Đây là nhân chứng sống cho những kẻ hay nói đạo lý nhưng lại sống không như lời

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 18:00 08/01/2018

Ông Bánh trong "Thương nhớ ở ai" là một người ban đầu tạo được ấn tượng tốt. Ông hay nói đạo lý, nói về những điều hay nhưng càng đi sâu, người ta càng nhận ra ông sống không giống những điều đẹp đẽ mình đã nói.

Thương nhớ ở ai đem lại cho khán giả rất nhiều những cảm xúc trái ngược về các nhân vật. Trong đó, người đang được bàn tán nhiều nhất chính là ông Bánh. 

Ông Bánh thoạt đầu gây ấn tượng với khán giả vì là một người có chính kiến, có tiếng nói trong làng. Trong khi cả làng muốn đuổi Nương đi thì chỉ có một mình ông Bánh đứng ra bênh vực cô, nhờ đó mà Nương mới được dựng một căn nhà nhỏ ngoài rìa làng để sinh sống. 

Trong khi cả làng đều tẩy chay, xa lánh Hơn vì cô là vợ địa chủ thì ông Bánh dặn dò vợ mang cơm sang chia sẻ cho cô. Với những điều tốt đẹp đó, đáng lẽ ra khán giả đã có một hình tượng hoàn hảo về ông Bánh. Chỉ tiếc rằng điều đó đã chấm dứt khi đạo diễn tiết lộ rằng cái thai trong bụng Liễu năm nào chính là của ông Bánh.

Đây là nhân chứng sống cho những kẻ hay nói đạo lý nhưng lại sống không như lời - Ảnh 1.

Nhân vật ông Bánh trong "Thương Nhớ Ở Ai"

Là một người có vai vế trong làng, lại không có con trai, nhiều người có thể hiểu được tâm trạng của ông Bánh bởi lẽ tục lệ và lối suy nghĩ lạc hậu này vẫn còn rất phổ biến ở thời nay. Tuy nhiên, ông Bánh lại không đàng hoàng lấy thêm vợ mới như nhiều người ở thời kỳ đó mà lại đưa ra một giao kèo rất bất công với Liễu, rằng nếu như cô đẻ được cho ông một đứa con trai trước thì sẽ nhận về làm lẽ, nếu không, Liễu phải giữ bí mật về nguồn gốc cái thai mãi mãi. 

Đây là một điều kiện rất... hèn, bởi vì nó chỉ có lợi cho ông Bánh chứ chẳng công bằng với Liễu. Bản thân Liễu là phụ nữ nên chắc chắn hậu quả cô phải gánh chịu sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Đây là nhân chứng sống cho những kẻ hay nói đạo lý nhưng lại sống không như lời - Ảnh 2.

Như mọi người đều biết, phụ nữ thời hậu chiến chống Pháp và Mỹ nếu bị mang tiếng là chửa hoang thì sẽ bị cạo đầu bôi vôi rồi đem thả bè trôi sông, nếu còn sống thì vĩnh viễn không bao giờ được phép quay trở về làng nữa. 

Ông Bánh chắc hẳn là biết điều này, vậy mà vẫn mặc kệ cho người từng cùng mình đầu ấp tay gối đi vào chỗ chết. Dù có biện minh rằng khi đó cách mạng đã về thì cũng không thể thông cảm được bởi đây không phải cách một người đàn ông chịu trách nhiệm cho hậu quả mà mình gây ra. 

Ở đây, ông Bánh đã lợi dụng thân phận đang làm gái ế của Liễu lúc bấy giờ để xui khiến cô phục vụ cho lợi ích của mình. Nếu là người đàng hoàng, ông phải nhận Liễu về làm vợ ngay từ đầu, hoặc học cách vượt qua dư luận, thừa nhận một điều đúng đắn rằng con gái cũng là con người, cũng có giá trị như con trai, không có sự phân biệt nào ở đây.

Đây là nhân chứng sống cho những kẻ hay nói đạo lý nhưng lại sống không như lời - Ảnh 3.

Ông Bánh và Liễu

Bên cạnh đó, ông Bánh cũng không hề yêu vợ như nhiều người nghĩ lúc đầu. Trong số các gia đình ở làng Đông, hiếm có cặp vợ chồng nào được sắp đặt trước chuyện hôn nhân mà vẫn yêu nhau thắm thiết như vợ chồng ông Bánh. Ông Bánh là người thạo chữ Nho nhất làng, lại là trưởng ban văn nghệ chuyên về chèo cổ, tiếng nói của ông trong làng là rất lớn nên ông rất được vợ mình coi trọng. Cho dù bà Bánh là người có tư tưởng khá độc lập và biết phân biệt phải trái đúng sai nhưng lời nói của chồng luôn được bà đặt lên hàng đầu. 

Đây là nhân chứng sống cho những kẻ hay nói đạo lý nhưng lại sống không như lời - Ảnh 4.

Ông Bánh và vợ

Ấy vậy mà chỉ vì một thời khắc chán chường, ông Bánh lại tỏ thái độ muốn bỏ vợ và dọa ly dị với bà Bánh để quay lại với Liễu, người mà mới đây ông nhận thấy là vẫn còn trẻ, giàu sức sống hơn bà Bánh và quan trọng là điều tiếng dư luận đối với cái thai năm xưa đã mờ phai đi rất nhiều. 

Đến đây thì người xem không thể nói là ông Bánh yêu vợ được nữa mà đó chỉ là thứ tình cảm lãng mạn nhất thời, không hề bền chặt, không trọn tào khang. Một thứ tình cảm theo cái kiểu rất "nghệ sĩ" của ông mà thôi.

Tóm lại, dù đã biết trong Thương nhớ ở ai chẳng có nhân vật nào là tốt – xấu hoàn toàn nhưng riêng với ông Bánh, những thứ tiêu cực đã nổi cộm và lấn át đi những điểm tích cực. Nếu so với những cá nhân khác thuộc cánh mày râu như Vạn với Đột, rõ ràng ông Bánh còn kém xa về độ ngay thẳng trong chuyện tình cảm và sự dũng cảm khi đối mặt với dư luận. Hay tóm lại bằng một câu mà ngày nay nhiều người hay nói, những người hay nói đạo lý thì thường sống không như lời!