Đằng sau một đứa trẻ hạnh phúc là 7 "bí mật" không phải cha mẹ nào cũng biết

Minh Nhật, Theo Trí thức trẻ 16:46 25/03/2023

Dưới đây là 7 bí mật của một em bé hạnh phúc được chị Hongan Doan chia sẻ. Mong rằng các bố mẹ sẽ tham khảo và biết cách nuôi dạy con mình.

Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con mình hạnh phúc. Chỉ cần con hạnh phúc con sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống, điều mà nhiều người lớn vất vả tìm kiếm nhưng mãi vẫn không thể đạt được.

Người lớn có thể thành công nhưng không thể có hạnh phúc, nhưng nếu có hạnh phúc chắc chắn là một trong những người thành công. Một em bé được nuôi dưỡng tốt là một em bé sống trong hạnh phúc.

Hạnh phúc nghe có vẻ xa vời nhưng cũng rất giản đơn. Đối với một đứa trẻ, hạnh phúc còn bình dị hơn nữa. Bí mật của một đứa trẻ hạnh phúc chỉ đơn giản đến từ bảy điều giản dị trong cuộc sống thế này thôi:

1. Ăn đúng giờ, ăn đủ chất

Ăn uống điều độ trong những năm tháng đầu đời sẽ giúp trẻ có thói quen tốt khi lớn lên. Cung cấp chất dinh dưỡng một cách hợp lý theo độ tuổi của trẻ sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Dinh dưỡng được cung cấp từ những thực phẩm lành mạnh, nó không đến từ bánh kẹo đồ ngọt hay đồ ăn vặt của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy những tâm lý bất ổn, thờ ơ, mệt mỏi, mất tập trung một phần do thực phẩm kém dinh dưỡng.

Vậy nên để nuôi dưỡng một em bé hạnh phúc điều trước nhất cha mẹ cần nuôi dưỡng một em bé khỏe mạnh.

2. Ngủ đúng giấc và điều độ

Kai nhà mình thường xuyên theo ba mẹ đi công tác, đôi khi lệch múi giờ và lịch sinh hoạt bị thay đổi. Những ngày sau đó là những ngày tâm trạng Kai sẽ vô cùng căng thẳng và khó chịu, mẹ phải luôn cố gắng lập một nếp sinh hoạt gần giống với ở nhà nhất. Sau khi ổn định được lịch sinh hoạt tâm trạng Kai cũng tốt hơn.

Một đứa trẻ được ngủ đủ giấc và điều độ chính là bệ phóng cho não bộ phát triển, và tất nhiên đi kèm với sự phát triển của não bộ là sự phát triển của thể chất.

Ngủ đúng giấc và điều độ giúp trẻ tăng khả năng tập trung, có một trái tim khỏe mạnh, tái tạo hệ miễn dịch, kiểm soát được tâm trạng và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Đó là những lý do để cha mẹ phải xây dựng lại một lịch sinh hoạt lành mạnh cho con trẻ.

Kai 8 giờ sẽ vào giường, sau khi cầu nguyện và nằm thủ thỉ với mẹ thì 9 giờ Kai sẽ vào giấc. 6h30 sáng Kai tự dậy, tự chuẩn bị bữa sáng, tư ăn và được chở đi học. Một em bé 3 tuổi có thể tự chủ được việc mình làm, không cần ba mẹ phải nhắc nhở, hay sáng sớm phải "gọi đò" mới chịu thức dậy chỉ với một bí quyết rất đơn giản, đó là "thói quen". Thói quen của một lịch trình sinh hoạt điều độ và lành mạnh.

Một vài cha mẹ hỏi mình về vấn đề trẻ thiếu tập trung nhưng lại hoạt động quá nhiều, đôi khi trẻ lại phản ứng vô cùng nhạy cảm với sự việc. Một số cha mẹ cho rằng trẻ con nên phải năng động… điều đó đúng, nhưng chỉ một phần. Một số trẻ thiên về trí thông minh vận động nên sẽ vận động nhiều hơn. Nhưng năng động đi kèm với thiếu tập trung và nhạy cảm thì cần xem xét lại: liệu não bé có phải đang làm việc quá sức không? Vì những điểm chung mà các em bé đó có là đi ngủ rất trễ vào khung giờ 10-12h đêm, hoặc một số bé lại được tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử. Mình có đưa ra gợi ý cho các phụ huynh đó điều chỉnh lại lịch sinh hoạt, thời gian nghỉ ngơi của trẻ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh của các thiết bị đó sẽ tăng độ căng thẳng cho não bộ của trẻ. Sau khi điều chỉnh được hai tuần, các kết quả đều rất tốt, trẻ tập trung hơn cũng như độ "năng động" cũng được giảm.

