Phở bò là món ăn quen thuộc của người Việt, đặc biệt là ở Hà Nội. Phở bò có rất nhiều loại, bao gồm các loại thịt và cách chế biến khác nhau như phở bò gầu, nạm, bò bắp, phở bò chín và đặc biệt là bò tái.
Không thể phủ nhận rằng cách chế biến thịt vừa chín tới, đặc biệt là các món tái thường giữ được độ mềm, ngọt đậm đà và hương vị nguyên bản của thịt bò. Thế nhưng, nếu nhìn theo góc độ khoa học thì điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán dây bò rất cao.
Chẳng hạn, vừa qua Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân L.T.S. (nữ, 64 tuổi, quê ở Thanh Oai, Hà Nội) do nhiễm sán dây.
Trước đó khoảng một tuần, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn kèm theo đại tiện ra đốt sán. Thậm chí có lúc, các đốt sán tự bò ra ngoài hậu môn của bệnh nhân, gây cảm giác khó chịu.
Phở bò tái là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng lại tiềm ẩn nhiễm sán
Theo tìm hiểu, người phụ nữ này có thói quen thường xuyên ăn thịt bò tái, rau sống. Sau khi tới chuyên khoa Ký sinh trùng của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, tìm hiểu thông tin và nhận chỉ định xét nghiệm, lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán. Qua đó, kết quả xác định bệnh nhân nhiễm sán dây.
Một trường hợp khác, anh N.V.T sống tại quận Gò Vấp, TP HCM do thấy người mệt mỏi, sáng ngủ dậy hay thấy có những đốt trắng dài 3-5 cm còn cử động bám vào quần lót. Quá sợ hãi, anh T. ra hiệu thuốc mua thuốc về tẩy giun nhưng không hết.
Đến khi không chịu được nữa vì các đốt sán đứt ra và xuất hiện ở chiếu, quần khiến anh và gia đình sợ, anh T. mới đến bệnh viện khám. Bác sĩ xem mẫu bệnh phẩm đã đoán ra sán dải bò và tiến hành sổ sán dải bò thì bắt được con sán dài đến 3 mét.
Trường hợp thứ hai cũng là một người đàn ông nghiện ăn thịt bò tái. Anh kể, ăn phở hay ăn lẩu bò anh chỉ thích nhúng tái thịt còn hồng hồng ăn cho ngọt mà không biết rằng đó là cách đưa sán dải bò vào cơ thể mình. Bác sĩ cũng sổ được con sán dài gần 2 mét ra khỏi ổ bụng của bệnh nhân.
Thậm chí, Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng bộ môn ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội từng chia sẻ trên Tri thức trực tuyến cho biết, sán dải bò không hiếm gặp. Bản thân giáo sư Đề cũng gặp trường hợp sán dải bò dài đến 12 mét. Khi sổ ra các bác sĩ đưa vào lavabo rửa sạch và dải ra nhà đo đúng 12 mét. Đó là con sán của bệnh nhân nam có tiền sử ăn thịt bò tái.
Giáo sư Đề bình luận, thói quen ăn phở tái, thịt bò, thịt trâu tái chính là nguyên nhân gây ra bệnh sán dải bò. Một bát phở tái nhìn rất hấp dẫn nhưng có thể ở đó chứa nang sán dải bò rất nguy hiểm cho người dùng.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sán dây bò (Taenia saginata) là một trong 3 loại sán thuộc chi Taenia ở Việt Nam. Sán dây bò lưỡng tính, sống ký sinh ở ruột người. Về hình thể, sán dây bò có thể ở dạng: sán dây bò trưởng thành, trứng, nang ấu trùng.
Từng ghi nhận trường hợp sán dây bò dài tới 12m
Khi trâu, bò ăn phải trứng sán, nó sẽ đi vào ruột, nở ra ấu trùng, sau đó xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là "Gạo bò" (cysticercus bovis). Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.
Khi người ăn thịt có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống, nang ấu trùng vào ruột người. Sau đó, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá...
