“Điều đáng buồn hơn cả bất hiếu là nuôi dạy con cái thành một người có học vấn cao”: Quan điểm gây tranh cãi dữ dội!

Trần Hà , Theo Đời sống Pháp luật 20:00 20/02/2025
Chia sẻ

Tâm sự của một ông bố 63 tuổi được truyền thông Trung Quốc đăng tải đang gây ra 1 cuộc tranh luận lớn.

*Nguồn bài viết được trích từ những câu chuyện cảm động quanh ta của tác giả Little Motor đăng tải trên 163. 

Điều buồn nhất về tuổi già là gì?

Tôi từng nghĩ việc có đứa con bất hiếu là điều đáng buồn nhất, tuy nhiên, khi tôi ở 63 tuổivà  vợ 53 tuổi ngày nào cũng nhìn đứa con trai thạc sĩ, từng được lên báo vì là đứa trẻ xuất sắc nhất khu phố thất nghiệp 4 năm, ở nhà nằm dài trên sofa ăn rồi chơi game, không nhà, không xe và cũng không vợ con tôi mới “vỡ lẽ”...

Tôi nhận ra rằng điều đáng buồn hơn cả bất hiếu là nuôi dạy con cái thành một người có học vấn cao? 

Vợ chồng tôi có nhà, có xe, có lương hưu 5 nghìn nhân dân tệ/tháng (khoảng 18 triệu đồng) nhưng phải từng ngày chứng kiến đứa con trai duy nhất của mình lãng phí thời gian và giường như sắp hết phương cứu chữa.

“Điều đáng buồn hơn cả bất hiếu là nuôi dạy con cái thành một người có học vấn cao”: Quan điểm gây tranh cãi dữ dội!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đứa con trai từng là niềm tự hào của cả nhà

Con trai tôi từ nhỏ đã rất xuất sắc, chưa bao giờ làm chúng tôi thất vọng.

Mới ba tuổi, con tôi đã có thể đọc thơ cổ, làm phép cộng trừ. Suốt từ tiểu học đến năm cấp 3, cháu toàn đạt thành tích cao. Năm 18 tuổi, con tôi trúng tuyển vào trường Đại học thuộc dự án 211 - trường trọng điểm, có thế mạnh cũng như thành tích đào tạo vô cùng xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, con tôi còn nằm trong top 10 học sinh có thành tích tiêu biểu trong thành phố năm đó nên vợ chồng tôi cũng được “thơm lây” khi được phóng viên đến phỏng vấn và được lên báo vì sự xuất sắc của con trai.

Là “viên kim cương quý” của gia đình nên vợ chồng tôi không cho con làm bất cứ việc gì trong nhà. Ngay cả khi và đại học, để cho con có cuộc sống tốt nhất, vợ chồng tôi cho con 2 nghìn nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 7 triệu đồng) phí sinh hoạt - gấp đôi những bạn học cùng lớp, để con thoải mái chi tiêu, chú tâm học hành. 

“Điều đáng buồn hơn cả bất hiếu là nuôi dạy con cái thành một người có học vấn cao”: Quan điểm gây tranh cãi dữ dội!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cứ như thế, mọi thứ đến với con trai tôi và vợ chồng tôi rất suôn sẻ. Cho đến năm nó tốt nghiệp đại học. Con trai tôi học ngành giáo dục nghệ thuật tự do. Thời điểm đó, ai tư vấn cũng bảo chúng tôi là nghề này dễ xin việc lắm, ra trường thi công chức, làm cho các công ty lớn, không thì đi dạy.

Từ khi tốt nghiệp đại học, lên thạc sĩ bỗng chốc mang tội lớn 

Vợ chồng tôi thì định hướng con làm giáo viên nhưng con trai tôi nói rằng đã thử qua công việc này trong thời gian thực tập nhưng cảm thấy rất nhàm chán, không phù hợp. Nó cũng từ chối kỳ thi công chức ở tỉnh với lý do muốn ở lại thành phố lớn, thử sức khi đang con trẻ. 

Nhưng, con tôi lại quên mất nó học giáo dục nghệ thuật. Nếu muốn vào ngành bán hàng, nó không thể cạnh tranh vì không có kinh nghiệm, làm chuyên mảng công nghệ thì chẳng có kỹ năng,... Cứ như thế, con trai tôi thất nghiệp 6 tháng. Đến tháng thứ 7, nó tìm được 1 công việc văn phòng tại một công ty thuộc danh sách Fortune Global 500, với mức lương 5000 nhân dân tệ/tháng. Nó nói với chúng tôi này vị trí khá dễ vào, môi trường làm việc ổn nhưng chỉ sau 2 năm làm việc, nó bị công ty sa thải vì làm việc không hiệu quả. 

