Những năm gần đây, Phượng Hoàng Cổ Trấn (凤凰县) nổi lên như một báu vật cổ kính và mộc mạc của du lịch Trung Quốc. Không gian trầm mặc, kiến trúc tinh tế và độc đáo của những ngôi nhà cổ, đền chùa, cây cầu, dòng sông… đã tạo nên một Phượng Hoàng Cổ Trấn đẹp đến nao lòng. Sự pha trộn về cơ cấu dân cư như người Miêu, Hán, Thổ Gia, Hồi… đã tạo nên nét sinh hoạt rất riêng và xưa cũ. Như một bức tranh huyền bí, với điểm nhấn là khung cảnh trầm mặc, đậm màu sắc cổ xưa, Phương Hoàng Cổ Trấn như muốn thách thức du khách đến tìm hiểu và khám phá.
Nếu những ai đã từng đặt chân vào địa danh nổi tiếng này, chắc chắn một điều là họ không chỉ có những trải nghiệm du lịch tuyệt vời cùng phong cảnh và văn hoá nơi đây mà nền ẩm thực độc đáo tại Phượng Hoàng Cổ Trấn cũng khiến thực khách vương vấn mãi. Sự tích tụ nhiều tầng văn hóa đã giúp cho hương vị các món ăn nơi đây độc đáo và khác biệt. Và những món ăn sau đây nhất định sẽ khiến bạn đổ gục ngay từ lần đầu thưởng thức.
Vì khí hậu ở Phượng Hoàng Cổ Trấn se se lạnh nên các món ở đây hầu như đều mang vị cay nồng ấm áp. Trong số những món ăn làm ấm bụng của người dân nơi đây thì phải kể đến món lẩu cá cay, còn được xem là đặc sản của vùng đất này.
Cá được đánh bắt từ sông Đà Giang ngay tại thị trấn và đem đi chế biến ngay nên món ăn vẫn giữ nguyên được vị ngọt, tươi và thịt cá dai, bùi hấp dẫn. Không giống như nước ta, ăn lẩu phải kèm bún, mì… ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, người ta lại ăn lẩu cùng với cơm trắng. Món ăn sẽ ngon hơn nếu bạn gọi thêm một phần rau xào.
Nếu là một người có khẩu vị cay, bạn sẽ vô cùng thích món ăn này. Còn gì tuyệt vời hơn khi xuýt xoa hít hà nồi lẩu ấm nồng, cay cay vị ớt vị tương giữa một Phượng Hoàng Cổ Trấn đặc trưng với se lạnh và sương mù. Ăn cùng các loại rau và nước chấm riêng biệt thì đúng là sự hòa quyện tuyệt vời của sắc - vị - hương. Thế nên, đây thực sự là món ăn không nên bỏ qua khi đến đây.
Phượng Hoàng Cổ Trấn thuộc tỉnh Hồ Nam, nơi rất nổi tiếng với món đậu phụ thối hỏa cung điện. Món ăn có tên lạ tai này được chế biến khá công phu. Quá trình để có những miếng đậu phụ có màu đen độc đáo nhưng vẫn béo, mềm này cũng rất lâu. Đậu phụ Hồ Nam lại được ủ đến 15 ngày, do thời gian ủ dài hơn mà món đậu phụ thối này trở nên thơm bùi và béo ngậy hơn.
Nguyên liệu chính của món ăn này rất đơn giản, chỉ gồm nước sốt làm từ đậu tương. Đậu phụ được chiên giòn bằng dầu cây trà trên lửa nhỏ, rồi cho thêm dầu mè và sốt tương ớt. Đây là món ăn khiến các du khách có phần ngại miệng khi dùng nhưng ăn rồi thì lại nhớ mãi.
Vịt hầm tiết (血 粑 鸭) là món ăn khá độc đáo và mang đậm hương vị bản xứ nhất ở Phượng Hoàng Cổ Trấn. Để làm món này ngon thì đòi hỏi phải tỉ mỉ trong cách chế biến. Đầu tiên, ngâm gạo nếp trong nước rồi đổ vào bát. Sau đó, trộn đều gạo với tiết sống, hấp cách thủy và cắt thành nhiều miếng trước khi chiên. Vừa chiên gạo, người ta sẽ vừa hầm vịt. Khi vịt đã nhừ, gạo vừa chiên xong sẽ được nhồi vào trong, nêm nếm gia vị rồi hầm thêm một lúc nữa cho tới khi vịt chuyển thành màu vàng đỏ hấp dẫn.
Bạn đừng lo lắng rằng món này sẽ khó ăn. Vì công đoạn chế biến gồm nhiều bước cùng với việc nêm nếm gia vị đậm đà nên hầu như món ăn đã mất đi mùi tanh vốn có. Thịt vịt mềm, dai khi ăn kèm thêm phần gạo chiên giòn thơm thơm khiến món ăn càng thêm phần hấp dẫn.
Shaokao hay còn đọc là "Sao-khảo" - tức "đồ nướng". Tỉnh Hồ Nam có khí hậu lạnh nên ngoài lẩu ra thì đồ nướng là món ăn rất phổ biến ở đây. Theo đó mà thịt ở đây lại ướp đậm đà và ngon miệng hơn hẳn. Sẽ chẳng khó để bạn kiếm được một quán xiên nướng ở khắp các con đường, ngõ ngách.
Chỉ là đồ ăn vặt thôi mà hấp dẫn vô cùng, nào xiên cua nướng, kẹo hồ lô, xiên cá viên… ngập tràn và thơm phức. Mỗi món lại phong phú trong các hương vị tẩm ướp riêng. Vừa khám phá thị trấn, vừa nhâm nhi những xiên thịt nướng nóng hổi là một trải nghiệm vô cùng thú vị khi tham quan Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Phượng Hoàng Cổ Trấn sở hữu nhiều loại bánh khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại. Những chiếc bánh cổ truyền thể hiện hương vị tinh túy nhất, đặc trưng cho ẩm thực Trung Hoa với bánh bao, bánh gạo nếp, các loại nhân truyền thống đặc sắc, hình dáng nhỏ xinh và mộc mạc.
Còn bánh tép thì giòn thơm được làm từ tép tươi vớt dưới sông Đà Giang, trộn cùng bột và trứng, rắc thêm ít hành giúp cho món ăn thơm lừng và hấp dẫn. Bánh hấp dẻo lại có vỏ mềm và mịn, nhân bên trong có nhiều loại khác nhau, cắn một miếng thôi đã thấy ấm bụng. Giá mỗi loại bánh rất rẻ, trung bình chỉ khoảng 5 tệ mỗi cái. Bạn có thể thưởng thức trọn vị hết mọi loại bánh ở đây mà chẳng lo "cháy túi" đâu nhé.
Kẹo gừng là món ăn vặt thường thấy ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, nơi đây đã có truyền thống làm kẹo gừng hơn 100 năm. Bạn có thể thưởng thức những chiếc kẹo cay cay, nồng nồng ngay tại chỗ và xem tận mắt quá trình người ta làm kẹo.
Nguyên liệu để làm ra món kẹo này cũng rất đơn giản, người dân nơi đây chọn đường trắng, gừng, đường nâu và vừng. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Món kẹo không chỉ là đặc sản của vùng này mà còn mang đến vị ngọt thanh, thơm thơm giúp bạn ấm bụng hơn trong những ngày lạnh tại đây. Bạn còn có thể mua đặc sản này về làm quà nữa đấy.
Nguồn: Chinahighlights.com, leadtochina.com, Wikipedia...