Người phụ nữ tài giỏi, yêu nghệ thuật
Jacqueline Kennedy Onassis hay còn được gọi là Jackie Kennedy, sinh ngày 28/7/1929 trong một gia đình trung lưu ở thị trấn Southampton, New York (Mỹ). Từ nhỏ, bà đã là một cô bé năng động, lại có thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Môn thể thao yêu thích của Jackie là cưỡi ngựa và người bạn cùng chia sẻ sở thích này với bà không ai khác là mẹ bà. Ngoài việc học trên trường, Jackie còn tỏ ra hứng thú với ngôn ngữ, bà có thể nói thành thạo 3 thứ tiếng khác như Pháp, Tây Ban Nha và Ý.
Sau khi bố mẹ ly hôn vào năm 1942, Jackie có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở nhiều đất nước khác nhau khi theo chân mẹ. Nhờ đó, bà có thể mở mang kiến thức cũng như vốn sống để phục vụ cho công việc đầu tiên ở tòa soạn báo Washington Times-Herald sau khi tốt nghiệp đại học George Washington chuyên ngành nghệ thuật.
Mùa hè năm 1951, Jackie lần đầu gặp cựu Tổng thống John F. Kennedy, khi đó vẫn còn là nghị sĩ quốc hội, tại một bữa tiệc. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài Tổng thống tương lai đã bị "hớp hồn" bởi vẻ ngoài xinh đẹp, kiêu sa và đầu óc thông minh của người phụ nữ trước mặt. Thế nhưng, mãi đến 1 năm sau đó, cặp đôi mới chính thức bắt đầu yêu đương. Năm 1953, lễ cưới của họ được tổ chức ở nhà thờ St. Mary. Cuộc sống hôn nhân của Jackie thời gian đầu gặp không ít sóng gió. Bà từng bị sảy thai và thai chết lưu trước khi hạ sinh con gái đầu lòng Caroline vào năm 1957.
Năm 1960, John F. Kennedy đánh bại đối thủ Richard Nixon trong cuộc đua chính trị để trở thành Tổng thống mới của xứ sở cờ hoa. Khi đó, Jackie cũng trở thành Đệ nhất phu nhân trẻ tuổi nhất trong lịch sử Nhà Trắng. Ở cương vị mới, bà có nhiều hoạt động gây ảnh hưởng đến công chúng, hầu hết là tập trung vào 2 lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, Jackie còn là biểu tượng thời trang đầy cảm hứng đối với các nhà thiết kế và làm phim trên khắp thế giới.
Với quan niệm Nhà trắng là tòa nhà mang đậm tính biểu tượng của một đất nước, việc làm đầu tiên của Jackie khi trở thành chủ nhân của nơi đây là tiến hành trang trí lại tất cả các phòng tiếp khách. Vốn là người tỉ mỉ, bà chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất từ nội thất cho đến những cuốn sách trên giá, quyết thổi một luồng gió mới vừa hiện đại, vừa mang tính lịch sử vào Nhà trắng. Công việc này của Jackie được công chúng hết mực quan tâm. Bằng chứng là có hơn 56 triệu lượt người xem chương trình đặc biệt do đài CBS sản xuất, trong đó đích thân Đệ nhất phu nhân làm MC dẫn mọi người đi tham quan Nhà trắng sau khi được khoác lên diện mạo mới.
Không chỉ là bóng hồng luôn xuất hiện cùng chồng trong các chuyến công du chính trị, Jackie cũng có sức hút của riêng mình khi được nhận định là Đệ nhất phu nhân kiều diễm nhất trong lịch sử Nhà trắng. Sở hữu thần thái sang trọng ngút ngàn, Đệ nhất phu nhân Mỹ một thời theo đuổi phong cách thanh lịch, quý phái đi cùng những ý tưởng thời trang đột phá, mới mẻ. Bà luôn trung thành với phong cách tối giản nhưng đẳng cấp không chỉ ở các sự kiện mà còn trong đời thường. Không cần thiết kế cầu kỳ, Jackie vẫn luôn toát lên sự sang trọng và tầm nhìn đi trước thời đại của mình.
Theo tạp chí Times nhận định, Jackie là một trend-setter chính hiệu khi bà là người đã lăng xê những món đồ thời trang mà thời điểm đó chưa nhận được nhiều sự chú ý như mũ hộp pillbox, kính râm bản to, găng tay dài đến khuỷu tay… Dù đã qua đời hồi năm 1994 nhưng di sản rực rỡ mà bà để lại cho lĩnh vực thời trang luôn được thế hệ sau nhắc đến.
Năm 2000, Hamish Bowles, tổng biên tập tờ Vogue châu Âu dành nhiều lời khen có cánh khi nói về tầm ảnh hưởng của cố Đệ nhất phu nhân, khẳng định: "Bà có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý thời trang của cả một thế hệ, khi mà ai cũng muốn chiêm ngưỡng, học hỏi và mặc theo phong cách của bà. Jackie đã đặt ra tiêu chuẩn cho tất cả phụ nữ Mỹ tuân theo. Đối với giới trẻ trên khắp thế giới, bà trở thành ví dụ thời trang điển hình và trực quan nhất". Đến cả Đệ nhất phu nhân Mỹ hiện tại, Melania Trump, cũng được cho là chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời trang của "đàn chị" trong Nhà trắng.
Gu thời trang của cố Đệ nhất phu nhân Mỹ cũng tạo nguồn cảm hứng cho phong cách ăn mặc của Công nương Kate.
Đệ nhất phu nhân đáng thương nhất nước Mỹ
Cũng như không ít chị em phụ nữ khác, Jackie cũng từng đối mặt với nỗi sợ hãi xuất hiện người thứ 3 trong cuộc hôn nhân của cô, nhất là khi người đó lại là nữ minh tinh vạn người mê Marilyn Monroe. Từng có thời gian truyền thông râm ran tin đồn Tổng thống Kennedy có mối quan hệ ngoài luồng với Marilyn Monroe. Song đứng trước mọi lời bàn tán, Jackie chọn tin tưởng người bạn đời của mình, bằng tình yêu không tính toán thiệt hơn, bà nguyện một lòng một dạ ở cạnh chồng.
Cuộc sống tưởng chừng êm đềm của cố Đệ nhất phu nhân bỗng hóa bi kịch chỉ trong vòng 1 năm 1963. Khi đó, vợ chồng Tổng thống Kennedy đã phải nén nước mắt đưa tiễn con trai Patrick qua đời vì bệnh suy hô hấp sau khi chào đời 39 tiếng. Trình độ y khoa lúc đó chưa đủ tiên tiến để cứu sống đứa trẻ đoản mạng.
Chưa vượt qua nỗi đau mất con thì 3 tháng sau đó, Jackie phải tận mắt chứng kiến Tổng thống Kennedy bị sát thủ bắn chết ngay bên cạnh mình khi 2 vợ chồng đang đi trên chiếc xe mui trần trong sự chào đón nhiệt liệt của người dân thành phố Dallas. Khi đó, Đệ nhất phu nhân diện chiếc đầm hồng thương hiệu Chanel, do chính Tổng thống Kennedy chọn cho vợ, lấm lem máu bên cạnh thi thể chồng đến nay vẫn là hình ảnh khó phai trong tâm trí người dân Mỹ.
Sau khi bác sĩ tuyên bố Tổng thống Kennedy qua đời, Jackie vẫn nhất quyết không thay chiếc đầm dính máu, bà muốn nhấn mạnh rằng: "Bọn chúng (những tay sát thủ) cần phải nhìn thấy mình đã làm gì". Bộ trang phục này sau đó được giao cho Cơ quan Lưu trữ và Lưu trữ Quốc gia bảo quản và công khai vào năm 2013 dưới sự đồng ý của con gái lớn của cố Đệ nhất phu nhân.
Jackie là người đứng đầu trong việc tổ chức tang lễ cho Tổng thống Kennedy. Bất chấp nỗi đau ngổn ngang trong lòng, người phụ nữ trong chớp mắt mất con, rồi trở thành góa phụ, luôn xuất hiện với dáng vẻ mạnh mẽ và kiên cường nhất. Đến nỗi tờ The London Evening Standard phải nhận xét rằng: "Jacqueline Kennedy đã cho toàn thể người dân nước Mỹ thấy điều mà tất cả bọn họ luôn thiếu, đó chính là sự uy nghi".
2 tuần sau khi Tổng thống Kennedy qua đời, Jackie cùng 2 con dọn khỏi Nhà trắng rồi chọn cuộc sống kín tiếng vì không muốn bất cứ ai trong gia đình trở thành nạn nhân bị ám sát.
5 năm sau đó, Jackie tái hôn với người chồng thứ 2 Aristotle Onassis, một trong những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Dù một thời gian dài sống ẩn dật nhưng tin tức tái hôn của cựu Đệ nhất phu nhân vẫn tràn ngập trên khắp các trang báo. Tờ Washington Post đưa tin với tiêu đề giật gân: "Các vị thần đang khóc" trong khi New York Times lại khẳng định phản ứng công chúng ở hiện tại là sốc pha lẫn tức giận. Truyền thông Đức thì tuyên bố: "Nước Mỹ đã mất đi một vị thánh". Bất chấp dư luận phản ứng trái chiều ra sau, Jackie vẫn trở thành người phụ nữ mang họ Onassis.
Sau khi người chồng thứ 2 qua đời vào năm 1975, Jackie dành gần 20 năm cuối đời làm công việc biên tập sách. Bà được ghi nhận cho những đóng góp trong nghệ thuật và bảo tồn các công trình kiến trúc lịch sử. Đến năm 1994, Jackie qua đời. Tang lễ dù được tổ chức riêng tư theo ước nguyện của người đã khuất nhưng vẫn cho phép đài truyền hình trực tiếp. Cố Đệ nhất phu nhân được an táng ngay bên cạnh mộ phần của Tổng thống Kennedy tại nghĩa trang Arlington. Trên bia mộ, tên của Jackie được viết đầy đủ là Jacqueline Bouvier Kennedy Onassis nhưng theo nhà tiểu sử Sarah Bradford viết trong cuốn America's Queen, họ "Onassis" không được nhắc đến dù chỉ 1 lần trong lúc làm lễ. Điều này chứng tỏ Jackie mãi mãi là Đệ nhất phu nhân kiều diễm nhất trong lòng tất cả mọi người.
2 con của Jackie đưa tiễn mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng.
(Nguồn: Tổng hợp)