Một số trường hợp có các triệu chứng như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt, khi đốt sán già rụng khỏi thân sán, các đốt sán rụng ra thành những đốt riêng biệt, có khả năng bò ra ngoài theo đường hậu môn gây ra cảm giác khó chịu, bứt rứt ở hậu môn. Hơn nữa, các đốt sán sau khi rụng ra, chúng có khả năng chuyển động nhờ những cơ rất khỏe trên thân đốt, nên chúng có thể bò lên người bệnh nhân hoặc bò khắp giường chiếu, nhà cửa khiến người bệnh cảm giác ghê rợn.
Trường hợp người bệnh mắc số lượng sán lớn trong ruột có thể gây tắc ruột hoặc bán tắc một phần gây nguy hiểm cho người bệnh.
Dưới đây là một số món khoái khẩu tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm sán dây bò mà chúng ta nên chú ý.
Phở bò tái
Phở bò tái là một trong những món ăn làm lây truyền bệnh sán nhiều nhất. Về cơ bản, cách chế biến này không nguy hiểm bằng tiết canh bò, hay gỏi bò nhưng lại là món ăn được ưa thích, xuất hiện nhiều ở khắp các hàng quán.
Thông thường thịt bò được chần tái trong một nồi nước to đang sôi. Một số nơi chỉ xếp thịt bò thái mỏng lên bát rồi cho nước dùng đang sôi già lên. Với cách chế biến này, thịt tái qua không thể diệt được nang ấu trùng sán dây bò và từ đó tạo điều kiện để sán đi vào hệ tiêu hóa của con người.
Các món lẩu và nhúng từ bò
Từ lẩu bò, bò nhúng dấm hay ngay cả "lẩu thập cẩm" thì thịt bò vẫn là thành phần không thể thiếu trong thực đơn. Thế nhưng, có rất nhiều người khi nhúng bò thì chỉ nhúng tái cho thịt mềm và ngọt, cũng bởi sợ để lâu thì thịt sẽ dai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm lây truyền bệnh sán dây bò.
Các món gỏi, nộm và salad bò
Về cơ bản, trong những món ăn này, thịt bò tuy được tẩm ướp lâu hoặc xào qua, nhưng chưa thể đảm bảo chín kỹ và an toàn tuyệt đối.
Bò bít tết tái
Thực tế cho thấy, dù chọn lọc kỹ càng như thế nào, nguy cơ nhiễm sán và một số bệnh khác vẫn luôn tiềm ẩn. Vì vậy, thay vì món tái khoái khẩu, chúng ta vẫn có thể chọn bít tết chín vừa hoặc chín kỹ.
Hình ảnh những nang ấu trùng sán ký sinh ở khắp các bắp cơ của trâu/ bò, thường gọi là “Gạo bò” (Cysticercus bovis)
+ Vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, không ăn thịt đã bị nhiễm bệnh, bị hỏng, không ăn thịt bò, thịt trâu còn sống, tái chưa chín.
+ Ăn chín, uống sôi đảm bảo vệ sinh.
+ Vệ sinh giường chiếu, nhà cửa sạch sẽ.
+ Thực hiện tuyên truyền không được ăn thịt trâu/bò chưa được nấu chín dưới bất kỳ hình thức nào cho mọi người dân gần nơi mình sinh sống.
+ Phát hiện bệnh thì nên đi khám và điều trị kịp thời để tiêu diệt mầm bệnh tránh lây lan cho cộng đồng.
+ Không phóng uế bừa bãi nơi công cộng, sử dụng hố xí tự hoại, không tưới rau bằng phân người chưa xử lý, kiểm soát trâu, bò vùng có dịch.
Nhìn chung, nếu như bạn xác định được nguồn gốc thịt, khẳng định được thực phẩm không có nhiễm vi khuẩn hay ký sinh trùng, tức là thực phẩm sạch, thì vẫn ăn tái sống được bình thường. Thực tế, những món như thịt bò tái, rau sống, mọi người vẫn ăn rất nhiều và ngon. Rau sống còn chứa nhiều vitamin hơn rau chín.
Về thịt bò, con bò bình thường, khỏe mạnh thì thịt không nhiễm vi sinh vật. Vi sinh vật nằm trong đường tiêu hóa, bởi vậy khi giết mổ cần đảm bảo bộ phận tiêu hóa của bò không bị vỡ ra, vi sinh vật sẽ không chui từ đường tiêu hóa ra ngoài. Nói cách khác, quy trình giết mổ sạch sẽ cho ra thịt sạch.