Yangyang Zhou và Quan Jiang - 2 sinh viên hiện đang sống ở Oregon (Mỹ) vừa chính thức bị buộc tội lừa đảo với nạn nhân là... Apple, tổng thiệt hại từ trước tới nay đã lên tới 900.000 USD. Đôi bạn cùng tiến này đã tìm ra cách gian dối rất hữu hiệu: Hoàn trả iPhone giả và rẻ tiền cho Apple, nói rằng đó là iPhone thật nhưng bị hỏng, đòi hỏi thay máy mới theo chính sách bảo hành.
Jiang hiện còn đang có tiền án liên bang về tội trộm dây cáp và lừa đảo đồ giả mạo, trong khi Zhou cũng không khá hơn là bao, đang bị buộc thêm tội cố tình tung tin đồn thất thiệt vô căn cứ về một vụ buôn bán. Tuy nhiên, theo những bản cáo trạng ghi lại, Jiang khai báo mình "không biết từ đầu rằng những chiếc iPhone được trao là giả mạo".
HIện tại, cả Zhou và Jiang đang sống tại thành phố Corvallis thuộc bang Oregon theo diện du học chuyên ngành lập trình, kỹ sư máy tính nhưng khác trường nhau. Được biết, những tình tiết có liên quan đã bị nghi ngờ và điều tra từ tháng 4 năm 2017, về những chiếc iPhone trông có vẻ ngoài y hệt của Apple nhưng cuối cùng lại là giả. Jiang bị cho là đã nhận nguồn iPhone giả từ Trung Quốc hơn 5 lần tính đến nay, phục vụ hàng tráo đổi cho các phi vụ trót lọt.
Trong một cuộc phỏng vấn điều tra trước đây, Jiang cho biết một tổ chức từ Trung Quốc đã chuyển cho mình một kiện hàng gồm 30 chiếc iPhone giả mạo, cố tình bị làm hỏng để không thể bật lên. Sau đó, nhiệm vụ của Jiang là gửi tới Apple kèm một cái cớ để kiến nghị bảo hành, chờ máy mới được trả về. Đã có tới 2000 chiếc iPhone được Jiang đánh tráo qua cách này chỉ trong năm 2017. Nếu iPhone mới được gửi trả về Trung Quốc thành công, phía kia sẽ trả tiền cho mẹ của Jiang.
Theo báo cáo liên quan từ Apple, thông tin tên tuổi của Jiang xuất hiện trong 3069 hóa đơn bảo hành của họ, tất cả những chiếc iPhone bị gửi đó đều chung một lỗi là không thể bật lên - đúng như thủ đoạn ban đầu. "Một chiếc iPhone không thể bật nguồn là trường hợp rất khó để xác định nguyên nhân ngay lập tức để điều tra dù là bởi chuyên gia. Vì thế chúng tôi sẽ phải quyết định đổi trả hàng mới ngay theo luật bảo hành," đại diện Apple cho biết. Đó là lý do vì sao những phi vụ đó xảy ra dễ và nhanh đến vậy.
Một bức ảnh bằng chứng tìm ra chất đống iPhone giả tại nhà của 1 trong 2 thủ phạm.
Trong số 3069 lần Jiang gửi iPhone giả tới đòi máy mới, đã có 1493 lần Apple tin tưởng và nghe theo, hoàn lại máy hoạt động chuẩn bình thường. Nếu tính trung bình một chiếc có giá 600 USD, tổng thiệt hại đã lên tới 900.000 USD.
Một số bằng chứng về phi vụ của Jiang cũng đã được tìm thấy tại nhà, bao gồm hơn 300 chiếc iPhone giả đang bị giấu sẵn, các hóa đơn ship hàng và bảo hành. Còn cậu bạn Zhou cũng có "thành tích" gần như vậy, với hơn 200 phiếu bảo hành được thu giữ khi khám xét nhà riêng.