Một ngày bình thường như bao ngày khác, Khadija Ahmad - một người phụ nữ làm nông tại Sudan ra vườn trồng hành, nhưng vô tình đạp phải một chiếc gai sắc nhọn. Chiếc gai đủ cứng để xuyên qua chiếc dép của bác, chọc trúng vào chân.
Chuyện tưởng như chẳng có gì, nhưng nào ngờ chiếc gai ấy đã khiến bác nông dân phải đối mặt với tử thần. Nó mang tới một loại khuẩn và nấm có tên mycetoma (u nấm, nấm da), hay còn có tên gọi khác là khuẩn ăn thịt người.
Khadija Ahmad - nông dân tại Sudan, người không may nhiễm mycetoma
Người phụ nữ 45 tuổi tại vùng Darfur của Sudan nhận ra có điều bất ổn khi thấy vết thương sưng lên. "Lúc đầu chẳng có đau đớn gì cả. Chỉ nổi sưng thôi," - cô cho biết. "Chúng tôi nghĩ nó sẽ sớm lặn xuống như không có gì xảy ra."
Mycetoma được liệt vào danh sách "bệnh nhiệt đới bị lãng quên" của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là những căn bệnh xảy ra ở vùng nhiệt đới, chủ yếu tác động đến người nghèo, vùng nông thôn hay các khu ổ chuột (những đối tượng ít được quan tâm nên mới "bị lãng quên"). Và nó cực kỳ phổ biến ở Sudan.
"Tôi chờ đến 9 năm mới đi khám," - Ahmad cho biết, sau khi thăm khám tại Trung tâm Nghiên cứu Mycetoma (MRC) ở Khartoum. "Khi tới nơi, mọi thứ đã quá muộn. Chân của tôi buộc phải bị cắt bỏ." Và giờ, Ahmad phải sống phụ thuộc vào thuốc suốt cuộc đời còn lại.
Tử thần thầm lặng
Đó là tên gọi khác mà người Sudan đặt cho căn bệnh này. Bởi lẽ bệnh phát tác chậm, và dù hiếm khi gây ra chết người, nó vẫn hủy hoại cuộc sống của các nạn nhân.
Một bệnh nhân tại MRC
WHO nhận định, rất nhiều người bệnh là các nông dân trẻ đi chân không khi đi làm đồng. Và với việc lao động tay chân làm kế sinh nhai duy nhất, căn bệnh này có thể xem là bản án quá nặng nề dành cho họ.
Mycetoma gây ra bởi vi khuẩn hoặc nấm, xâm nhập cơ thể thông qua các vết thương hở. Vi khuẩn sau đó sẽ tấn công mô cơ thể, gây ảnh hưởng đến da, cơ bắp và cả xương. Các triệu chứng thường thấy là vết thương sưng lên, nhưng đôi khi cũng có một vài biến chứng lạ.
"Căn bệnh tiến triển chậm và khá 'ranh mãnh' trong nhiều năm," - trích lời Ahmad Hassan Fahal, người sáng lập MRC. "Vi khuẩn xâm nhập vào da, sau đó dần phát triển lên."
"Tàn tật là một hệ quả khá phổ biến, với 60% người nhiễm buộc phải cắt bỏ toàn bộ phần bị thương."
Ảnh minh họa một người nhiễm mycetoma
Mycetoma phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm nhiệt đới, giống như ở Sudan. Tuy nhiên, đây cũng là căn bệnh phổ biến ở hơn 40 quốc gia khác có điều kiện khí hậu tương đồng, như Ethiopia, Chad (quốc gia Bắc Phi), Ấn Độ, Mexico và Venezuela.
"Ở Sudan, chúng tôi gọi căn bệnh này là 'tử thần thầm lặng', vì nó gây ra quá nhiều hậu quả cho người nhiễm: từ tàn tật, cắt bỏ tay chân... cho đến tử vong," - Fahal chia sẻ. "Những người mất tay chân không thể lao động nữa, mà như vậy thì chẳng khác gì án tử."
Kể từ khi được thành lập năm 1991, trung tâm MRC đã điều trị miễn phí cho khoảng 9000 bệnh nhân tại Sudan. 1/5 số đó buộc phải cắt bỏ tay hoặc chân. Và bất kỳ ai tới được đây đều cực kỳ may mắn - theo Fahal nhận định.
"Đa số người có rủi ro nhiễm bệnh cao đều sống trong các ngôi làng cách đây rất xa, không thể tới được. Họ thuộc số các hộ nghèo nhất trong nhóm người nghèo."
Chữa trị cũng không dễ dàng
Tại MRC có khoảng 30 chuyên gia y tế, và mỗi tuần họ phải chữa trị cho 400 bệnh nhân - bao gồm cả những người nhiễm mycetoma từ các quốc gia lân cận. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm hiện đại của MRC đang tiến hành nghiên cứu chuyên sâu hơn về căn bệnh này, để tìm ra các đột phá trong chữa trị.
Mycetoma gây ra bởi vi khuẩn hoặc nấm
"1 năm trước, tôi giẫm phải một cái gai khi đang làm đồng," - trích lời Walid Nour al-Dayem, anh nông dân 22 tuổi đang nằm trong phòng điều trị của MRC, với chân trái băng kín mít. "Khi đó tôi chẳng cảm thấy gì, nhưng càng ngày tình trạng càng tệ hơn. "Giờ thì tôi đang chờ xem số phận mình sẽ ra sao."
Các bác sĩ đã lấy mẫu từ vết thương của Dayem, xem căn bệnh do vi khuẩn hay nấm, hay cả hai thứ đó gây ra. Do có nhiều tác nhân gây bệnh, nên quá trình tìm ra thuốc chữa trị cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, kháng sinh chỉ chống được virus, không thể giải quyết được bệnh gây ra bởi nấm.
"Việc tìm ra cách chữa trị cho căn bệnh này gặp nhiều khó khăn, bởi nó do 2 yếu tố gây ra: vi khuẩn và nấm. Ở thời điểm hiện tại, chưa có ai tìm ra phương thuốc đồng thời giải quyết được cả hai," - Fahal cho biết.
Dẫu vậy thì vẫn có tin mừng. Trên thế giới, các chuyên gia từ Nhật Bản và Thụy Sĩ đang hợp tác để tìm ra một loại thuốc mới, và hy vọng sẽ cho kết quả vào năm 2021.