Những nghi vấn chưa có lời giải về vụ cựu Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát 55 năm trước

Phương Phương, Theo ĐS&PL 00:05 23/11/2018
Chia sẻ

Đã 55 năm qua kể từ ngày vị Tổng thống thứ 35 của Mỹ John Fitzgerald Kennedy bị ám sát trong lúc đang di chuyển tại thành phố Dallas, bang Texas trên chiếc mui trần, những kết luận về vụ án vẫn còn gây tranh cãi.

Những nghi vấn chưa có lời giải về vụ cựu Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát 55 năm trước - Ảnh 1.

Tổng thống Kennedy bị ám sát hồi năm 1963. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị bắn chết khi ông đang đi trên một chiếc xe mui trần ở Dallas, Texas vào ngày 22/11/1963. Cuộc điều tra chính thức cho thấy ông bị ám sát bởi một sát thủ đơn độc tên là Lee Harvey Oswald. Tuy nhiên, kết luận này vẫn gây tranh cãi sau 55 năm kể từ khi ông qua đời.

Vụ ám sát ông Kennedy được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 20. Nhiều người tin rằng không có đủ bằng chứng đáng tin cậy để kết luận vụ việc chỉ do Lee Harvey Oswald tiến hành. Người ta cho rằng Oswald không hành động một mình. Danh sách các hung thủ tiềm năng đứng đằng sau bao gồm cả Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), những tên cướp, và thậm chí là cả “cánh tay phải” của ông Kennedy.

Dưới đây là một số nghi vấn gây tranh cãi liên quan đến cái chết của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy:

Người đàn ông đã giết Oswald

Hai ngày sau vụ ám sát, Jack Ruby - một chủ sở hữu hộp đêm ở Dallas đã bắn chết Lee Harvey Oswald trong căn cứ của đồn cảnh sát Dallas. Ông Ruby giải thích với các điều tra viên rằng mình giết hại nghi phạm chính thức duy nhất vì cảm thấy đau buồn trước sự ra đi của Tổng thống. Ngoài ra, sau khi Oswald tử vong, Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy cũng không phải quay lại Dallas để dự phiên xét xử.

Báo cáo chính thức của Ủy ban Warren vào năm 1964 cho thấy rằng ông Ruby không phải là một phần của âm mưu lớn hơn. Tuy nhiên, khi các tài liệu mật liên quan đến vụ ám sát được giải mã vào năm 2017, người ta phát hiện Jack Ruby đã liên lạc với nhân viên của Cục Điều tra Liên bang (FBI) Bob Vanderslice ở Dallas trước khi ông Kennedy bị ám sát và mời Vanderslice “xem pháo hoa”.

"Vanderslice đã ở cùng với Jack Ruby, đứng ở góc của Tòa nhà Bưu điện đối diện với tòa nhà thư viện của Trường Texas tại thời điểm xảy ra vụ ám sát".

Lee Harvey Oswald từng là nhân viên của CIA?

Những nghi vấn chưa có lời giải về vụ cựu Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát 55 năm trước - Ảnh 2.

Lee Harvey Oswald khi bị bắt. Ảnh: AP

Bà Judyth Vary Baker, 75 tuổi – người từng tuyên bố có quan hệ yêu đương với ông Oswald trước khi vụ việc xảy ra tiết lộ nhiều thông tin thú vị trong cuốn sách “Me & Lee - Làm sao tôi quen biết, yêu và đánh mất Lee Harvey Oswald” xuất bản năm 2010. Bà nói rằng Oswald thực chất là một điệp viên của CIA, từng liên quan đến âm mưu ám sát cựu lãnh tụ Cuba Fidel Castro sau cuộc khủng hoảng tên lửa.

Bà Baker nói rằng bà cùng ông Oswald đã làm việc trong một phòng thí nghiệm do CIA tài trợ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, kế hoạch ám sát ông Castro đã thất bại và những người đứng đằng sau tìm cách ám sát Tổng thống Kennedy vì họ nghĩ ông ấy “không đủ tốt” với nước Mỹ.

Các nhà phê bình sau đó nói rằng bà Baker không thể cung cấp các bằng chứng rằng xác thực, cho dù chỉ là để chứng minh bà từng qua lại mật thiết với sát thủ Oswald. Điều duy nhất có thể xác minh là bà đã từng làm việc với ông này ở một nhà máy cà phê tại Dallas.

Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đứng sau vụ ám sát?

Theo một cuộc thăm dò năm 2005 của Gallup, khoảng 20% ​​người Mỹ nghi ngờ Lyndon B. Johnson, từng là Phó Tổng thống dưới thời ông Kennedy đứng sau vụ việc.

Phó Tổng thống Johnson, đi sau xe của Tổng thống Kenedy trong đoàn hộ tống, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 36 của nước Mỹ vào lúc 14h39 chiều cùng ngày vụ ám sát xảy ra. Ông đã tuyên thệ trên chiếc Air Force One tại sân bay Dallas Love Field.

Bà Madeleine Brown, người tình của ông Johnson hồi thập niên 1960 nói rằng vào đêm trước vụ việc, Phó Tổng thống Mỹ từng tiết lộ với bà: "Sau ngày mai, những người nhà Kennedy sẽ không làm tôi phải xấu hổ nữa. Đó không phải là mối đe dọa. Đó là một lời hứa".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Dave Perry nói rằng ông Lyndon Johnson không thể tham dự bữa tiệc cùng bà Brown để nói ra những lời này: “Điều đó hoàn toàn không đúng. Rất nhiều người Texas không thích ông Johnson nên họ bắt đầu tạo ra lời đồn sau vụ ám sát".

Quan hệ của Oswald với tổ chức mafia

Năm 2008, luật sư Quận Dallas Craig Watkins đã đưa ra một bước ngoặt mới khi giải mã bí ẩn vụ ám sát khi ông phát hành một số tài liệu và vật phẩm liên quan đến vụ việc. Trong đó có thông tin chỉ ra rằng rất có thể ông Kennedy là nạn nhân của một cuộc đụng độ giữa mafia Chicago và em trai ông là Robert Kennedy - lúc đó là Tổng chưởng lý Mỹ vì ông Robert muốn dẫn đầu một cuộc chiến chống mafia.

"Các chàng trai (mafia) ở Chicago muốn loại bỏ Tổng chưởng lý Robert Kennedy... Có một cách để loại bỏ ông ta mà không cần giết người... Có thể ngắm bắn anh trai ông ta", tài liệu viết. Tuy nhiên, sau đó FBI kết luận rằng báo cáo dó hoàn toàn không chính xác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày