Năm 1975, đất nước thống nhất, và những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trong năm ấy như thể mang theo hơi thở đầu tiên của hòa bình. Họ lớn lên cùng những bước chuyển mình của một Việt Nam đi từ thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn đến những ngày mở cửa, hội nhập và vươn ra thế giới. 50 năm sau, thế hệ ấy – những người con của mùa xuân đại thắng – nay đã bước vào tuổi năm mươi, cái tuổi đủ để ngoảnh lại nhìn một hành trình dài, với biết bao đổi thay thấm sâu vào da thịt, vào ký ức.
Họ là những nhân chứng thầm lặng cho cả một kỷ nguyên: từ những ngày đi chợ bằng tem phiếu, có chiếc xe đạp Thống Nhất đã là “xịn”, đến khi điện thoại thông minh, mạng xã hội và những điều hiện đại khác trở thành quen thuộc. Họ đã lớn lên cùng đất nước, trưởng thành cùng những biến động, và giờ đây, mỗi câu chuyện của họ là một lát cắt chân thực về lịch sử Việt Nam hiện đại.
Trong những người sinh ra giữa năm bản lề ấy, Diva Mỹ Linh – nữ ca sĩ sinh năm 1975 – là một hình ảnh đặc biệt. Không chỉ nổi bật với giọng hát nội lực và sự nghiệp âm nhạc bền bỉ mà còn đi cùng Việt Nam từ những ngày đầu giao thoa văn hóa, khi làn sóng nhạc quốc tế bắt đầu đổ vào nước ta, cho đến hôm nay, khi âm nhạc Việt Nam đã vững vàng trên chính đôi chân của mình.
Diva Mỹ Linh hoài niệm về những chuyện đã qua, hạnh phúc khi chia sẻ về hoà bình hiện tại
Trong không khí nhộn nhịp chào mừng ngày đại lễ 30/4, chắc hẳn cảm xúc của chị cũng đang rất hân hoan, bồi hồi và xúc động?
Công việc của tôi là đi biểu diễn, liên tục thực hiện các chuyến bay Hà Nội - TP.HCM. Trong những ngày này, tôi thấy không khí vui tươi ở khắp nơi. Đặc biệt là tại TP.HCM, mọi ngời đều đang rất khẩn trương, hối hả để tập duyệt cho buổi lễ diễu binh, diễu hành. Trước đó, bản thân tôi đã có một hành trình dài biểu diễn tại các tỉnh thành khác chẳng hạn như Ngày Giải phóng Đà Nẵng 29/3.
Nếu để cho trí tưởng tượng bay bổng, cho chúng tìm được “đúng địa chỉ” - thì tôi cảm giác giống như thời mình chưa được sinh ra. Những ngày tháng ấy, tin chiến thắng liên tiếp được truyền từ Huế đến Đà Nẵng, vào miền Trung Tây Nguyên rồi đến miền Nam. Tất cả là một chặng đường dài để hôm nay đất nước có hòa bình, cuộc sống cũng đã tốt đẹp hơn rất nhiều.
Vào những ngày tháng này, tôi cũng rất xúc động và bồi hồi. Vì trong gia đình tôi cũng đã có những người đã ngã xuống, cả bên nội, bên ngoại và bên nhà chồng. Tôi nghĩ rằng ngày này, mọi người sẽ đều nhớ về kỷ niệm của từng gia đình gắn bó với sự kiện lớn của đất nước và tìm thấy những niềm xúc động riêng.
Được sinh ra vào năm 1975, thời điểm đất nước thống nhất, chị có nghĩ đó là một may mắn của mình nói riêng và của thế hệ những người sinh năm 1975 nói chung?
Năm nay tôi cũng tròn 50 tuổi, tôi sinh ra sau khi thống nhất đất nước 4 tháng.
Nên nếu nói về điều may mắn đầu tiên thì là được ra đời khi hòa bình. Mặc dù cuộc sống trong những ngày tháng đó rất khó khăn nhưng không biết là do “trời chọn” hay do “mẹ chọn” mà tôi được sinh vào những dịp lễ lớn của đất nước. (Mỹ Linh sinh ngày 19.8.1975 - PV).
Cái thời của tôi sinh ra, đất nước vẫn còn bao cấp nên thế hệ 7x nói chung được chứng kiến rất nhiều sự đổi thay, những sự kiện quan trọng. Ngoài việc được sinh ra trong hòa bình thì việc chứng kiến tận mắt đất nước thay đổi cũng là một điều may mắn khác. Được thấy từng khu nhà dần được xây cao thành tòa nhà như thế nào, từng con phố được mở rộng ra sao, hay cả những tiếng ve khi còn bé cũng là điều khiến tôi nhớ và xúc động.
Tôi vẫn luôn luôn biết ơn vì được sinh ra trong thời bình, đất nước không còn bom rơi, đạn nổ như thời của cha mẹ hay thời anh trai của tôi cũng vẫn còn nghe tiếng chuông phải chạy xuống hầm trú ẩn. Tôi nghĩ rằng không ít thì nhiều, tất cả những ai sinh ra trong thời chiến tranh đều có những chấn thương về tinh thần. Đến thời tôi thì không như vậy, dù chúng tôi cũng sẽ có những “chấn thương” khác chẳng hạn như đói, khổ… nhưng còn đỡ hơn là việc phải nhìn thấy người thân của mình mất đi. Đó là những mất mát rất to lớn, không gì có thể bù đắp được.
Nghe chị nhắc nhiều về thời bao cấp, ký ức về khoảng thời gian ấy của chị như thế nào?
Thời bao cấp ấy rất nghèo và đói. Đói theo nghĩa đen, đói lắm. Cái đói khi ấy là thực tế bằng gạo, bằng cơm chứ không chỉ là “đói” tri thức không đâu. Nhưng khi đói, người ta lại thương nhau nhiều hơn, đoàn kết hơn.
Tôi nhớ tuổi thơ của mình vui lắm, vì chẳng có trò gì chơi. Mà thời ấy chúng tôi chơi chung với nhau - mấy chục đứa trẻ một lúc. Và có lẽ, trí tưởng tượng của chúng tôi tốt hơn vì phải tự nghĩ, tự chế tạo ra đồ chơi. Buổi tối không có điện nhưng trẻ con chúng tôi cứ tụ họp hết lại ở sân tập thể, nhìn lên trời và nghĩ về những ước mơ riêng để theo đuổi. Sau này những ước mơ đó khi thì được kể ra, khi thì lại thầm kín giữ trong lòng.
Thực sự thì có những cái đói khổ, thiếu thốn nhưng lại có những kỉ niệm đẹp riêng, giúp cho chúng tôi có thể lớn lên và biết trân trọng tất cả những gì đang có bây giờ. Đó là một điều đáng quý.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tròn 50 năm, những người ở thế hệ 1975 cũng đã 50 tuổi. Chị có nghĩ rằng cụm từ “Tôi lớn lên cùng đất nước” chính là để miêu tả những người sinh ra ở cột mốc đặc biệt này?
Tôi nghĩ là không chỉ có những ai sinh năm 1975 mà cả những thế hệ trước nữa, mọi người vẫn luôn lớn lên cùng đất nước mà. Bất cứ ở giai đoạn nào.
Đất nước mình đã trải qua hàng nghìn năm, từ cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, từ các thế hệ ông cha rồi mới tới thế hệ chúng tôi. Trong máu của chúng ta vẫn có máu của Tổ tiên, đất nước vẫn theo một chiều dài như vậy và đến giờ vẫn vậy, sẽ tiếp tục chảy trong thế con cháu. Nên tôi tin rằng ai cũng lớn lên cùng đất nước, không riêng gì giai đoạn 1975 này.
Từ một cô gái trẻ đắm mình trong âm nhạc những năm 90 đến một Diva của hôm nay, dự đổi thay đó của đất nước tác động như thế nào đến sự nghiệp của chị?
Thời khi tôi lớn lên không có nhạc để nghe đâu. Những gia đình có điều kiện hơn thời đó thì tôi không rõ vì không được tiếp xúc nhiều, nhưng gia đình tôi là gia đình lao động, cũng như các nhà khác, chỉ có một chiếc loa phát thanh màu trắng. Sáng nghe chương trình buổi sáng, trưa nghe chương trình buổi trưa, tối thì nghe chuyện cảnh giác còn đến đêm thì có những tiếng thơ.
Tôi lớn lên cùng với những giai điệu ấy, các cô chú trong Đài phát thanh cho nghe gì, tôi nghe đó. Do vậy, sự hiểu biết cũng có phần hạn hẹp vì thời ấy không có kênh để tự tìm hiểu, đài phát gì biết đó thôi.
Sau đó khi mọi thứ dần phát triển hơn, tôi bắt đầu mua những chiếc đĩa, album đầu tiên là album tổng hợp. Rồi khi có internet, thế giới phẳng, bên kia có gì, bên này có đó. Từ một người được nghe thụ động, đến ngày được lựa chọn nghe tất cả những gì mình muốn là một sự thay đổi đáng kinh ngạc.
Có lẽ những người trẻ bây giờ sẽ hỏi là: “Vậy ngày xưa các ông bà, bố mẹ sống kiểu gì?”. Thế mà bọn tôi vẫn sống đấy.
Nhìn lại, tôi cũng thấy mình được phát triển theo một chiều dài lịch sử. Tôi cũng là một người thích quan sát dòng chảy chung không chỉ sống cuộc sống của bản thân mà còn của gia đình, họ hàng rồi trong xã hội, đất nước Tôi thích nhìn ngắm xem mình đang ở đâu, mình thế nào và cũng có những điều thú vị tự chiêm nghiệm được cho chính mình.
Theo chị, những bước tiến của âm nhạc Việt có phản ánh sự đổi mới của đất nước không, và ở khía cạnh nào?
Tôi nghĩ là có chứ. Bản thân tôi hát nhạc Pop có một chút màu của R&B, còn các bạn trẻ thì Rap, làm nhạc đầy đủ, không thua kém gì thế giới. Về trình độ có thể khác nhau nhưng họ có gì, chúng ta cũng đều có đó. Ngoài ra bây giờ nhạc cổ điển, nhạc kịch cũng rất phát triển.
Bên cạnh đó, đất nước cũng đang trong sự hội nhập, nhạc của nước mình cũng đã được các bạn quốc tế tìm nghe - ở một mức độ nào đó. Có thể là họ quan tâm đến và chưa nghe hàng ngày, nhưng như vậy chúng tôi thấy đã có rất nhiều điểm sáng. Thời tôi, mơ ước được mang nhạc của mình đi nhưng chưa làm được thì đời con, cháu thì sẽ có những bước chân đầu tiên mang niềm tự hào đất nước.
Tuy nhiên chị nghĩ đâu là chìa khóa để âm nhạc Việt Nam, truyền thống giữ được hồn cốt của dân tộc?
Trong giai đoạn vừa rồi, có nhiều nghệ sĩ trẻ mang sự pha trộn giữa nhạc dân gian của mình với âm nhạc hiện đại và được khán giả hưởng ứng rất nồng nhiệt. Đã có những ca khúc viral sang nước ngoài, đò là những điều đáng trân trọng và đáng quý.
Tôi nghĩ là điều gì đang được đón nhận, chứng tỏ là đang đi hướng đúng. Các bạn trẻ giờ rất nhanh nhạy, cái gì được đón nhận, họ sẽ khai thác sâu hơn, chuyên nghiệp hơn. Tôi tin là các bạn trẻ sẽ còn làm được nhiều hơn nữa.
Chứng kiến những chương trình biểu diễn trước hàng chục nghìn người, quá là điều không tưởng. Trước đây chỉ có bóng đá, thể thao mới thu hút được số lượng người đông như vậy nhưng bây giờ đã có những chương trình âm nhạc làm được điều này, thật sự tôi thấy rất cảm kích. Đã vậy còn là “hàng nội” nhé!
Ngày xưa mọi người thường nghĩ rằng chỉ có nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc hay thế giới mới có thể hiệu triệu được hàng chục nghìn con người như vậy. Nhưng hiện tại, cũng từng ấy số lượng như vậy họ đến, họ nghe nhạc Việt Nam thì đó là những tín hiệu rất đáng trân trọng để hoan hô các nhà sản xuất khi đã hướng được người tiêu dùng đến với “hàng nội”.
“Hoà bình đẹp lắm” - chị nghĩ gì đầu tiên khi nghe thấy cụm từ này?
Hòa bình không đẹp thì còn điều gì đẹp nữa! Hòa bình rất đẹp!
Nếu hỏi hòa bình có đẹp không thì hòa bình phải là đẹp nhất.
Còn mỗi người sẽ tự cố gắng, làm tốt nhiệm vụ của mình để hòa bình còn đẹp hơn nữa, tất cả mọi người đều hạnh phúc. Đó là hướng đi mà tất cả mọi người cùng cố gắng để cùng nhau xây dựng cho chính mình, cho gia đình và cho đất nước.
Chị muốn lan tỏa thông điệp gì về vẻ đẹp của hòa bình qua câu chuyện cá nhân và âm nhạc của mình?
Nếu có một điều ước muốn, một điều cầu nguyện thì tôi mong đất nước mình sẽ không bao giờ phải trải qua chiến tranh nữa, sẽ luôn có hòa bình để cho thế hệ đang sống và những thế hệ sau tiếp tục làm tốt việc của mình. Sẽ chỉ phải xây dựng thôi chứ không xây lại từ đầu thì đã là điều tốt đẹp. Và mong là mọi người sẽ luôn có những nụ cười ở trên môi, đủ cơm ăn áo mặc, đủ sự học hành, hiểu biết và có được hòa bình để mỗi sáng thức dậy không phải lo lắng về điều gì.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!