Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng

Susanoo , Theo Trí Thức Trẻ 00:07 23/12/2014

Bỏ công việc lương khá để đi du lịch một mình, dạy tiếng Anh cho trẻ em những nơi mình đi qua, sống sót sau bão tuyết khủng khiếp ở Himalaya và mới đây đã thẳng thắn viết một bức thư cho bộ trưởng Bộ giáo dục... Mỹ Linh tạo ấn tượng về một hình ảnh người trẻ đầy đam mê và cá tính.

Phải thú nhận rằng, tôi không biết nhiều lắm về Mỹ Linh trước khi quyết định phỏng vấn cô. Tôi không phải là người hay đọc nhiều tin tức, vậy nên khi câu chuyện Linh sống sót trở về sau bão tuyết Himalaya, tôi không biết rõ. Điều thôi thúc tôi muốn tìm hiểu về cô gái này là từ bức thư cô gửi cho Bộ trưởng Bộ giáo dục, bức thư mà cô đã thẳng thắn chỉ ra rất nhiều điểm cô thấy chưa ổn trong cách dạy tiếng Anh của nước mình. Một cô gái bỏ ngang công việc ngân hàng với mức lương 1000$/tháng, chỉ để du lịch xa một mình, dạy tiếng Anh ở Nepal, và ồ! Hóa ra cô ấy đã từng trải qua trận bão tuyết khủng khiếp ở Himalaya, quá nhiều thông tin về một nhân vật thực sự quá đỗi thú vị mà tôi chẳng thể cho phép mình bỏ qua.

Nhưng trái với sự thích thú không giấu diếm nổi của tôi dành cho Linh, Linh lại khá khiêm tốn về chính mình. Cô bạn này một mực cho rằng mình chẳng có gì đặc biệt, mình bình thường như bao người khác. Dù vậy, Linh vẫn rất thoải mái đồng ý chia sẻ với tôi và bạn đọc những quan điểm của cô, về cuộc sống, về du lịch và về cách mỗi người chọn con đường của mình. 

Tên: Võ Mỹ Linh  

Sinh năm: 1989  

- Đã từng làm việc tại ngân hàng rồi quyết định nghỉ việc để đi du lịch và cải thiện tiếng Anh.  

- Tác giả của 10 đầu sách (in chung) và chuẩn bị cho ra mắt một cuốn sách của riêng mình.   

- Đang khởi động dự án Volunteer's House, giúp phổ cập tiếng Anh cho trẻ em nghèo. Hướng người trẻ đi du lịch đồng thời đến trường dạy tiếng Anh cho trẻ em những nơi mình đi qua và làm việc với người dân bản xứ.


Người ta biết tới bạn với cái biệt danh: Cô gái trẻ sống sót sau bão tuyết ở Himalaya. Nhưng chúng ta hãy tạm quên chuyện đó đi và bắt đầu lại câu chuyện của Linh từ đầu nhé. Điều gì thôi thúc Linh từ bỏ công việc ổn định với thu nhập khá và đi chu du khắp nơi?

Hồi nhỏ tôi luôn có một giấc mơ đi du học như các bạn để học hỏi cái hay từ thế giới. Nhưng nhà tôi không giàu, tôi cũng chẳng giỏi. Nên tôi khép lại giấc mơ của mình. Sau này, khi vào làm việc ngân hàng, tôi thấy chán nản. Chán không phải vì không làm được việc mà vì tôi thấy mọi người quá câu nệ nhau. Chẳng hạn như chúc mừng sinh nhật ngân hàng, tôi viết một lời chúc dí dỏm thì cũng bị sếp nhắc nhở vì bảo như thế không đúng quy chuẩn ngân hàng. Tôi tự hỏi sao mọi người cứ phải sống theo cách đó, cứ phải đưa bộ mặt của người bị táo bón để làm việc, để gặp nhau trong khi chúng ta có thể làm nó khác đi. Tôi thấy mình không phù hợp nên quyết định bỏ việc để đi. 

Nhưng tôi không đi bừa, cũng không đi để thưởng ngoạn một cảnh đẹp. Với tôi đi là để học hỏi. Nên tôi xác định, khi trở về ít nhất phải cải thiện được trình độ tiếng Anh. Vì tiếng Anh của tôi thời điểm đó rất kém.

Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng  1

Đứng trước quyết định này, Linh có cân nhắc những được và mất của mình? Và còn cả những nguy hiểm suốt chặng đường đi đối với một cô gái nữa, Linh có nghĩ đến?

Thông thường khi đưa ra một quyết định gì đó, tôi đều cân nhắc được mất và không hối hận trong bất kỳ quyết định nào. Kể cả chuyện tôi bỏ việc, sếp tôi hỏi, em có biết chị trả cho em một mức lương cao hơn những người khác rất nhiều không. Tôi không quan tâm đến chuyện đó, tôi quan tâm đến chuyện tôi học hỏi được gì khi chuyển sang một công việc mới. Nếu cái tôi học hỏi được nó ít hơn so với công sức tôi bỏ ra thì tôi không hài lòng.

Khi quyết định qua Ấn Độ, có nhiều người bảo tôi nên cân nhắc vì ở đó nguy hiểm, nhiều nạn cướp hiếp xảy ra. Cũng có một anh trai chạy vào bảo, bọn Ấn nó hôi lắm, em đi thì đi châu Âu ấy, trai Tây nó sạch và thơm. Tôi cười, vì tôi đi đâu phải để ngủ với trai mà quan tâm chuyện thơm hay hôi. Và cô bạn từng đi Ấn Độ của tôi thì bảo rằng, Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, cô đi rồi nhưng vẫn muốn quay lại lần nữa. Sao tôi tin lời những người chưa đi Ấn Độ bao giờ mà không tin lời cô. Nghe cô bạn nói câu đó xong thì tôi không còn lăn tăn hay sợ sệt gì nữa.

Khi quyết định nghỉ việc, Linh có một phút nào chần chừ vì nghĩ đến tương lai có vẻ “bất ổn” sau chuyến đi của mình? Và thậm chí đến bây giờ, có một giờ phút nào Linh cảm thấy hối tiếc với quyết định đó?

Tôi không. Thậm chí tôi cảm ơn, vì chuyến đi cho tôi sự can đảm để bây giờ đi một mình đến bất cứ đâu tôi cũng không sợ nữa. Tôi từng đi cùng bạn giữa đêm, bước qua những người đàn ông say xỉn nằm vật vạ giữa đường phố Ấn Độ. Tôi từng cuốc bộ đi học, đếm từng đống “shit” để bước qua vì ở Ấn Độ người ta ăn ngủ ngoài đường nên phóng uế ngoài đường nhiều. Tôi từng thức nằm co ro 40 tiếng trên tàu Ấn Độ, mất tiếp 5 tiếng đồng hồ ngồi trên xe bus để đến Saunali, từ Saunali cuốc bộ quan biên giới Nepal, từ biên giới Nepal lại ngồi trên chuyến xe bus tử thần 8 tiếng đồng hồ để đến thành phố Pokhara của Nepal. Tổng cộng tôi mất gần 3 ngày 2 đêm không ăn không ngủ. Vì tôi sợ ngủ sẽ bỏ qua mất trạm dừng, và tôi có cái tệ là nếu tôi ăn mà ngồi xe bus thì tôi sẽ bị buồn nôn vật vạ, còn không ăn thì tôi sẽ tỉnh táo không nôn gì cả. Tôi rút ra một điều “Nguy hiểm là có thật nhưng sợ hãi chỉ là sự lựa chọn.”

Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng  2

Tại sao lại là Nam Á? Tại sao Linh không lựa chọn những địa danh du lịch thời thượng, “fancy” hơn, mà lại chọn cho mình con đường du lịch qua những đất nước chưa phát triển và vẫn còn nhiều thiếu thốn?

Vì những nước nghèo sẽ giúp tôi sống được lâu ở đất nước họ. Lúc đi tôi chỉ có 3000USD. Tôi dành 1000 USD để book vé, 2000 còn lại là chi trả cho ăn ở. Với 2000USD đó, một số bạn có thể chỉ xài được 2 ngày nếu ăn kiểu bào ngư vi cá và ở khách sạn năm sao, một số bạn chỉ xài được 2 tuần nếu ở khách sạn tầm tầm nhưng đi hết địa danh này đến địa danh khác để ngắm cảnh, một số bạn cũng chỉ xài được trong 2 giờ đồng hồ nếu lượn vào một cái shop nào đó và mua chiếc túi LV. Tôi không muốn mình như thế. Tôi muốn mình sống lâu. Và càng sống được lâu, càng giao tiếp nhiều thì tôi càng hiểu về văn hóa, đất nước họ đồng thời kĩ năng tiếng Anh của tôi càng được cải thiện.  

Không chỉ du lịch, Linh còn dừng lại ở những nơi mình đi để sống và làm tình nguyện, dạy học cho trẻ em ở những nơi ấy. Tại sao Linh không cứ chỉ…. đi và ngắm cảnh? 

