Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn"

Hoàng Linh, Theo Tổ Quốc 15:30 16/04/2020

Những tâm ý tốt ẩn trong con người Việt Nam đang được đánh thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 1.

Ngày 13/4, siêu thị hạnh phúc (siêu thị 0 đồng) nằm ở cổng sau tòa nhà Grandplaza, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội mở cửa để đón các vị khách đặc biệt – những người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Đây là một trong tám điểm siêu thị cùng mô hình hoạt động mua sắm 0 đồng được Tập đoàn A. - một doanh nghiệp trong lĩnh vực Tài chính, bất động sản triển khai tại Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế.

Sau nhiều lần từ chối thì doanh nhân N.Đ.L - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn A. - người đứng sau chuỗi siêu thị hạnh phúc 0 đồng cũng đồng ý chia sẻ với Trí thức trẻ câu chuyện "hậu trường" của dự án, nhưng với điều kiện không tiết lộ tên tuổi. Anh cho rằng, đây là điều hết sức bình thường, nhỏ bé, bởi bất kỳ người Việt Nam nào cũng có sẵn tấm lòng muốn giúp đỡ mọi người.

"Đây không phải là hoạt động cho quà, mà là đi mua sắm"

Những chương trình hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19 đã được nhiều mạnh thường quân triển khai như tặng tiền, tặng nhu yếu phẩm, nhưng hình thức đi mua sắm 0 đồng ở siêu thị hạnh phúc là đầu tiên. Tại sao anh chọn hình thức này khi triển khai hoạt động thiện nguyện?

Chúng tôi không coi đây là hoạt động đi cho quà mà là đi mua sắm 0 đồng để người dân đến đây cảm thấy thoải mái, được trân trọng và phục vụ như những thượng đế, gạt bỏ suy nghĩ về những khó khăn thường ngày. Dù họ là ai, họ như thế nào, có hay không có tiền thì cũng xứng đáng được phục vụ. Mọi chuyện đơn giản là như vậy.

Nguồn hàng hóa của siêu thị hạnh phúc 0 đồng từ đâu?

Tại siêu thị, mỗi người sẽ được đi mua sắm 0 đồng 2 lần/tháng. Siêu thị dự kiến hoạt động trong 3 tháng, sau đó sẽ giãn dần một tuần 3 ngày để có thể duy trì lâu dài với kinh phí ban đầu là 8 tỷ đồng. Chúng tôi dùng nguồn kinh phí tự thân và quỹ Khai trí – một quỹ thiện nguyện của công ty để nhập hàng từ các đơn vị chuyên cung ứng nhu yếu phẩm, thuốc men.

Điều bất ngờ và vui nhất là hai ngày qua, đã có vài anh chị mang chục trứng, cân gạo và sách vở, quần áo còn mới đến để tặng cho siêu thị.

Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 2.

Bên trong siêu thị hạnh phúc 0 đồng tại Hà Nội.

Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 3.

Niềm vui của những người còn gặp khó khăn trong dịch Covid-19 khi đến siêu thị.

Khi nhìn thấy rất đông người có hoàn cảnh khó khăn xếp hàng dài chờ vào siêu thị, anh cảm thấy thế nào?

Vui, buồn và lo là 3 cảm xúc lẫn lộn của cả nhóm làm dự án.

Khi bắt tay làm, chúng tôi nghĩ, nếu mình được đón nhận thì vui, còn nếu ít người đến thì buồn. Nhưng những ngày sau, nhìn dòng người xếp hàng dài cả km để chờ vào siêu thị mua nhu yếu phẩm thì thực sự rất buồn. Tại sao còn nhiều hoàn cảnh khó khăn đến như vậy?

Chúng ta đói 1-2 tiếng là đã không thể chịu được. Vậy những người bị đói, rồi cả những người thân của họ cũng vậy? Đói trong nhiều tuần lễ thì thực sự rất kinh khủng.

Vài bạn nhân viên của siêu thị đã khóc khi thấy quá đông người tìm đến. Tôi vốn là người khá cứng rắn cũng không khỏi xúc động. Có lẽ do tuổi già nên nhạy cảm chăng (cười).

Trước đó, dự án đã dự trữ 500 tấn gạo cho đợt mở cửa, nhưng thấy còn nhiều hoàn cảnh khó khăn lại lo rằng, liệu nguồn hàng chuẩn bị cho 3 tháng hoạt động có đủ hay không? Rồi nhìn lại thì cũng lo cho chính bản thân doanh nghiệp mình. Vì 3 tháng đầu năm, doanh số của công ty sụt giảm tới 90%.

Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 4.

Dòng người xếp hàng phía ngoài siêu thị 0 đồng tại Hà Nội.

Hiện nay, siêu thị 0 đồng đang gặp khó khăn gì?

Hiện giờ cần nhất là gạo, dầu ăn, trứng, lạc, mỳ… những thứ cần thiết nhất để không bị đói. Chúng tôi đang tính toán để có thể kéo dài chương trình dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp. Thú thật là ngay cả những chi phí nhỏ nhất cũng đang phải tiết kiệm.

Hôm trước, các bạn nhân viên của công ty đã quyết định tự tay làm tất cả mọi việc từ setup siêu thị, vận chuyển, sắp xếp hàng hóa để bớt "đồng nào hay đồng ấy", dành tiền mua nhu yếu phẩm.

Một chuyện nhỏ thôi nhưng giờ cũng phải cân nhắc, họp bàn lên xuống. Ban đầu có đề xuất hỗ trợ nhóm tình nguyện viên mỗi người bữa ăn trưa trị giá 30.000 đồng, nhưng sau đó tính đi tính lại cũng phải từ chối. Cuối cùng thì mọi người đều vui vẻ, bỏ tiền túi ra để cùng công ty làm dự án.

Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 5.
Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 6.
Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 7.
Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 8.
Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 9.
Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 10.

Các nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, dầu ăn, muối, đường, trứng... bên trong siêu thị 0 đồng.

Không chỉ ATM gạo, siêu thị hạnh phúc 0 đồng, người Việt Nam có thể làm nhiều điều đặc biệt hơn thế

Có ý kiến rằng, ngành tài chính, Bất động sản những năm trước làm ăn tốt, nên bây giờ bỏ tiền ra thực hiện trách nhiệm xã hội là đương nhiên. Anh nghĩ sao về điều này?

Giai đoạn này rất nhiều doanh nghiệp trong đó có bất động sản đang gặp khó khăn, thậm chí có những nơi đã cắt giảm 50% nhân sự và giảm lương nhân viên. Nghe đến ngành bất động sản thì có vẻ như "rất nguy hiểm" vì thường bị đồn đoán là lãi đậm, giàu có nhưng thực chất không như vậy.

Tiết lộ với bạn là phòng họp xịn nhất của công ty tôi vẫn đang dùng chiếc ghế từ năm 2008 (cười). Khó khăn là vấn đề chung, nhưng không có nghĩa là không làm gì, chỉ có điều sẽ phải nỗ lực và cố gắng hơn nữa.

Một ý kiến khác cho rằng, hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp lúc này là một cách để họ quảng cáo, truyền thông hiệu quả hơn bất cứ khi nào. Anh cảm thấy thế nào khi nghe vậy?

Tôi thấy nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực đã làm các chương trình thiện nguyện rất ý nghĩa và mạnh mẽ hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng cần nhìn nhận đó là những tâm ý tốt ẩn trong con người Việt, hiện giờ được đánh thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Chúng tôi không gắn tên doanh nghiệp lên tên siêu thị mà đặt tên là "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng", đơn giản vì muốn làm gì đó cho cộng đồng hơn là đánh bóng tên tuổi.

Như tôi đã nói ở trên, có những người dân đã mang theo gạo, dầu ăn đến để góp vào siêu thị. Đó là điều hết sức tuyệt vời. Chúng tôi cho đi không đáng là bao nhưng nhận lại rất nhiều.

Cộng đồng quốc tế rất khâm phục khi nhìn về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và sự chung tay của toàn dân trong việc chống dịch Covid-19. Chúng ta có những ATM gạo, siêu thị hạnh phúc 0 đồng. Anh nghĩ liệu người Việt Nam có thể làm được nhiều hơn như thế?

Chắc chắn rồi. Đó là những điều nhỏ bé nhưng đặc biệt, xuất phát từ sự tự hào và yêu Việt Nam một cách vô cùng sâu sắc tự tâm mỗi người. Vì thế, tôi tin rằng, chúng ta có thể làm được nhiều hơn như thế bởi Việt Nam là một dân tộc vĩ đại, với những con người tuyệt vời. Chỉ cần chung tay, chúng ta có thể làm được rất nhiều điều.

Cảm ơn anh về những chia sẻ này!

Doanh nhân giấu mặt và dự án siêu thị 0 đồng: “Khi thấy quá đông người xếp hàng chờ mua, tôi thực sự rất buồn - Ảnh 11.