Khi não bộ của trẻ được nuôi dưỡng một cách tích cực, việc kiểm soát cảm xúc và hành vi cũng sẽ được đi theo một cách tích cực. Đó chính là điều một em bé hạnh phúc cần.

Đằng sau một đứa trẻ hạnh phúc là 7 bí mật không phải cha mẹ nào cũng biết - Ảnh 1.

Hot mom Hongan Doan.

3. Tự do chơi và khám phá

Khám phá là cách để trẻ học hỏi và tiếp thu kiến thức mới, kích thích và phát triển trí tuệ. Tự do đùa nghịch trong cát, nhảy múa dưới mưa, tò mò với những con vật trong công viên luôn kích thích sự háo hức của trẻ. Nhưng bởi sự lo lắng của cha mẹ đã ngăn cản chúng vọc đất, ra gió, tránh nắng chỉ vì sợ bẩn, sợ vi-rút, vi khuẩn. Để trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên chính là để trẻ có thể thích ứng với các tác động của môi trường cũng như tăng cường sức đề kháng qua sự khám phá với thiên nhiên.

Tự do vui chơi và khám phá giúp trẻ tăng khả năng tưởng tượng và sáng tạo. Điều này cũng giúp trẻ tích lũy được kỹ năng sống. Bao bọc con sẽ khiến con ỷ lại vào ba mẹ và dần dần mất đi thế chủ động trong cuộc sống. Một đứa trẻ mỏng manh dễ vỡ sao có thể hạnh phúc trong một xã hội phức tạp ngày nay. Nhưng một đứa trẻ mạnh mẽ, chủ động, có những kỹ năng thích ứng với cuộc sống chắc chắn là một đứa trẻ có thể làm chủ được cuộc sống – làm chủ được hạnh phúc.

Kai được sinh ra ở vùng đất của biển, nhưng những năm tháng em bị Eczema luôn được mẹ bao bọc kỹ lưỡng vì sợ em tiếp xúc với các dị nguyên, thành ra mãi đến hơn một tuổi Kai mới được ra biển chơi. Điều đầu tiên Kai làm là bám víu lấy mẹ, sợ cát làm dơ bẩn chân, sợ nước, sợ nắng, sợ sóng. Mẹ bắt đầu tự hỏi: "Có phải con đã được bao bọc quá rồi không? để bây giờ cái gì con cũng sợ như vậy?".

Kai được mẹ đặt lên ghế rồi ngồi co rúm lại, không dám động đậy vì sợ đụng phải cát. Nhưng rồi, Kai lại đưa ánh mắt thèm thuồng nhìn bạn chơi lầy lội dưới cát. Ánh mắt đó kéo dài rất lâu, cho đến khi không chịu nổi sự ham muốn được chơi – được vui như bạn, Kai mới bắt đầu bỏ chân xuống nhưng phải mang giày chứ nhất định không đi chân trần.

Cuối cùng sau hai ngày Kai mới bung xõa với bạn được. Nhưng mình không bao giờ quên ánh mắt "mong ước" của Kai nhìn bạn lúc đó. Ánh mắt đó khiến mình luôn tự trách bản thân, vì lo sợ bao bọc con mà mình đã kìm hãm khả năng thích ứng của con, phải chăng mình đã dành mất quyền được khám phá, quyền được thử, quyền được trải nghiệm của con. Khi còn ở Đức, Kai chạy ra ngoài sân chơi với các bạn dưới sương lạnh -4 độ C, sợ con lạnh nên mình gọi Kai vào trong nhà chơi, nhưng một phụ huynh ở Đức khuyến khích mình cứ để con chơi thoải mái, tại sao lại ngăn cản trẻ, cô ấy đã nói như vậy: "Không có thời tiết không thuận lợi, chỉ có trang phục không phù hợp".

Mình hiểu ra vấn đề, và không muốn Kai phải đứng bên trong nhà nhìn ra tấm gương xem các bạn chơi với ánh mắt "khao khát – thèm muốn" như ngày nào nữa. Kai được mẹ khoác thêm áo và tiếp tục nhảy nhót ngoài sân chơi với các bạn. Sai ở đâu thì sửa ở đó, về sau, trời mưa mà con muốn ra ngoài thì mẹ mặc áo mưa cho con rồi cho ra ngoài, trời nắng thì đội nón, vọc cát xong thì rửa tay, chơi bẩn thì về tắm rửa. Nhìn Kai vui vẻ với thiên nhiên, tự do chơi đùa, tự do khám phá mình nhận thấy niềm hạnh phúc trong con cũng được lan toả.

4. Được thể hiện cảm xúc

Mỗi một sự kiện xảy ra mình đều hỏi Kai con cảm thấy như thế nào? Vì mình muốn Kai nhận định và gọi tên được cảm xúc mình. Dần dần, Kai như thói quen, đã biết gọi tên cảm xúc. Có ngày Kai đến nói với mẹ con buồn, mẹ hỏi nỗi buồn của con màu gì? Kai trả lời nỗi buồn màu "blue". Dường như một đứa trẻ hạnh phúc thì đến nỗi buồn cũng thấy đẹp.

Rồi một ngày Kai nói với mẹ con đang tức giận. Mẹ hỏi con cảm thấy tức giận ở đâu trên cơ thể con, Kai chỉ tay lên ngực và đầu. Rồi mẹ hỏi giờ mình nên làm thế nào để hết tức giận nhỉ? Kai suy nghĩ rồi nói "Mẹ ôm con đi!"

Được thể hiện cảm xúc, dù là cảm xúc tiêu cực hay tích cực trẻ cũng sẽ dần biết cách chế ngự và điều tiết cảm xúc đó.

Những lần đi tiêm phòng, đều nhìn thấy những phản ứng của cha mẹ khi con khóc sau tiêm như vầy: một là dỗ con nín đi, "mẹ thương, bà thương đừng khóc nữa…", hoặc là dụ con bằng cái này cái kia để chi phối sự tập trung rồi trẻ quên mất mình đang khóc. Có cha mẹ thì dữ dội hơn: "nín… nín ngay, có gì đâu mà khóc, con trai mà khóc nhè."

Kai thì ngược lại, trước khi tiêm luôn được mẹ làm tư tưởng: "Sẽ đau chút xíu nhưng cũng mau hết thôi. Nếu đau thì con cứ khóc nhé, khóc to nó sẽ đỡ đau hơn đấy, mẹ sẽ luôn bên cạnh con". Trong phòng tiêm ai cũng trợn mắt ngạc nhiên với kiểu dỗ con của mình, nhưng cuối cùng Kai khóc ít nhất, có khi còn không khóc.

Đôi khi chúng ta vô tình dập tắt cảm xúc của trẻ, không cho trẻ thể hiện cảm xúc, đôi lúc là bằng lời dọa nạt, khi là bằng sự thờ ơ. Tại sao, mỗi lần trẻ khóc đều bị bắt nín, hoặc không biết ở đâu ra nguyên tắc con trai thì không được khóc? Khóc là một cách thể hiện cảm xúc lành mạnh, thay vì xoa dịu cảm xúc của trẻ ta lại áp lực trẻ không được thể hiện cảm xúc.

Kai chưa bao giờ mè nheo nhõng nhẽo hay khóc quá lâu, đơn giản vì khi Kai khóc, mẹ luôn cho Kai biết là mẹ hiểu cảm giác của con, con đang buồn và muốn khóc mẹ chờ con khóc xong, khi con sẵn sàng mình sẽ nói chuyện nhé. Và cứ như vậy, Kai tự nín, khóc trong ít phút thì đến với mẹ và nói: "Con khóc xong rồi, mẹ ôm con được không?"

Dạy con về cảm xúc, và để con được thể hiện cảm xúc của mình là cách để nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc. Dù đó là niềm vui, nỗi buồn, hồi hộp, sự thất vọng, hay cơn tức giận…tất cả đều tạo nên những cung bậc và sắc màu của cuộc sống.

Đằng sau một đứa trẻ hạnh phúc là 7 bí mật không phải cha mẹ nào cũng biết - Ảnh 2.

5. Được lựa chọn và quyết định

"Đằng sau một đứa trẻ luôn tin vào chính mình là cha mẹ, người luôn tin vào con trước nhất".

Khi cha mẹ trao cho trẻ quyền được lựa chọn và quyết định, chính là cha mẹ trao sự tin tưởng của mình cho con. Đôi khi lựa chọn của con không hoàn hảo trong mắt cha mẹ, nhưng cha mẹ cần học cách tôn trọng quyết định của trẻ. Có như vậy trẻ mới cảm thấy tự tin vào chính mình.

Hồi còn nhỏ, nhà mình bán nệm, mẹ bảo con chọn một cái nệm để nằm. Mình háo hức chọn một cái nệm màu xanh, nhưng mẹ lại bảo nệm xanh nằm nhanh bẩn, thôi chọn màu cam đi…cho sạch.

Năm lên cấp hai, ba mẹ dự định mua cho mình chiếc xe đạp, rồi ba dẫn mình đi chọn. Tuổi mộng mơ mình chọn chiếc xe màu hồng, về nhà mẹ bảo xe màu hồng đi mưa dơ… nên chọn màu đỏ đi. Về sau mỗi khi ba mẹ hỏi con chọn cái nào mình đều trả lời "không biết". Nhiều lần như vậy, mình đã không còn tự tin vào bản thân mình nữa, nên khi cần đưa ra quyết định đều chần chừ do dự và phân vân. Rồi dần dần không thể nói lên được ý kiến riêng khiến mình luôn rơi vào thế bị động.

Sau này có Kai rồi, mình không muốn Kai rơi vào trạng thái hụt hẫng như mình đã từng trải, càng không muốn con không có chính kiến và bị động nên mình luôn để cho con có quyền tự do lựa chọn. Nên có những ngày nóng Kai lại chọn bộ đồ mùa đông, có những ngày mặc nguyên một cây đồ thảm hoạ, hay cả tuần chỉ ăn sáng mỗi một món. Nhưng không sao, miễn là con có chính kiến riêng của mình, còn lại khi con lớn dần mọi quyết định của con sẽ tự biết cân nhắc và thay đổi. Nếu không ảnh hưởng đến đạo đức hay tính mạng thì con cứ tự do lựa chọn, mẹ chỉ học cách lờ đi những lựa chọn sai lầm của con để con tự học và thay đổi.

6. Cảm thấy được lắng nghe

Một ngày thú vị Kai chạy đến nói với mẹ: "Mẹ ơi! Con không thích Daddy đâu!".

Daddy vừa nghe xong thì bị sốc tâm lý vì con mình tuyên bố một câu xanh rờn. Sau đó là một tràng phân tích: "Daddy thương con lo cho con thế mà con nói con không thích Daddy, vậy Daddy không lo cho con nữa, từ giờ Daddy sẽ không làm này… không làm kia cho con… bla… bla… bla…".

Mẹ ngay lập tức cắt ngang bài thuyết giảng của Daddy. Tập trung vào Kai và hỏi: "Con không thích Daddy ah? Sao vậy nhỉ? Con nói mẹ nghe với nào?".

Kai: Vì con không thích Daddy tắm cho con, con chỉ thích mẹ tắm thôi.

Mẹ: Oh! Là con không thích Daddy tắm cho con ah? Nhưng sao con không thích Daddy tắm nhỉ?

Kai: Vì Daddy tắm nước vào mắt con.

Mẹ: Ah, thì ra là do Daddy tắm nước vào mắt con, chắc lúc đó con khó chịu lắm phải không?

Kai: Con khó chịu, con không thích đâu.

Mẹ: Vậy con có nói với Daddy điều đó không?

Kai: Con nói rồi mà Daddy vẫn cứ không cẩn thận thôi. Daddy không có nghe.

Mẹ: Ah! Mẹ hiểu như thế này, có phải là con không thích cảm giác bị vào mắt và con cảm thấy Daddy không lắng nghe con nên đã không cẩn thận để nước vào mắt con nhiều lần, khiến con khó chịu đúng không?

Kai: (gật đầu)

Mẹ: Vậy cảm xúc khó chịu của con bắt nguồn từ việc nước vô mắt con chứ không phải con không thích Daddy đúng không?

Kai: Con thích Daddy, nhưng con không thích Daddy tắm vô mắt con.

Mẹ: Ok. Vậy chúng ta nói điều này với Daddy một lần nữa nhé.

Daddy đứng bên cạnh, nghe xong cuộc đối thoại của hai mẹ con thì cũng dần hiểu ra vấn đề. Daddy xin lỗi Kai và hai cha con lại vui vẻ ngụp lặn trong bồn tắm.

Đôi khi làm cha mẹ, chúng ta đã phản ứng thái quá với những câu nói của trẻ, thay vì tập trung vào cảm xúc, lắng nghe và thấu hiểu thông điệp bên trong trẻ muốn nói là gì thì chúng ta "chặn họng" trẻ bằng những đòn phản kháng thuyết giảng.

Có một điều chắc chắn rằng, để trẻ có cảm giác được lắng nghe, cần cha mẹ có sự kiên nhẫn, dừng mọi hoạt động để tập trung về trẻ, giải tỏa được những điều trong lòng trẻ, thấu hiểu được ngôn ngữ của trẻ. Đừng quá vội vã nhận định con khi chưa cố gắng để hiểu được điều con muốn nói, vội vã giải quyết vấn đề khi chưa biết rõ nguyên nhân, vội vã như kiểu chúng ta đã nghe – nhưng thực tế chúng ta lại chẳng hiểu gì. Vậy nên, cha mẹ cũng cần phải sống chậm lại trong thế giới hối hả này để thực sự lắng nghe và thấu hiểu trẻ. Sự lắng nghe luôn cho trẻ có cảm giác an tâm rằng cha mẹ luôn bên mình và đồng hành với mình. Và không có gì hạnh phúc hơn việc có những người cha người mẹ luôn biết cách để lắng nghe và thấu hiểu trẻ.

Đằng sau một đứa trẻ hạnh phúc là 7 bí mật không phải cha mẹ nào cũng biết - Ảnh 3.

7. Được yêu thương vô điều kiện

"Khi đứa trẻ biết rằng: con được chấp nhận khi sống thực với bản chất của mình, đứa trẻ sẽ vươn xa một cách không giới hạn".

Mỗi lần bị phạt Kai đều nói "Mẹ ôm con đi, mẹ thương con đi". Ngay lúc đó mình hiểu cảm giác bất an trong con. Ôm con mình nói: "Mẹ yêu con, mẹ thương con, nhưng con vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Con vẫn phải thực hiện lệnh phạt. nếu làm sai – con sẽ bị phạt, nếu làm tốt – mẹ sẽ khen con. Nhưng dù con làm đúng hay làm sai mẹ vẫn yêu con, việc con làm sai hay đúng không làm thay đổi được tình yêu của mẹ dành cho con. Nên con yên tâm nhé:. Kai nước mắt ngắn nước mắt dài hỏi mẹ, con làm sai mẹ vẫn yêu con phải không? Mẹ ôm Kai trả lời: "Tất nhiên rồi, vì con sinh ra để được yêu thương mà". Và thế là Kai yên tâm chịu phạt.

Hình phạt là để kỷ luật trẻ một cách tích cực nhằm giúp trẻ nhận ra lỗi sai và chịu trách nhiệm về lỗi sai của mình. Nhưng khi hình phạt trở thành sự đe dọa khiến trẻ lo sợ mà phục tùng thì đó không còn là sự kỷ luật nữa mà trở nên "sự trừng phạt". Đôi khi những hình phạt tiêu cực chỉ là cách để cha mẹ trút giận lên trẻ. Nói đúng hơn đó chính là hành động bất lực của cha mẹ trong việc quản lý cảm xúc của chính mình. Trẻ con thì lại vô cùng nhạy cảm, khi cha mẹ không kiểm soát được cơn giận của mình, bắt đầu la hét hay đưa ra hình phạt với trẻ dễ lắm khiến trẻ tưởng chừng như ba mẹ không còn yêu thương mình nữa, và với suy nghĩ như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi, không tự tin ở bản thân, sợ bỏ rơi, rồi chán ghét chính bản thân chúng. Điều đó sẽ trở nên những tiềm thức vô cùng đau đớn mãi đến khi lớn lên.

Cho con cảm nhận được tình yêu vô điều kiện, dù con như thế nào ba mẹ vẫn yêu con, như vậy trẻ mới biết yêu chính bản thân mình, tự khẳng định được chính mình. Trẻ được nuôi dạy trong một tình yêu vô điều kiện không chỉ là một đứa trẻ hạnh phúc mà còn là một trẻ biết trao yêu thương cho người khác. Những đứa trẻ tử tế, nhân hậu đều đến từ niềm hạnh phúc được yêu thương vô điều kiện.

Đây chính là 7 bí mật của một em bé hạnh phúc.