Phẩm giá hay chuyện “trai đi chơi với 100k”

Trần Quất , Theo Pháp luật xã hội 00:08 27/11/2013

Hay chuyện các giai thanh, gái lịch chỉ vì 100k cho bữa trà chanh đã tự nguyện trở thành "mồi nhậu nhân phẩm" cho hàng triệu người dùng internet như thế nào.

Một ông nhà giàu nọ đến ngày hẹn bị Thượng đế gọi về trời – dân dã gọi là thăng, rất lấy làm đau buồn vì tiền của làm ra bao nhiêu mà không mang đi được. Sau khi nhờ các nhà ngoại cảm, ông tìm được tài khoản Facebook của Thánh Peter – người gác cổng Thiên đường, hay gần gũi hơn là cán bộ Hải quan của nhà trời. Ông liền add friend và chat ngay với Thánh để tìm cơ hội:

Nhà giàu: Hi, Thánh có đấy hem?

Thánh: 30 phút sau – Sao, người cầu cạnh gì?

Nhà giàu: Dạ, em có mối này. Nếu Thánh để em mang vàng qua cổng, mỗi cây em giả Thánh 2 chỉ?

Thánh: 2 tiếng sau – Giờ ai xài cây với chỉ. Mỗi cây người giả ta 2 Bitcoin (tiền ảo giao dịch qua internet). OK? Được thì làm, không anh out đây.

Nhà giàu: Dạ dạ, done luôn Thánh anh. Em chuyển vào tài khoản Thánh ngay đây.

Quả không sai, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền! Cái quan trọng là giá. Ông nhà giàu nghĩ thế, rồi khấp khởi cắp một túi vàng tướng, ì ạch bay về trời.

Ở cổng Thiên đường, ông bị Thánh Peter chặn lại và khám xét rất kỹ lưỡng. Thánh có vẻ hơi khó hiểu khi lộn trong lộn ngoài túi mà chỉ có mấy cục vàng to bằng cục gạch. 

Thánh hỏi: “Thế chỉ mang cái này lên đây thôi, hở?” 

Nhà giàu: “Vầng, như mình đã thỏa thuận đấy thôi, Thánh anh”. 

Thánh bảo: “Thôi, vào đi”. Anh nhà giàu hí hứng tót ngay vào Thiên đường. Chuyện nhà giàu đến đây là hết. 

Lúc này Thánh Peter mới quay sang chat group với các Thánh khác: “Buồn cười quá! Thằng cha dở hơi này nó mang gạch lên đây, các chú ạ =))”.

Các Thánh đồng thanh: “He he”.

Sao các Thánh lại cười? Vì rằng, ở Thiên đường người ta lại lát đường bằng vàng!

Quất tôi kể chuyện này vì về bản chất nó giống với câu chuyện đang hot trên mạng là có giai đi chơi với gái mà chỉ có nhõn 100 ngàn. Một ông nhà giàu thì nghĩ vàng là nhất, kể cả ở trên giời; một đằng thì tiền của mình, dù có 100k, cũng là quý hơn cả một mối quan hệ. Vì áp sai giá trị của mình – như ông nhà giàu vác vàng về Thiên đường, nên cả hai bạn giai, bạn gái của chúng ta đã hân hoan đem chuyện 100k lên Facebook, mà bỏ đi chính phẩm giá – hay giá trị, của con người mình.

Để rõ ràng hơn, chúng ta nên đồng ý với nhau rằng, con người ta phần lớn đến với nhau vì giá trị tinh thần. Còn kiểu quan hệ đơm hoa kết trái nhờ hàng hiệu Ẹc-mét, Lu-ít Vui tươi thì cũng có, nhưng chỉ là thiểu số, nên ta khỏi xét đến (giá trị vật chất) - phần nữa là đại gia là loài tuyệt hiếm, trong khi hàng fake lại quá nhiều.

Do vậy, khi đã có cái hẹn đầu tiên, ít nhất cả hai phía đều phải có lý do chính đáng. Kiểu như:

Giai: “Em này cute thế. Đi, biết đâu cua được”.

Gái: “Anh ấy galant quá đi. Kể làm người yêu cũng không tệ. Cứ đi đã”.

Có thể Quất tôi tư duy cũ kỹ, hoặc giả cả thiên hạ bây giờ khác xưa, nhưng tuyệt nhiên tôi chưa từng thấy tình cảnh:

Giai: “Gái này đáng tiêu 100k. Đi”.

Gái: “Giai này có khi dám tiêu hơn 100k. Đi”.

Nói về giá trị khác của các mối quan hệ không phải là phủ nhận vai trò của tiền, mà để chúng ta nhìn nhận lại các trật tự ưu tiên đó. Quất tôi ngày còn đi học cũng không hiếm khi phải alo bạn bè ứng cứu “Mày mang 50k ra ngay Café Panorama Hàng Bài cứu tao mới”. Trong trường hợp này, cái tôi quan trọng hơn tiền bạc là cảm xúc mà tôi có với bạn gái – mặc dù sau đó tôi có thể phải cắm xe trả nợ, nhưng đó là chuyện khác.

Quay trở lại chuyện hai bạn trẻ. Ví như chàng đủ lịch lãm và hào sảng “bao hết bàn trà đá” cỡ 130k. Cô gái sẽ thấy rằng họ và bạn bè đã có một buổi tối vui vẻ và cô đang nghĩ tới lần gặp riêng ở buổi sau. Khởi đầu rất tốt đó chứ?

Còn chàng trai nếu nghĩ rằng cô gái và bạn cô là một đám “đào mỏ trà đá”, anh có thể tự vấn là mình đã tiêu tiền một cách khôn ngoan khi chỉ với 130k mà đã “đọc vị” được một cô gái rất không xứng đáng với mình. Đó không phải là cách của một quý ông sao?

Nhưng tệ cái là cả hai đã không lựa chọn cách này. 

Họ đã tự làm vật tiêu khiển trong thế giới mạng khi cung cấp chất liệu cho báo chí qua Facebook. Giá như khi chàng trai nói “chỉ có 100k” với hàm ý rằng “anh có tiền nhưng anh không thể trả cho gái như em”, cô gái nhẹ nhàng mà rằng: “Cảm ơn sự rộng rãi của anh”. Và hình phạt xứng đáng cho anh chàng “rộng rãi” kia là sẽ không có buổi gặp thứ hai. Như vậy, chàng trai sẽ có thời gian để nghiền ngẫm về sự “rộng rãi” của mình và cô gái sẽ không phải “cảm ơn” anh chàng hào phóng kia nữa.

Có lẽ vậy sẽ vẹn đôi đường. 

Nhưng tiếc rằng, họ lại mang chuyện của riêng mình ra mà thanh minh với cả thiên hạ. Như đã nói ở trên, chúng ta không phủ nhận vai trò của tiền bạc. Nhưng tiền bạc chỉ là phương tiện, không nên là mục đích. Như Quất tôi đây, thời sinh viên vì thiếu “phương tiện” nên cũng chẳng có dịp để các nàng “đào mỏ”. Nhưng tôi cho rằng, các cô gái thực dụng rất đáng đời vì đã vô tình đánh mất cơ hội của đời mình khi để “món hời” rơi vào tay… vợ tôi! 

Đấy là cách tôi thanh minh với riêng các bạn.

Ngay cả tới giờ, vì “phương tiện” không đủ mạnh, nên tôi có thi thoảng “trộm” tiền của “chúng ta” để mua quà cho vợ. Cô ấy vẫn mắng tôi, nhưng với cả sự hài lòng:

“Gớm, tiền không có lại còn cứ vẽ!”

Các bạn thấy đấy. Phụ nữ luôn chê trách đàn ông “vẽ”, nhưng thực tế “vẽ” cũng là một giá trị tiềm ẩn mà thiếu nó, các mối quan hệ chỉ là sự trao đổi khô khan và thuần túy máy móc.

Mà nói về tình yêu, còn lâu chúng ta mới thành robot được. Phải vậy không?

Chốt lại, trong các mối quan hệ tình cảm, cảm xúc mới là một giá trị tối thượng – còn “tiền” hay “vẽ” chỉ đơn thuần chỉ là phương tiện. Hơn nữa, đem tiền vào lãnh địa của cảm xúc cũng giống như vác vàng lên Thiên đường vậy. Câu chuyện về ông nhà giàu, những người đọc “Plato và con thú mỏ vịt đi vào quán bar” sẽ biết; chuyện mất (và được) 100k lẽ ra chỉ giai thanh, gái lịch biết với nhau, giờ lại thành “mồi nhậu nhân phẩm” cho cả triệu người dùng internet. Có đáng chăng?

Đến đây Quất tôi tự hỏi liệu họ có băn khoăn vì 100k mất rồi (và được rồi) thế còn phẩm giá của mình ở đâu? 

Hay lại ngẩn ngơ, phẩm giá là gì nhỉ?

Trần Quất

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, độc giả có trao đổi hoặc quan điểm riêng cần chia sẻ xin mail về doccham@kenh14.vn. Nếu bài viết được đăng tải, độc giả sẽ được nhận nhuận bút theo chính sách dành cho CTV hoặc chuyên gia.