Chu Triết (29 tuổi) có tiền sử mắc mỡ máu cao, nghiện thuốc lá và đã hút thuốc 10 năm. Những năm gần đây do áp lực công việc cao nên anh thường xuyên phải tăng ca đến đêm muộn. Do công việc bận rộn nên chế độ ăn uống của anh Chu cũng thay đổi thất thường, lúc thì bỏ bữa, lúc thì ăn khuya.
Tuần trước, anh Chu đột nhiên cảm thấy vai trái đau nhức, khi nghỉ ngơi khoảng hơn 10 phút thì cơn đau thuyên giảm. Anh Chu tưởng bản thân làm việc quá sức dẫn đến bị đau mỏi vai gáy. Lúc đầu anh Chu không mấy bận tâm nhưng ngày hôm sau, anh lại tiếp tục bị đau vai trái, lưng trái kèm theo đau ngực. Cơn đau xuất hiện liên tục trong suốt 1 tuần và ngày càng dữ dội, không có dấu hiệu thuyên giảm.
Thấy tình trạng của anh Chu không ổn nên gia đình đã vội đưa anh đến Bệnh viện liên kết số 2 thuộc Đại học Tô Châu, Trung Quốc để thăm khám. Tại bệnh viện, anh Chu được chẩn đoán mắc nhồi máu cơ tim cấp tính, nếu chậm trễ điều trị có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Các bác sĩ tại bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Tình trạng của bệnh nhân Chu sau đó đã dần ổn định.
Khi nghe chia sẻ từ người nhà bệnh nhân, bác sĩ điều trị Hạng Lệ, bác sĩ nội trú tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện liên kết số 2 thuộc Đại học Tô Châu, Trung Quốc thở dài: “Bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim trong 1 tuần nhưng lại chậm trễ không đi khám vì nhầm lẫn thành triệu chứng của đau cổ vai gáy”.
Bác sĩ Hạng giải thích khi bị đau vai, nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là dấu hiệu của đau cổ vai gáy hoặc bệnh thoái hóa đốt sống cổ và chỉ cần uống thuốc, xoa bóp sẽ khỏi. Tuy nhiên, trên thực tế đau vai có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Hạng nói: “Tim nằm ở vị trí đặc biệt, khi mắc nhồi máu cơ tim, bệnh sẽ gây ra đau đớn ở ngực. Cơn đau có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể như vai trái, cánh tay hoặc bàn tay”.
Đau vai có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hạng bổ sung: “Người bệnh có thể xuất hiện cảm giác như có một hòn đá lớn đang đặt lên ngực gây đau tức hoặc khó thở, hồi hộp. Tình trạng này có thể kéo dài liên tục trong 15 phút hoặc hơn”.
Bác sĩ Hạng cho biết, ngoài cơn đau ngực điển hình, nhồi máu cơ tim còn có thể gây ra một số cơn đau không điển hình như đau vai, đau họng, đau răng, đau bụng, đau lưng.
Một số dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim khác có thể kể đến như: đổ mồ hôi lạnh; ợ nóng hoặc khó tiêu; buồn nôn hoặc nôn mửa; mệt mỏi bất thường.
Các chuyên gia cho biết hầu hết mọi người khi xuất hiện các triệu chứng kể trên đều chỉ cho rằng bản thân đang mắc các bệnh lý thông thường. Họ thường do dự và không muốn đến bệnh viện kiểm tra. Điều này có khiến cho tình trạng bệnh trở nặng, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo ngay khi có các triệu chứng bất thường, mọi người nên đến viện kiểm tra để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, cụ thể bao gồm:
- Không hút thuốc và uống rượu: Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng hút thuốc là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Ngoài ra, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài như huyết áp cao, bệnh tim mạch.
- Có chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng giúp bổ sung dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Mọi người nên xây dựng chế độ ăn ít dầu và ít muối, ăn nhiều trái cây, rau củ, đồng thời chú trọng bổ sung protein tốt cho cơ thể. Thực hiện chế độ ăn uống này có thể giúp kiểm soát lipid máu và huyết áp một cách hiệu quả, từ đó giúp giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
- Làm việc và nghỉ ngơi điều độ: Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi và ngủ đủ giấc có thể giúp chúng ta tránh được các vấn đề về tim mạch do tình trạng thiếu ngủ và hoạt động quá sức gây ra.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe tổng thể.
- Duy trì thái độ lạc quan, tích cực
Việc duy trì thái độ lạc quan, tích cực có lợi cho sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của chúng ta. Thường xuyên căng thẳng, cáu gắt, lo lắng có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp, giấc ngủ. Đây là 2 yếu tố gây hại cho tim mạch. Do đó, chuyên gia khuyến khích mọi người nên duy trì thái độ sống tích cực để bảo vệ sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.