Ở Nepal, tôi có nhiều bạn. Một trong những cậu bạn tên là Sulav. Cậu là sinh viên đang học cao học và quen tôi khi tôi đang đi bộ đến chùa khỉ. Cậu thấy buồn cười vì chùa khỉ rất xa mà tôi cứ cuốc bộ. Lý do là vì tôi đâu có nhiều tiền, nên đi đâu tôi cũng đi bộ. Sau khi trở thành bạn, Sulav rảnh thì chở tôi đi hết đền này đến đền kia để tham quan. Tôi vào được một lúc thì bảo chán, kêu Sulav ra đi ăn kem và nói chuyện. Sulav hỏi sao bỏ tiền ra mua vé đi thăm đền mà giờ chán đòi đi ăn kem tán dóc. Tôi bảo vì mấy cái đền chỉ là đền, chẳng biết nói chuyện với tôi. Tôi cần người nói chuyện, cần người kể cho tôi nghe thứ này thứ kia. Nên tôi không thích đi du lịch kiểu ngắm cảnh là vì vậy. Nếu chỉ ngắm cảnh thì ở Việt Nam thôi cũng đủ rồi, biển trời sông núi, cả hang động lớn nhất thế giới Việt Nam cũng có. Hà cớ gì phải đi.

Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng  3

Gia đình có ý kiến về lựa chọn của Linh với cuộc sống vào thời điểm hiện tại? Và trước đó, khi biết ý định về chuyến đi của Linh, gia đình Linh có ngăn cản? 

Tôi không sống với bố mẹ từ lúc tôi 6 tuổi nên mọi quyết định của tôi bố mẹ đều không can thiệp. Bố mẹ cũng coi trọng mọi quyết định của con cái. Thậm chí bố tôi bảo, nếu sau này tôi thích lấy một anh chàng ăn mày thì bố cũng không cản. Vì chồng là chồng của tôi chứ không phải chồng của bố. Chuyện tôi bỏ việc đi Ấn Độ bố mẹ cũng không biết. Trước lúc đi tôi có gọi điện nói với mẹ là tôi sang Ấn Độ và bảo bố tôi lên lấy xe máy về. Nhưng tôi không nói là đi bao lâu, cũng không nói là đi làm gì. Bố mẹ cứ nghĩ tôi đi công tác thôi.

Trải nghiệm tuyệt vời nhất trong những chuyến đi mà Linh đã từng trải qua là gì?

Là tôi có những người bạn, có những gia đình, tôi học được cách nên tin tưởng ai và nên dè chừng với ai. Ở Ấn Độ, tôi có một gia đình. Đó là gia đình ông Ashish. Ông làm chứng khoán, vợ làm bác sĩ và mẹ là giáo viên. Tôi chỉ quen ông trên website cho dân du lịch. Lúc đó mới sang Ấn Độ tôi cũng chưa rành tiếng Anh nên không hiểu người Ấn nói gì. Nhưng gia đình Ashish đã cưu mang tôi như một người thân trong gia đình. Thậm chí biết tôi có ý định đi học thiền và yoga, Ashish đã chở tôi đến lớp học yoga cho tôi học thử. Buổi học thử mất 3 tiếng đồng hồ, Ashish bận việc nhưng cứ ngồi ngoài đợi cho đến khi tôi tập xong để chở tôi về. Vợ ông Ashish đi làm về khuya nhưng cứ rảnh là chạy qua phòng tôi tâm sự. Mẹ ông Ashish thì cứ lo tôi đói nên cái bàn tôi lúc nào cũng đầy đủ thức ăn, nước ép. Tôi chỉ ở cùng họ vài ngày nhưng thấy mình quá may mắn. 

Lúc rời Nepal sang Ấn, vợ chồng Ashish hẹn gặp tôi và tặng tôi mấy món quà kỉ niệm. Ashish còn đưa tôi chai xịt hơi cay bảo cất cẩn thận trong túi, nếu đi qua biên giới giữa đêm khuya mà gặp kẻ xấu thì mang ra sử dụng. Tôi biết ơn họ rất nhiều. Ở Nepal, tôi cũng có một gia đình tương tự như vậy.  

Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng  4

Hôm trước, mạng xã hội share lại rất nhiều bức thư của bạn gửi cho bộ trưởng bộ giáo dục, bạn có nghĩ rằng bức thư đó lại có ảnh hưởng đến thế? 

Lúc viết ra tôi nghĩ là có nhiều người đồng tình với quan điểm của tôi nhưng tôi không nghĩ là báo chí sẽ để ý và mức độ ảnh hưởng của nó lại lớn đến vậy. Trước giờ, tôi vẫn có thói quen viết những gì mình nghĩ chứ không quan tâm viết để câu like. Nếu viết để câu like, thì ngay sau khi viết thư cho bộ trưởng, tôi sẽ tiếp tục vạch lá tìm sâu để chỉ ra những cái sai của Bộ chứ không quay ra viết một bài viết khác chỉ trích độc giả “Sao các bạn cứ ngồi đổ lỗi cho nền giáo dục nước nhà mà không tự tìm cách cứu lấy bản thân!”

Điều gì thúc đẩy bạn viết bức thư đó?

Vì ngày hôm đó tôi rảnh, ngồi ở thư viện trường Sarbodaya đọc sách. Tôi luôn có ý định xem xem giáo dục của nước bạn khác nước mình như thế. Và tôi ngỡ ngàng khi thấy sách của người Nepal có những điểm rất hay mà mình cần học hỏi.

Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng  5

Hãy nói một chút về trải nghiệm của bạn tại Himalaya trong cái lần bão tuyết đấy nhé. Đến bây giờ khi nghĩ lại, bạn cảm thấy toàn bộ chuyện đó như thế nào?

Thực ra, tôi không thấy nó có gì to tát lắm để mọi người phải ca ngợi tôi hay thần tượng tôi sau chuyện sống sót trong bão tuyết. Tôi nghĩ đó là một cuộc chơi thôi, nếu các bạn chấp nhận leo núi thì các bạn phải chấp nhận hiểm nguy. Nên trước khi bắt đầu chuyến leo núi định mệnh đó, tôi có viết một email cho anh Phương ở nhà xuất bản Phương Nam. Tôi bảo tôi đi leo núi và nếu chẳng may tôi chết thì cuốn tiểu thuyết “Bên kia sườn đồi” của tôi gửi anh khi tôi ở Ấn Độ vẫn cứ ra mắt như bình thường. Anh Phương còn đùa, sách mà không có tác giả thì ai mua. Nhưng lúc đó cũng chỉ dự trù thế thôi, chứ tôi không biết là tôi phải đối mặt với giây phút sinh tử thật. 

Dường như trải nghiệm đó không khiến bạn có cảm giác sợ hãi hay muốn dừng bước trên quãng đường chu du của mình?

Tôi không sợ vì tôi đã chấp nhận chuyện đánh đổi. Lúc lạc giữa bão tuyết rồi vào được căn nhà Tea House trên đỉnh Thorung La Pass tôi cũng không sợ gì. Chính vì thế tôi giữ được bình tĩnh để sơ cấp cứu cho anh bạn porter. Chỉ đến ngày hôm sau khi bão tan và chúng tôi xuống núi, thấy người chết nằm la liệt trên đường, tôi mới rùng mình hoảng hốt vì đã trải qua cơn bão lịch sử, mới thấy mình may mắn vì có nhiều người đã ra đi, mới thấy lòng mình chùn lại vì có những người tôi đã gặp đâu đó trên đường và giờ họ mãi ở lại sau lưng tôi.

Chuyện đi thì vẫn đi thôi. Vì tôi đi leo núi thực ra là để mở tour leo núi giá rẻ cho người Việt. Muốn hiểu nó thì tôi bắt buộc phải đi. Chứ tôi đi không phải vì là người thích cảm giác chinh phục độ cao. Đồng ý là lúc leo núi như thế, mệt nhưng mỗi lần tới một trạm dừng, thấy cảnh núi non hùng vĩ, thấy mình có thể đứng chạm tới mây thì thấy cuộc đời không còn gì đẹp bằng. 

Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng  6

Gặp cô gái Việt sống sót sau bão tuyết Himalaya và gửi thư cho Bộ trưởng  7

Có rất nhiều bạn trẻ Việt thường kêu ca rằng cuộc sống hiện tại rất nhàm chán và họ muốn thoát khỏi nó, muốn chu du thế giới. Nhưng họ thường lấy các ràng buộc xã hội để làm lý do thoái thác. Đứng trên cương vị của mình, Linh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ này. 

Tôi cũng chẳng đi nhiều đâu, chỉ mới du lịch bụi ở 2 nước là Nepal và Ấn Độ . Nên nếu các bạn thích chu du, thích giải thoát thì đó là quyền của các bạn, tôi không có ý kiến gì. Mỗi người có một cách để giải thoát bản thân khác nhau. Nhưng đi để chinh phục được cái ngọn núi cao nhất nhì thế giới rồi tự cho bản thân mình là kiên cường thì không phải. Với tôi, những người phụ nữ ở nhà chịu đựng chồng con, lo cho gia đình được vẹn tròn họ kiên cường và anh dũng hơn nhiều. 

Cũng có những bạn xách ba lô lên và du lịch. Nhưng đi tới Pháp thì đứng chụp hình trước tháp Eiffel, đi đến Mỹ thì đứng chụp trước cổng Nhà Trắng, đi đến Singapore thì đứng chụp hình trước The Merlion - biểu tượng của đảo quốc sư tử. Rồi về. Tôi thấy chẳng để làm gì. Cái tôi quan trọng là học được gì sau những chuyến đi, để thấy mình lớn lên, để thấy mình trưởng thành, để thấy mình biết ít quá và cần đi mà học hỏi nhiều hơn nữa. Tôi mong các bạn đi nhiều, nhưng đi để thu lượm kiến thức, đừng đi chỉ vì thu lượm những tấm hình để chứng tỏ cho mọi người thấy là bạn từng đến đó.