Deadline “dí” con, phụ huynh Hàn Quốc có nước đi khiến sếp "ngỡ ngàng bật ngửa": Thắng đời 1-0 hay vô tình đẩy con vào thế khó?

Phong Lam, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 10:52 07/02/2025
Chia sẻ

Các bậc phụ huynh có đang bao bọc con cái quá mức?

Hur, quản lý nhóm tại một tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, kể lại cuộc điện thoại bất ngờ mà cô nhận được sau bữa tiệc tất niên của công ty -  không phải từ đồng nghiệp, mà từ chính mẹ của đồng nghiệp.

“Qua điện thoại, bà ấy trách móc tôi vì đã tạo môi trường uống rượu bia quá chén, khẳng định rằng đồng nghiệp của tôi không uống được rượu bia. Bà ấy thậm chí còn yêu cầu tôi cho con bà nghỉ một ngày để hồi phục sau cơn say”, Hur chia sẻ.

Hur không phải là người duy nhất ở Hàn Quốc từng nhận những cuộc gọi như vậy từ phụ huynh của người trưởng thành.

Lee, một giảng viên đại học, cũng cho biết ông đã nhiều lần nhận được điện thoại từ phụ huynh của sinh viên, yêu cầu chuyển lớp học xuống tầng thấp hơn để con họ đi lại thuận tiện hoặc mở rộng chỉ tiêu môn học để đảm bảo sinh viên có thể đăng ký lớp cần thiết.

“Tôi chưa gặp trường hợp nào như này. Tuy nhiên, một đồng nghiệp trong khoa từng nhận được cuộc gọi từ một phụ huynh, yêu cầu nâng điểm cho con họ”, Lee nói.

Ông cũng bày tỏ quan điểm: “Không hiếm khi tôi nhận được những yêu cầu này từ chính sinh viên, nhưng gần đây, số lượng phụ huynh đứng ra đề nghị thay con mình lại tăng lên bất thường. Sinh viên đại học dù vẫn là học sinh nhưng cũng là người trưởng thành. Chẳng phải họ nên tự mình đưa ra những yêu cầu như vậy hay sao?”

Deadline “dí” con, phụ huynh Hàn Quốc có nước đi khiến sếp "ngỡ ngàng bật ngửa": Thắng đời 1-0 hay vô tình đẩy con vào thế khó?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

“Cha mẹ trực thăng” là gì?

Ngoài những trường hợp trên, hiện tượng “cha mẹ bao bọc quá mức” đang trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi tại Hàn Quốc. Giảng viên đại học lẫn các nhà quản lý nhân sự trong doanh nghiệp đều từng đối mặt với những “cha mẹ trực thăng” (helicopter parents).

Thuật ngữ “cha mẹ trực thăng” xuất hiện từ những năm 1990 để mô tả các bậc phụ huynh luôn theo sát con cái như một chiếc trực thăng, can thiệp thái quá vào cuộc sống của chúng. Ban đầu, thuật ngữ này chủ yếu nhắm đến các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, hiện nay nó đã phát triển thành một dạng mới tại Hàn Quốc, nơi phụ huynh bắt đầu can thiệp quá mức vào cuộc sống đại học và công việc của con cái khi họ đã trưởng thành.

Theo một cuộc khảo sát do Opensurvey thực hiện vào tháng 12/2024 với 40 nhà quản lý nhân sự tại 100 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất Hàn Quốc, 35% số người được hỏi cho biết họ từng nhận hoặc chứng kiến đồng nghiệp nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn từ một người tự xưng là phụ huynh của nhân viên. Khi được hỏi về nội dung cuộc gọi, 79% cho biết đó là những câu hỏi liên quan đến công ty, 29% chứng kiến phụ huynh đưa ra yêu cầu thay con, và 14% ghi nhận trường hợp phàn nàn từ cha mẹ nhân viên.

Tháng 10/2023, một bức ảnh chụp thông báo trong một giảng đường đại học đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Thông báo có nội dung: “Vui lòng tự liên hệ về các vấn đề học tập, không thông qua cha mẹ. Hãy tin vào khả năng của chính mình”. 

Deadline “dí” con, phụ huynh Hàn Quốc có nước đi khiến sếp "ngỡ ngàng bật ngửa": Thắng đời 1-0 hay vô tình đẩy con vào thế khó?- Ảnh 2.

Thông báo được chiếu lên màn hình trong giảng đường của một trường đại học ở Hàn Quốc

Tỷ lệ sinh thấp, kinh tế suy giảm

Các chuyên gia phân tích rằng sự gia tăng gần đây của “cha mẹ trực thăng” có liên quan đến những thay đổi xã hội, bao gồm tỷ lệ sinh giảm và xu hướng con cái trì hoãn việc tự lập do nền kinh tế kém thuận lợi.

“Hiện nay, đa số gia đình chỉ có một hoặc hai con, cha mẹ có điều kiện tốt hơn cả về tài chính lẫn tinh thần để đầu tư cho con cái. Tỷ lệ sinh giảm mạnh khiến cha mẹ tập trung toàn bộ sự chú ý vào một đứa con duy nhất, trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại dẫn đến việc con cái kém ổn định về tài chính hơn thế hệ trước. Hệ quả là việc cha mẹ tiếp tục chăm lo cho con cái trưởng thành đã trở thành một hiện tượng xã hội tại Hàn Quốc, kéo theo sự gia tăng của các bậc phụ huynh can thiệp quá mức”, giáo sư xã hội học Huh Chang-deog từ Đại học Yeungnam chia sẻ với The Korea Herald

Các cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy số lượng phụ huynh coi thành tích học tập và sự nghiệp của con là thành công của chính mình đang gia tăng.

Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, điều tra về quan niệm của người dân đối với gia đình và quản lý hộ gia đình, 58,9% phụ huynh cho rằng thành công của con cái cũng chính là thành công của họ. Con số này tăng đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2020, khi tỷ lệ này chỉ ở mức 46,9%.

Giáo sư tâm lý học Kwak Keum-joo từ Đại học Quốc gia Seoul cũng chỉ ra rằng giá trị gia đình truyền thống của Hàn Quốc, vốn đặt gia đình lên trên cá nhân và đề cao sự vâng lời cha mẹ, thường khiến việc cha mẹ can thiệp vào cuộc sống của con không bị xem là vấn đề đáng lo ngại.

Giáo sư Kwak cho biết: “Cha mẹ Hàn Quốc vốn quen với việc có tiếng nói trong hầu hết các quyết định quan trọng của con cái, đặc biệt là những quyết định liên quan đến tương lai như chuẩn bị vào đại học. Vai trò đặc thù này trong xã hội Hàn Quốc, kết hợp với việc thế hệ trẻ ngày càng chậm tự lập, đã làm trầm trọng thêm hiện tượng ‘cha mẹ trực thăng’”. 

Nguồn: The Korea Herald

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày