnh ngày một nặng, anh Vượng vẫn chưa một lần nghĩ đến việc rời xa người con gái này. Chị ốm đến mức không thể bước đi, anh làm đôi chân của chị. Chị mệt mỏi, anh là chỗ dựa của chị. Câu chuyện "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" mà nhiều bạn trẻ vẫn kháo nhau là "tuyệt chủng" trong xã hội này, thật bất ngờ, lại được xuất hiện ngay trên truyền hình, trước hàng triệu khán giả, thông qua "Điều ước thứ 7".
Có lẽ, chưa có lễ cưới nào lại nhiều nước mắt đến vậy. Nước mắt của sự vui mừng, nước mắt của sự cảm phục trước tình cảm cao đẹp của tình yêu, tình thương, sự hi sinh.
Câu chuyện cổ tích của anh Vượng và chị Loan đã không còn được viết tiếp khi tháng 11/2014, anh Vượng đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông. Nếu đám cưới của họ là tột cùng của hạnh phúc thì sự chia ly này lại là tột cùng của nỗi đau. Dù chuyện tình yêu của họ dang dở, những trang truyện cổ tích đã khép lại khi chưa có hồi kết, nhưng đám cưới này vẫn là chương trình xúc động nhất của "Điều ước thứ 7" sau 9 tháng phát sóng.
“Tôi đã từng sống chẵn 19 năm là người bình thường, lành lặn nhưng tôi chỉ có kiến thức thôi thì chưa đủ… Thế là khi tôi lên 20 tuổi, ông trời đã quyết định thử thách nốt sức mạnh ý chí và nghị lực của tôi đấy các bạn à. Ông ta đã quyết định treo lên người tôi 1 căn bệnh rất lạ và vô cùng hiểm ác, đó là căn bệnh Wilson” – Những dòng đầy xúc động trên nằm trong cuốn nhật ký được chàng trai trẻ Nguyễn Minh Tân (sinh năm 1988) kỳ công đánh máy lại sau khi những ngón tay có thể cử động được.
Đó là câu chuyện của Tân "Lì", được phát sóng trong chương trình "Điều ước thứ 7", đã kéo người xem đến tận cùng của sự xúc động. Tân sinh ra vốn lành lặn và khỏe mạnh, nhưng năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Nam Định, Tân đột nhiên mắc phải chứng bệnh Wilson khiến toàn bộ cơ thể bị co rút. Kể từ đó, Tân phải nằm liệt giường, những cơn đau, co giật hành hạ thân thể vốn từng rất khỏe mạnh của chàng trai trẻ cả ngày lẫn đêm.
Thế nhưng, bạo bệnh đã không giết chết được nghị lực của Tân. Những tưởng sẽ không bao giờ có thể đi lại nữa, nhưng nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 720 ngày đã giúp Tân chiến thắng bệnh tật. 20 tuổi, chập chững tập đi những bước đi đầu tiên sau khi đổ bệnh, ngã lại đứng lên, tập cầm nạng đến ứa máu,... Đến nay, anh đã có thể ngồi xe lăn hoặc bước đi trên chính đôi chân của mình. Tân nói rằng mình đã “lì lợm” chống cự lại những cú đánh hiểm ác của số phận nên giờ đây được mọi người đặt cho biệt danh Tân “Lì”.
Và giờ thì chàng trai này còn là thủ lĩnh nhóm tình nguyện, hàng ngày xuống phố xin tiền quyên góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Câu chuyện của Tân "Lì" đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Khán giả khóc vì thương Tân mắc bạo bệnh, khóc vì ý chí và nghị lực của anh, vì khâm phục tấm lòng nhân ái của một nam thanh niên, dù bệnh tật đeo đuổi nhưng vẫn quan tâm đến những người xung quanh mình.
Phát sóng vào chiều ngày 25/10/2014, câu chuyện đầy xúc động về nghị lực và điều ước giản đơn của Võ Thị Ngọc Nữ - một diễn viên múa đến từ thành phố biển Đà Nẵng khi đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo ung thư máu cấp tính đã rung động trái tim khán giả.
Sinh ra đã thiếu vắng tình thương của cha, từ nhỏ, Nữ đã theo mẹ đi bán hàng rong khắp nơi, mẹ làm gì, con làm nấy, hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống. Những tưởng Nữ sẽ là niềm an ủi, động viên của mẹ khi tuổi xế chiều, nhưng nào ngờ căn bệnh ung thư máu đã dập tắt tương lai tươi sáng của cô gái sinh năm 1988. Căn bệnh đã khiến cô gái xinh đẹp bị rụng tóc vì thực hiện hai đợt xạ trị. Tương lai của cô gái trẻ, nữ diễn viên múa xinh đẹp, người con chưa một ngày báo hiếu,... bị đè nén xuống tột cùng và dường như không có lối thoát.
Trong chương trình phát sóng, khán giả vô cùng xúc động với tình cảm chân thành của một cô gái hiền lành, chất phác dành cho mẹ và những người thân. Ước mơ của cô là được trở thành diễn viên múa, nếu không thể múa, cô chỉ ước mình trở thành một thợ may để may nhiều quần áo cho mẹ và bạn bè, người thân của mình. “Con sẽ may cho mẹ nhiều bộ đồ… chăm sóc mẹ… ở bên mẹ mãi mãi.”
Và "Điều ước thứ 7" đã giúp Ngọc Nữ thực hiện được ước mơ nhỏ bé của mình. Một chương trình quá xúc động và có tính lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ biến điều ước của Nữ thành hiện thực mà còn giúp cho Ngọc Nữ có thêm nhiều sự giúp đỡ từ khán giả cả nước để chữa bệnh.
“Đó là cô gái có nụ cười đẹp nhất tôi từng biết... Ngày chúng tôi gặp em, thực hiện Điều ước cho em, hơn một trăm con người ở đó, không ai cầm nổi nước mắt... Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế... Dẫu việc khiến khán giả khóc chưa bao giờ là mục đích của Điều ước thứ 7, nhưng khi nước mắt rơi, chúng tôi hiểu, những việc mình làm đã phần nào chạm vào trái tim người xem rồi...” - Đạo diễn chương trình “Điều ước thứ 7” Nguyễn Diệp Chi chia sẻ.
Tạm kết
Trên đây chỉ là một trong số ít những chương trình "Điều ước thứ 7" nhiều cảm xúc, lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Vẫn còn rất nhiều số khác của chương trình để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả, và dù là với nhân vật nào đi nữa, những khoảnh khắc mà điều ước của họ trở thành hiện thực đều đã thực sự chạm vào trái tim người xem.
Hai ngày vừa qua, chương trình "Điều ước thứ 7" phát sóng vào ngày 10/1 về câu chuyện của cặp vợ chồng hát rong đang nhận được nhiều ý chiến trái chiều của dư luận. Tuy nhiên, dù đó có thể là lỗi do những người làm chương trình chưa xác minh đầy đủ hay không, thì chúng ta vẫn không thể phủ nhận tính nhân văn của "Điều ước thứ 7". Chúng ta muốn biết sự thật nhưng cũng không vì thế mà vùi dập và phủ nhận những cảm xúc tuyệt vời mà "Điều ước thứ 7" mang đến.
Chương trình đã chung tay viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, mang đến cho khán giả niềm tin vào những giá trị nhân văn đôi khi tưởng như không còn tồn tại trong cuộc sống đầy những xô bồ. Những điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ luôn hiện hữu nếu như chúng ta biết cách giữ lửa yêu thương cho trái tim mình và luôn nắm tay nhau để vượt qua những khúc quanh của cuộc đời.