Đang đi học, hàng chục sinh viên ĐH danh giá bậc nhất thế giới bàng hoàng phát hiện mình hóa ra không đủ điều kiện trúng tuyển từ đầu

Nhật An, Theo Đời sống pháp luật 16:24 05/08/2024
Chia sẻ

ĐH Yale, Stanford,... đã thẳng thừng đuổi một số sinh viên của mình sau khi vụ bê bối tuyển sinh chấn động được phanh phui.

Năm 2019, một vụ bê bối gian lận trong quá trình làm hồ sơ tuyển sinh đại học tại một số trường đại học hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả những cái tên như Yale, Stanford,... đã gây chấn động dư luận. Vụ án được đặt tên là Chiến dịch Varsity Blues và đã thu hút sự chú ý của truyền thông toàn thế giới.

Các trường có liên quan trong vụ bê bối bao gồm Đại học Georgetown, Đại học Stanford, Đại học California Los Angeles, Đại học San Diego, Đại học Nam California, Đại học Texas, Wake Forest và Yale. Tuy nhiên, không trường nào bị cáo buộc có hành vi sai trái, ngoại trừ một nhân viên tuyển sinh tại Đại học Nam California.

Cuộc điều tra và các cáo buộc liên quan đã được công khai vào ngày 12 tháng 3 năm 2019 bởi các công tố viên liên bang Hoa Kỳ. Ít nhất 53 người đã bị buộc tội hình sự trong vụ bê bối khó tin này. Đáng chú ý, trong số các vị phụ huynh “đi đường tắt” để con nhập học được vào trường danh giá có không ít là người nổi tiếng.

Những sinh viên bỗng dưng phát hiện mình không đủ điều kiện nhập học

Hầu hết sinh viên liên quan đến vụ bê bối tuyển sinh đã bị đuổi học hoặc tự rời khỏi trường đại học của họ.

Theo tờ New York Times, ngay sau khi các vụ bắt giữ được công bố vào tháng 3 năm 2019, các trường đại học đã mở cuộc điều tra về những sinh viên có liên quan đến vụ bê bối. ĐH Yale, Stanford, Georgetown, Northwestern và Nam California đều đã đuổi học sinh viên hoặc thu hồi giấy phép nhập học của sinh viên. Nhiều sinh viên đang học năm cuối trung học đã bị từ chối đơn đăng ký hoặc buộc phải rút đơn.

Đang đi học, hàng chục sinh viên ĐH danh giá bậc nhất thế giới bàng hoàng phát hiện mình hóa ra không đủ điều kiện trúng tuyển từ đầu- Ảnh 1.

Các học sinh, sinh viên trong vụ việc đều là con nhà giàu (Ảnh minh họa)

Theo truyền thông, nhiều thanh niên không biết rằng mình đã gian lận để vào được trường ĐH. Họ luôn nghĩ rằng mình đủ điều kiện nhập học những ngôi trường danh giá mà không hề biết tất cả đã được chính bố mẹ dàn xếp đằng sau.

Nhiều người đã phải đối mặt với các vấn đề như bị tẩy chay, bị xa lánh, bạo lực mạng và sốc tinh thần sau vụ việc. Tổn thương tinh thần lớn nhất mà các “nạn nhân” này phải trải qua là việc cha mẹ không tin tưởng họ có thể tự mình nhập học vào ngôi trường ĐH mong muốn.

Vụ bê bối tuyển sinh khó tin nhưng có thật

Theo các tài liệu được công bố tại tòa án liên bang ở Boston ngày 12 tháng 3 năm 2019, hơn 50 người, bao gồm các giảng viên đại học, những người nổi tiếng ở Hollywood và các bậc phụ huynh giàu có đã bị buộc tội về tội hối lộ và gian lận liên quan đến vụ bê bối tuyển sinh đại học nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng Mỹ đã vạch trần một đường dây gian lận kéo dài từ năm 2011, trong đó phụ huynh trả cho một cố vấn tuyển sinh tên William Rick Singer để giúp con cái mình được vào các trường cao đẳng và đại học ưu tú với tư cách là vận động viên, mặc dù trên thực tế họ không phải vận động viên.

Chiến dịch Varsity Blues bắt đầu vào tháng 5 năm 2018 khi các quan chức FBI tình cờ phát hiện ra một manh mối trong khi đang điều tra một vụ án riêng biệt và không liên quan.

Cha mẹ của các học sinh, sinh viên được Andrew Lelling, luật sư bang Massachusetts mô tả là "một nhóm người giàu có và đặc quyền", bao gồm các giám đốc điều hành của các công ty công và tư, các ông trùm bất động sản, đồng chủ tịch của một công ty luật toàn cầu, một nhà thiết kế thời trang và những người nổi tiếng ở Hollywood.

Đang đi học, hàng chục sinh viên ĐH danh giá bậc nhất thế giới bàng hoàng phát hiện mình hóa ra không đủ điều kiện trúng tuyển từ đầu- Ảnh 2.

William Rick Singer - kẻ cầm đầu bị kết án 3 năm rưỡi tù giam và phải bồi thường 19 triệu USD

Lelling cho biết tất cả mọi người đều cố tình thông đồng với William Rick Singer, trả cho ông ta từ 100.000 đến 6,5 triệu USD và ngụy trang các khoản thanh toán thành tiền quyên góp từ thiện.

Liên quan đến học sinh được nhận vào học với tư cách là vận động viên, Singer sẽ làm việc với phụ huynh để tạo ra hồ sơ thể thao ấn tượng cho con em họ, bao gồm cả chứng chỉ hoặc danh hiệu thể thao giả. Trong nhiều trường hợp, Singer giúp phụ huynh chụp ảnh dàn dựng cảnh họ tham gia thể thao hoặc sử dụng chỉnh sửa.

Sau đó, Singer sẽ làm việc với các huấn luyện viên ở trường đại học để đưa học sinh suất tuyển sinh dành riêng cho các vận động viên.

Bên cạnh đó, Singer còn có 1 “dịch vụ” khác giúp các thanh niên con nhà giàu này có lợi thế hơn khi thi cử vào đại học. Ông tư vấn cho phụ huynh đưa con đến gặp chuyên gia trị liệu, những người có thể cung cấp thư giới thiệu rằng con họ cần thêm thời gian làm bài kiểm tra hoặc không giới hạn do khuyết tật. Sau đó, Singer sẽ sắp xếp để học sinh làm bài kiểm tra SAT hoặc ACT một mình với một giám thị mà ông sẽ trả từ 15.000 đến 75.000 USD để làm bài kiểm tra thay cho các em hoặc thay đổi câu trả lời sau khi học sinh hoàn thành.

Trong một trường hợp, nữ diễn viên Felicity Huffman, ngôi sao của chương trình truyền hình "Desperate Housewives", đã trả 15.000 USD để sửa bài làm của con gái mình trong kỳ thi SAT.

Joseph R. Bonavolonta, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI tại Boston cho biết: "Đây là trường hợp họ phô trương sự giàu có của mình và cho con cái họ nền giáo dục tốt nhất mà tiền có thể mua được - theo nghĩa đen. Hành động của họ, không còn nghi ngờ gì nữa, là xảo quyệt, ích kỷ và đáng xấu hổ".

Nguồn: The Guardian

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày