Độc đáo với kiểu ăn cháo mà như tập thể dục tay ở Indonesia

Bánh Bao, Theo Trí Thức Trẻ 23:45 28/10/2018
Chia sẻ

Món ăn truyền thống ở Indonesia này có kết cấu dẻo dai trông rất khác lạ so với những loại cháo chúng ta thường thấy.

Papeda hay bubur sagu là một món cháo truyền thống của người Indonesia. Chúng được xem là lương thực chính của đảo Maluku và tỉnh Papua. Không giống như những tô cháo nóng sốt sánh nhuyễn được nấu từ gạo, Papeda làm người ta thích thú với kết cấu dẻo dai, kết dính khi được làm từ một loại nguyên liệu đặc biệt chỉ có ở mỗi Indonesia.

Công đoạn chế biến Papeda không hề dễ dàng, người ta dùng loại tinh bột cọ sago làm nguyên liệu chính cho món. Ban đầu phải chặt thân cây sago, cắt đôi để nạo phần thịt mềm bên trong rồi xay thành bột thô. Để có được tinh bột thì phải qua nhiều bước chắt lọc cẩn thận. Nhờ quá trình công phu như thế món ăn mới đạt được độ dẻo dai hoàn hảo và mang đúng hương vị truyền thống. 

Tinh bột sago sẽ trộn cùng nước sôi với theo tỉ lệ nhất định, khuấy đều hỗn hợn để chúng dần dần đông lại và có độ kết dính trông giống như keo. Phần cháo hoàn chỉnh có màu trắng trong, sánh mịn trông rất lạ mắt. Thường người bán sẽ lấy một lượng vừa phải cho vào tô, đi kèm là hai chiếc đũa để thực khách thưởng thức.

Bạn sẽ dùng hai tay lấy cháo lên rồi xoắn thành nhiều vòng để tách chúng ra. Tùy thuộc độ dính của món mà đòi hỏi người ăn phải khéo léo và kiên nhẫn. Papeda sẽ được ăn kèm cùng với các loại súp cá như cá thu, cá ngừ... Súp phải được nấu đậm đà, thường thì người ta sẽ cho thêm nghệ và các gia vị địa phương vào để tăng thêm mùi vị.

Nhờ được nấu từ thành phần tự nhiên mà cháo có vị ngọt dịu kèm theo mùi thơm thoảng hấp dẫn. Món ăn ở Indonesia này tạo ấn tương với độ dẻo mịn, dai dai khác lạ và kết hợp ăn ý cùng với súp ăn kèm. Tuy chỉ là một món ăn bình dân nhưng từ lâu Papeda đã trở thành hương vị truyền thống gắn bó với đời sống người dân nơi đây. 

Nguồn: makandong.id, wikipedia...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày