Khi Đức thua hai trận mở màn liên tiếp ở World Cup, tính bất ngờ không còn, thay vào đó là sự chua chát. “Một khởi đầu thất bại nữa”, trang Suddeutsche Zeitung giật tít. Tờ Bild thì không nhẹ nhàng như vậy. “Sự sụp đổ của Đức”, họ viết. Còn tờ Die Welt thì mỉa mai, “Đức tự biến mình thành trò hề trước Nhật Bản”.
Trên mạng xã hội, ĐT Đức cũng hứng chịu sự phẫn nộ từ người hâm mộ. “Die Mannschaft đã bỏ quên bóng đá để tập trung vào băng tay cầu vồng”, “Đây là nỗi xấu hổ, đội bóng tệ hại nhất lịch sử ĐTQG”, và “Họ có đáng nhận những lời chỉ trích không, khi yếu một cách khó tin” là những bình luận dưới fanpage chính thức của LĐBĐ Đức.
Bây giờ, khả năng vô địch của Đức tụt giảm nghiêm trọng, từ 10/1 còn 20/1. Tuy nhiên ở một bảng đấu có sự hiện diện của Tây Ban Nha, việc đi tiếp vào vòng 1/8 cũng là cả vấn đề với đội quân của Hansi Flick. Nếu một lần nữa bị loại từ vòng bảng, đó sẽ là ác mộng tuyệt đối với người Đức.
Tuyển Đức bị dư luận trong nước mỉa mai vì sa đà vào những vấn đề ngoài bóng đá. (Ảnh: Getty Images)
Trong bóng đá, nỗi đau của người này là niềm hạnh phúc của người kia. Tại Nhật Bản, đêm 23/11 trở nên lung linh huyền ảo khi 5 tháp lớn nhất nước, gồm Tháp Tokyo, Tháp truyền hình Sapporo ở Hokkaido, Tháp Chubu Electric Mirai tỉnh Aichi, Tháp Kyoto và Tháp Fukuoka đều đồng loạt chuyển sang màu xanh áo đấu của ĐT Nhật.
Các trang báo lớn ở xứ sở Mặt trời mọc mô tả trận đấu ở Khalifa là “kỳ tích”, “chiến thắng lịch sử” và làm “rung chuyển thế giới”. Họ cũng nhấn mạnh Các Samurai xanh đã bước vào trận đấu với xác suất chiến thắng 0%, sau đó tạo nên chiến công không tưởng.
Trận thắng rất có ý nghĩa với Nhật Bản, bởi Đức luôn được coi là hình mẫu, mục tiêu hướng đến. “Cha đẻ của bóng đá Nhật” là Dettmar Cramer, người Đức, là HLV nước ngoài đầu tiên dẫn dắt ĐT Nhật (trong thập niên 1960). Ông đề xuất thành lập và chuyên nghiệp hóa giải bóng đá Nhật Bản, đồng thời huấn luyện thế hệ cầu thủ gặt hái thành công ở Thế vận hội 1964 và 1968.
Cũng chính từ đây, người Nhật bắt đầu nghĩ đến chuyện ra nước ngoài chơi bóng. Điểm đến mơ ước của họ không đâu khác, là Đức. Những cầu thủ hiện chinh chiến ở World Cup 2022 như Ritsu Doan (khoác áo Freiburg) và Takuma Asano (chơi cho Bochum) đã mài giũa các kỹ năng ở Bundesliga. Sau đó dùng những kinh nghiệm tích lũy được đánh bại nước Đức.
ĐT Nhật Bản ăn mừng chiến thắng lịch sử ở Khalifa. (Ảnh: Getty Images)
Khi tiếng còi cuối cùng ở Khalifa cất lên, theo đài NHK, Nhật Bản giành chiến thắng, người hâm mộ cũng tập trung rất đông trước ga Shibuya ở Tokyo để ăn mừng. Nhiều người không thể kìm nén cảm xúc đã tràn ra đường, la hét nhảy múa khiến Sở cảnh sát đặt trong tình trạng báo động. Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để giữ gìn trật tự, khuyến cáo các cổ động viên không thực hiện các hành vi quá khích hoặc gây nguy hiểm. Cho đến 1h sáng, người hâm mộ dần rút đi và giao thông không còn tắc nghẽn, tình trạng báo động mới được dỡ bỏ.
Trong ngày 23/11, thông tin Saudi Arabia được nghỉ 1 ngày để ăn mừng chiến thắng cũng tràn ngập báo chí Nhật Bản. Vì vậy khi đội nhà làm nên kỳ tích, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu Chính phủ Nhật có làm điều tương tự? Mặc dù chưa có tin chính thức, nhưng Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản Kozo Tashima đã khuyến nghị người dân “không nghỉ ở nhà như Saudi Arabia”.
“Hãy đi làm, đi học vào ngày mai, sau đó nói về chiến tích của các Samurai xanh cũng như tinh thần chiến đấu ngoan cường của họ ở văn phòng, trường học”, ông nói.