Lảo Thẩn có lẽ là cái tên quen thuộc với những người đam mê trekking, nhưng với nhiều người khác, nó vẫn còn khá lạ lẫm. Và nếu như bạn còn đang thắc mắc không biết gì về ngọn núi này thì Lảo Thẩn thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sapa khoảng chừng 80km.
Sở hữu độ cao khoảng 2860m, Lảo Thẩn được xem là nóc nhà Y Tý. (Ảnh: Meditours)
Tuy không quá hùng vĩ như Fansipan, đường đi cũng chẳng nguy hiểm như leo núi Putaleng thế nhưng Lảo Thẩn lại được nhiều người yêu thích bởi đây chính là một trong những điểm săn mây đẹp nhất Tây Bắc.
Mặc dù vậy, Lảo Thẩn cũng giống nhiều nơi khác, cũng có những thời điểm đẹp nhất của năm và nếu bạn đang muốn khám phá cũng như chinh phục ngọn núi này thì thời điểm từ tháng 10 đến 12 và từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm chính là khoảng thời gian lý tưởng nhất. Trong đó, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm săn mây và ngắm bình mình tuyệt đẹp.
Vậy thì ngay bây giờ, hãy lên kế hoạch để trekking Lảo Thẩn ngay thôi nào!
Tới Lảo Thẩn, các bạn có thể dễ dàng bắt gặp được "biển mây" vô cùng thích mắt như thế này. (Ảnh: kkday)
Với những ai chưa từng đi Lảo Thẩn trekking hay ngay cả với những người đã từng có kinh nghiệm đi leo núi thì việc thuê porter là vô cùng cần thiết. Đây cũng là 1 khoản chi phí cố định (gần như bắt buộc) khi đi trekking, khác biệt hẳn so với khi các bạn đi du lịch ở những nơi khác. Tuy nhiên, khoản tiền để chi cho việc thuê porter không quá cao.
Và ngoài ra, khi đi trekking, tốt hơn hết là bạn nên rủ 1 nhóm cùng đi (khoảng từ 5-7 người), tuyệt đối đừng 1 mình và cũng không nên đi quá ít người để có thể đảm bảo an toàn.
Dưới đây là chi phí đi leo núi Lảo Thần cho nhóm 5 người trong vòng 2 ngày 1 đêm để bạn tham khảo. Trong trường hợp nhóm đông hơn, bạn hãy nhân số tiền này lên để có thể dự trù khoản chi khi đi trekking Lảo Thẩn!
Porter không chỉ dẫn đường mà xách đồ cho các bạn, mang thêm đồ ăn để chuẩn bị cho các bữa ăn khi cả đoàn đang ở trên đỉnh núi. Đừng tiếc tiền cho khoản này nhé! Miễn sao bạn chọn được porter uy tín là được. (Ảnh: coolmate)
* Chi phí chung:
Tiền thuê porter: 1 triệu đồng/2 porter
Tiền mua đồ ăn nhẹ, nước uống: 200k
Tiền thuê xe máy 2 ngày: 500k
Tiền ăn trưa: khoảng 700k
Tiền chi phí phát sinh (gửi xe, uống nước trên đường): 100k
Như vậy, tổng chi phí chung: 2,5 triệu đồng/5 người. Chia ra trung bình mỗi người hết khoảng 500k.
* Chi phí riêng (các khoản riêng mỗi người):
Để tới được Lảo Thẩn, các bạn nên di chuyển bằng xe khách đến Sa Pa để có nhiều thời gian nghỉ ngơi nhất có thể. Thực chất, các bạn có thể lên thẳng Y Tý, nhưng với những người không có sức khỏe thì di chuyển như vậy sẽ gây tiêu hao rất nhiều sức lực, chưa kể không có thời gian nghỉ ngơi đã bắt đầu hành trình ngay thì sẽ khó có thể tham gia leo núi.
Theo đó, các bạn sẽ cần chi thêm tiền xe khách di chuyển từ Hà Nội - Sa Pa. Mức giá trung bình là 400k/người khứ hồi.
Tiền nghỉ ở lán + ăn uống: 150k/người.
Tổng chi phí cho các khoản chi riêng này dự tính hết khoảng 550k/người.
Ngoài ra, sau khi kết thúc hành trình trekking, các bạn cũng có thể di chuyển về Sa Pa để dạo chơi ở thành phố này cũng như mua các món đặc sản về làm quà trong lúc đợi xe khách từ Sa Pa về Hà Nội.
Như vậy, chi phí leo núi Lảo Thẩn Lào Cai 2 ngày 1 đêm (bao gồm tiền di chuyển từ HN - Sapa) khoảng chừng: 1 triệu đồng/người.
Thời điểm cuối năm tuy đẹp nhưng khá lạnh nên các bạn hãy chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cũng như áo khoác, đồ giữ ấm cho cơ thể. (Ảnh: Vntrip, vietsensetravel)
Mỗi chuyến du lịch đều cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết để chuyến đi có thể trọn vẹn nhất, với việc leo núi lại càng như vậy.
Theo đó, dưới đây là những đồ dùng cần thiết mà bạn không nên bỏ qua:
- Giày trekking êm ái, có độ bám tốt để hạn chế tình trạng trơn trượt. Không cần thiết phải chọn giày leo núi chống nước bởi khi đi vào mùa hè thường bị bí, ra mồ hôi.
- Khoảng 2-3 cái áo mưa.
- Balo du lịch: dùng loại balo có nhiều ngăn đựng, vai có đệm chống đau mỏi.
- Lều cắm trại.
- Túi ngủ.
- Tấm lót túi ngủ.
- Túi đựng đồ du lịch đa năng
- Quần áo: bộ quần áo ngủ, áo khoác chống nắng, áo khoác gió…
- Các loại thuốc: thuốc giảm đau, thuốc đau bụng, đau đầu…
- Dụng cụ y tế: kéo, gạc, bông, ego, đường glucose…
- Thuốc xịt côn trùng và kem chống nắng.
- Máy ảnh, điện thoại, sạc dự phòng.
Ngoài ra, để phục vụ cho việc ăn uống trên đỉnh núi, các bạn cũng có thể mang thêm những món đồ dưới đây và nhờ porter xách giúp nếu không có đủ sức khoẻ:
- Bếp nướng dã ngoại và vỉ nướng (nếu muốn tổ chức nướng BBQ).
- Than củi, bật lửa, giấy bạc.
- Các nguyên liệu ướp sẵn để làm đồ nướng.
- Đồ ăn nhanh: bánh ngọt, xúc xích ăn liền, bánh mì..
- Nước uống (đủ cho các thành viên).
Hy vọng, với những chia sẻ trên đây, các bạn sẽ có thể lên phương án dự trù về kinh phí cũng như đầy đủ đồ dùng, dụng cụ cho hành trình chinh phục đỉnh núi Lảo Thẩn!