Ung thư ruột già, hay còn gọi là ung thư đại trực tràng, là tình trạng các tế bào bất thường xuất hiện và phát triển ở niêm mạc ruột già, đại tràng hoặc trực tràng. Cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Theo số liệu khảo sát ở Mỹ, ung thư ruột già là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai trong số các bệnh do ung thư tại quốc gia này. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stem Cell năm 2018 chỉ ra rằng cholesterol cao có thể đóng một vai trò làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên chuột và phát hiện ra mối liên quan giữa chế độ ăn nhiều cholesterol và tăng nguy cơ ung thư ruột.
Họ phát hiện ra việc tăng mức cholesterol của động vật làm tăng tốc độ phân chia tế bào gốc đường ruột. Kết quả là, điều này cho phép các khối u hình thành nhanh hơn 100 lần
Bác sĩ Peter Tontonotz thuộc Trường Y David Geffen tại UCLA, đã viết trong báo cáo: Mặc dù mối liên hệ giữa cholesterol trong chế độ ăn uống và ung thư ruột kết đã được biết đến từ trước đây nhưng chưa ai giải thích được cơ chế đằng sau nó. Nghiên cứu này cho thấy cholesterol ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào gốc trong ruột, từ đó đẩy nhanh tốc độ hình thành khối u hơn 100 lần. Hơn nữa, càng có nhiều cholesterol trong chế độ ăn uống, các tế bào phân chia càng nhanh, đẩy nhanh sự tăng trưởng và phát triển của khối u.
Hai trong số các phương pháp phổ biến nhất và dễ tiếp cận nhất để giảm cholesterol là có một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Tập thể dục thường xuyên giúp đốt cháy trọng lượng dư thừa để giảm căng thẳng cho hệ thống tim mạch trong khi chế độ ăn uống cân bằng đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng giúp tận dụng bài tập đó và cho phép cơ thể chạy hiệu quả hơn và khỏe mạnh hơn.
Nếu các phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác phù hợp hơn cho bạn, ví dụ như sử dụng thuốc.
Tiến sĩ Dana Ellis Hunnes, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại trung tâm y tế UCLA, trợ lý giáo sư tại Trường y tế công cộng UCLA Fielding, cho biết: "Thịt chế biến chứa nhiều chất béo bão hòa và các chất chuyển hóa (TMAO), làm tăng cholesterol cũng như viêm thông qua IGF-1, insulin và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Một lần nữa, tất cả các yếu tố này kết hợp làm tăng mức cholesterol và mức cholesterol LDL - cholesterol xấu".
Theo tiến sĩ Hunnes, thực phẩm chiên rán có thể được chiên trong chất béo chuyển hóa (hoặc chất béo bão hòa) và chỉ riêng yếu tố đó có thể làm tăng mức cholesterol. Thêm vào đó, hầu hết các loại thực phẩm chiên ngập dầu thường được phủ bột mì/tinh bột trắng. Điều này làm tăng IGF-1, insulin và các dấu hiệu viêm khác trong máu, có liên quan đến việc tăng mức cholesterol và cholesterol LDL.
Lisa Richards, một chuyên gia dinh dưỡng và tác giả của Chế độ ăn kiêng Candida, cho biết: Cứ mỗi khẩu phần 100 gram da gà có 9g chất béo bão hòa. Khi da được loại bỏ, hàm lượng chất béo bão hòa của thịt gà và các dạng gia cầm khác giảm đáng kể. Vì vậy, khi chuẩn bị một bữa ăn với gia cầm, hãy loại bỏ da, hoặc ít nhất là phần lớn da để cắt giảm lượng chất béo bão hòa trong bữa ăn của bạn.
Theo Expressdaily, Eat This Not That!