Mới đây, một bà mẹ đã đăng tải hình ảnh cậu con trai học lớp 5 đang rơm rớm nước mắt, kèm dòng trạng thái: "Con em học lớp 5. Giờ cháu không muốn học, các bác cho em hỏi có việc gì cho con em trải nghiệm trường đời với ạ. Làm không lương cũng được ạ. Khu vực Quận 1". Bài đăng ngay lập tức thu hút sự chú ý và cũng dấy lên nhiều tranh cãi trái chiều.
Phần lớn phụ huynh tỏ ra đồng cảm với tình huống này. Nhiều người đề xuất các "công việc" để con trải nghiệm: "Cho cháu ra ngã tư đèn đỏ đứng từ sáng đến tối, chỉ cần mang nước theo, không cần làm gì. Một ngày là biết học sướng thế nào!"; "Đưa cháu đi bán vé số 12 tiếng/ngày, gặp đủ kiểu người, chắc chắn sẽ tự nguyện xin đi học lại!"; "cho vào quán cà phê rửa chén, lau bàn... Làm 3 ngày là mệt không muốn rời bàn học nữa!".
Bài đăng ngay lập tức thu hút sự chú ý và cũng dấy lên nhiều tranh cãi trái chiều.
Một người kể câu chuyện của con mình: "Con tôi năm nay vào lớp 1 nhưng rất lười học. Thấy vậy, chồng tôi bảo: "Được, nếu không muốn học thì đi làm với ba, ba sẽ trả lương'. Sáng hôm sau, anh ấy dẫn bé đến công trường chung cư nơi mình đang quản lý, giao cho nhân viên hướng dẫn làm những việc nhẹ như bê sắt, trộn vữa dưới cái nắng chang chang.
Bé làm được một lúc đã mếu máo xin về nhưng ba nhất quyết không đồng ý. Đến trưa, bé chỉ được ăn vội hộp cơm công nhân, mãi đến 5 giờ chiều mới được về. Khi chồng tôi đưa 100 nghìn tiền công, bé khóc nức nở từ chối và nằng nặc đòi đi học trở lại".
Tuy nhiên, đằng sau những lời đùa cợt, nhiều người tỏ ra lo ngại về cách giáo dục này. Không ít người chỉ trích việc bà mẹ công khai ảnh con trên mạng xã hội. Trẻ con cũng có lòng tự trọng. Phạt thế nào thì phạt, nhưng đừng biến con thành trò cười trên mạng!.
Nhiều người cho rằng, việc phơi bày khuyết điểm của con trước đám đông có thể gây tổn thương tâm lý, khiến trẻ mất niềm tin vào cha mẹ. Thay vì đăng ảnh, nên tìm cách trò chuyện riêng với con.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi áp dụng "hình phạt đời thực", cha mẹ cần tìm hiểu gốc rễ vấn đề: Áp lực học tập như bài vở quá tải, điểm số kém khiến con chán nản. Hoặc con có xung đột trường lớp như bị bạn bè trêu chọc, giáo viên la mắng. Cũng có những đứa trẻ thiếu định hướng bởi trẻ không hiểu "học để làm gì".
Tuổi này đứa trẻ nào cũng thích chơi hơn học. Nhưng nếu con bất ngờ từ chối đến trường, phải xem lại môi trường học có vấn đề gì không. Thay vì ép buộc, cha mẹ nên đồng hành cùng con: Giảm tải bài tập, tạo động lực bằng phần thưởng nhỏ, hoặc nhờ giáo viên hỗ trợ.
Khi cha mẹ thường xuyên chê bai con mình, trẻ sẽ nghĩ bản thân ngốc nghếch, kém cỏi hơn các bạn khác, từ đó chúng trở nên tự ti và có thái độ tiêu cực trong học tập. Điều tốt nhất cha mẹ nên làm là động viên con cái và có thể nói rằng: "Con không có ngốc, nếu con chịu cố gắng thì sẽ trở nên xuất sắc về nhiều mặt". Những lời khen ngợi, động viên của cha mẹ sẽ khiến trẻ tự tin và có thêm động lực học hành.
Hơn nữa, điều 164 Bộ Luật Lao động 2019 quy định: "Người dưới 15 tuổi không được làm việc, trừ một số nghệ thuật, thể thao đặc thù". Cha mẹ cần nhớ, việc cho trẻ lớp 5 (11 tuổi) đi làm dù không lương vẫn có thể bị xem là bóc lột sức lao động trẻ em.
"Thay vì tìm việc, cha mẹ nên đưa con đến các trung tâm tư vấn học đường hoặc cho con tham gia hoạt động thiện nguyện phù hợp lứa tuổi. Đó cũng là cách để trẻ học về giá trị lao động", một luật sư khuyến cáo.
Câu chuyện này một lần nữa đặt ra câu hỏi về phương pháp dạy con. Kỷ luật nghiêm khắc đôi khi cần thiết, nhưng lạm dụng trải nghiệm "khắc nghiệt" có thể phản tác dụng. Như chia sẻ của một bà mẹ từng trải nghiệm: "Tôi cho con đi bán hàng rong 1 ngày, nhưng sau đó ngồi lại giải thích vì sao ba mẹ muốn con học. Giờ cháu tự giác học không cần nhắc nhở".
Quan trọng nhất vẫn là tìm ra tiếng nói chung với con, thấu hiểu tâm tư của trẻ thay vì áp đặt. Mỗi đứa trẻ cần một phương pháp giáo dục phù hợp với tính cách và hoàn cảnh riêng. Có lẽ, điều trẻ cần không phải là những "bài học đời" đầy nước mắt, mà là sự kiên nhẫn thấu hiểu từ chính những người thân nhất.