Vài tháng thất nghiệp sau đó, con trai tôi tiêu hết số tiền tiết kiệm và bắt đầu nhắn hỏi xin tiền. Tôi không biết là do môi trường chung hay do năng lực của cháu không được coi trọng mà con tôi ngày nào cũng tìm kiếm việc làm mà không trúng tuyển hoặc vài tuần lại nghỉ.

Tâm lý phụ huynh, chúng tôi vô cùng lo lắng. Lúc này, vợ chồng tôi cũng tìm hiểu và biết rằng không chỉ riêng con trai tôi mà rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay đều thất nghiệp. Chiếc bằng cử nhân của con tôi không còn có giá trị cao nữa, có rất nhiều người ngoài kia cũng giỏi và giỏi hơn nữa. Chính vì thế, vợ chồng tôi đã khuyến khích con tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học, học cao học, lấy tấm bằng thạc sĩ. Lúc này, cơ hội sẽ rộng mở hơn. 

Con trai tôi cũng theo sự sắp xếp của chúng tôi, quyết tâm tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập. Nó thuê một căn hộ ở gần trường, để tiện đi lại. Vợ chồng tôi tiếp tục cho con tiền sinh hoạt, đóng tiền học, hàng tháng đều ghé thăm, mang theo đồ ăn và dặn dò con cố gắng. Thế nhưng, hành trình này cũng gian truân không kém. Con tôi không đỗ ngay lần thi đầu tiên. Con trai tôi - người luôn đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học, lại “mắc kẹt” trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học và đã trượt 2 lần. May mắn đến lần thứ 3 thì cháu thành công.

“Điều đáng buồn hơn cả bất hiếu là nuôi dạy con cái thành một người có học vấn cao”: Quan điểm gây tranh cãi dữ dội!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Trong vài năm này, hàng tháng vợ chồng tôi phải chu cấp cho con khoảng 3-4 nghìn nhân dân tệ (khoảng 10-14 triệu đồng) cho phí sinh hoạt, nhà ở. Ngoài ra, tiền học trong suốt 2 năm này lên tới 110 nghìn nhân dân tệ (khoảng gần 400 triệu đồng). Con tôi trong quãng thời gian này cũng quen thuộc với cuộc sống không đi làm, chỉ đi học và vẫn sống đủ đầy với số tiền mà bố mẹ chu cấp. 

Tuy nhiên, lúc này vợ chồng tôi vẫn tự an ủi nhau là đang giúp con, giúp con có học vấn cao, mong sau này có cuộc sống tốt. Mong con sau khi lên thạc sĩ sẽ có công việc, nhà, xe và có vợ con. Dù sao, nó cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng tôi, gia đình tôi cũng thuộc hàng khá giả. 

Song, mọi thứ “vỡ mộng” sau khi con tôi tốt nghiệp cao học. Nó trở nên lười biếng hơn trước, thậm chí còn không muốn phấn đấu nữa. Không hiếm những hôm về nhà nó chỉ nằm dài trên ghế chơi game, coi phim. Nó bảo rằng chưa tìm được công việc phù hợp, những nơi tuyển thì nó lại chưa có kinh nghiệm, những công việc khác thì không tương xứng với tấm bằng thạc sĩ của nó.

Vợ chồng tôi lại sốt ruột, tìm cách “cứu” đứa con trai duy nhất bằng việc đi nhờ cậy họ hàng giúp đỡ. Cuối cùng, tôi đã tìm được một số công việc rất tốt cho con trai mình. Mặc dù không phải là công việc ổn định nhưng có mức lương cao và dễ dàng, phù hợp với chuyên ngành của con trai tôi. Nhưng vì lý do nào đó tôi không rõ, nó lại xin nghỉ việc. 

Công việc cuối cùng mà vợ chồng tôi tìm giúp con mình đó là một công việc văn phòng, do một người bạn của tôi làm chủ. Con tôi được trả mức lương khá cao lên đến 8 nghìn nhân dân tệ (28 triệu đồng) mỗi tháng, đã bao ăn và cả chỗ ở trong ký túc xá với phòng riêng. Nhưng con trai tôi chỉ làm ở đó một năm rưỡi rồi nghỉ việc. Nó tự ý nghỉ việc, nói rằng nhà máy giống như một cái lồng kìm hãm sự phát triển của nó.

Tôi cũng thấy xấu hổ vì con trai tôi đã xin nghỉ việc theo ý thích, vì đó là công việc tôi đã nhờ bạn mình. Vợ chồng tôi bất lực, và cũng hết chỗ nhờ vả rồi. Con tôi cũng không tìm được công việc nào tử tế. Trong “cơn bão sa thải” như hiện nay, nó lại càng không có cơ hội hơn.

Điều buồn hơn con bất hiếu là con được nuôi sai cách

Thế rồi vào một ngày mùa đông nó ôm vali bảo là về nhà, nó bảo muốn tham gia kỳ thi tuyển công chức ở tỉnh. Lúc đó, tôi nghĩ con trai mình cuối cùng đã tỉnh táo lại, nhưng hóa ra cháu nó chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi, chẳng làm gì cả. Con trai cũng được vợ chồng tôi ép đi thi, song 5 lần rớt hết cả 5 ngay từ vòng thi viết. 

“Điều đáng buồn hơn cả bất hiếu là nuôi dạy con cái thành một người có học vấn cao”: Quan điểm gây tranh cãi dữ dội!- Ảnh 4.

Chàng trai xách balo về quê. Ảnh minh họa.

Cuối cùng, chúng tôi cũng “bó tay”, con tôi ở nhà hoàn toàn, nó bảo lên thành phố cũng không có chỗ làm phù hợp, lương thấp, không chịu được áp lực. Đến nay đã 4 năm trôi qua con tôi chỉ nằm ở nhà, chơi game và ăn rồi ngủ. Con trai tôi đã 34 tuổi nhưng không có nổi lương tháng, nhà, xe hay người yêu chứ đừng nói đến vợ con.

Điều đáng sợ nhất không phải là vợ chồng tôi già đi mà là đứa con của tôi đang “chết dần chết mòn”. Bây giờ, chúng tôi vẫn có thể cung cấp thức ăn và đồ uống cho con, nhưng thử tưởng tượng vài năm nữa, sức khỏe của chúng tôi sẽ suy yếu mà con trai tôi vẫn như thế này, chúng tôi phải làm sao? 

Tôi thấy cả nó và tôi đều đáng thương vô cùng.

Hóa ra, sự bao học của vợ chồng tôi đã gián tiếp làm hại cuộc đời của con mình. Nó không chịu được áp lực, luôn làm theo ý mình mà chẳng màng hậu quả là bởi suốt 25 năm đầu đời nó luôn được làm theo ý mình, chưa từng tự nấu 1, chưa từng phải lo thiếu tiền. Mọi thứ nó muốn mua, những điều nó muốn làm,... vợ chồng tôi đều ủng hộ vì thấy nó là đứa trẻ ngoan.

Vợ chồng tôi đã sai rồi, chúng tôi hối hận muộn màng. Người ta nói con cái bất hiếu khi về già là điều đáng buồn, nhưng giờ tôi thấy không phải buồn vì con mình bất hiếu, mà là việc tôi đã nuôi dạy nó thành một đứa con hư có học thức cao. 

Sau khi chia sẻ này được đăng tải lên mạng xã hội đã có rất nhiều bình luận bên dưới, chia sẻ quan điểm của mình. Nhiều người cho hay câu mà ông bố dùng “điều đáng buồn hơn cả bất hiếu là nuôi dạy con cái thành một người có học vấn cao” không hoàn toàn chính xác mà sai lầm lớn nằm ở chỗ cách ông bố mà mẹ này nuôi con - trong hành trình 25 năm từ lúc con mới chào đời cho đến khi tốt nghiệp đại học và sau này là cao học cho đến hiện tại.

“Phụ huynh đang quá bao bọc con cái. Bố mẹ lúc nào cũng nghĩ cho con, tất cả vì con là tốt nhất, nhưng không, như thế chỉ tạo ra những đứa trẻ thụ động, hoặc vô ơn. Như trường hợp trên là một ví dụ, bố mẹ đã quá bao bọc, cho con một cuộc sống quá dễ dàng như ăn kẹo mà chẳng cần bóc vỏ, để rồi sau này con không chủ động, càng không có ý chí phấn đấu, dễ dàng từ bỏ trước một vài sóng gió của cuộc đời”, một bình luận của cư dân mạng được nhiều netizen đồng tình.

Trong bài viết: “Thế nào là nuôi con đúng cách?” được đăng tải trên 163 có đoạn viết thế này: “Hãy cho con những điều phù hợp, những điều con xứng đáng chứ đừng nên là những điều hoàn hảo nhất. Cũng dạy cho con biết giá trị của cuộc sống bằng những bài học đơn giản hằng ngày như nếu đi thi được 10 điểm thì được đi chơi sở thú, ngược lại khi không nhận được 1 món quà nào đó thì cũng phải hiểu là con chưa phù hợp hoặc chỉ đơn giản là bố mẹ chưa có đủ điều kiện để đáp ứng. Các kỹ năng cơ bản như nấu ăn, dọn nhà,... nên để con biết làm để giúp con đối đãi tốt hơn với chính mình. 

Khi con học đại học, đừng cấm con đi làm thêm, dù là công việc nhỏ nhất cũng giúp con bạn trưởng thành hơn. Thế nên, bố mẹ cũng phải biết cách nghiêm khắc, đặt ra giới hạn cho con cái chứ đừng yêu chiều quá mức.

Bố mẹ cũng nên ích kỷ, để con cái biết rằng bố mẹ không ở đây mãi, không đồng hành cùng con mãi mãi, trong rất nhiều khoảnh khắc của đời sống để từ đó con biết bước đi trên chính đôi chân của mình”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày