Ở thời kỳ trước đây, vẫn luôn có các giai thoại về những mỹ nhân với nhan sắc "khuynh quốc khuynh thành", thậm chí khiến bao trang nam tử phải chùn chân, lỡ bước vì quá say đắm vẻ đẹp đó. Tuy nhiên những Tây Thi, Điêu Thuyền… dường như cách thời đại của chúng ta quá xa, khó có thể kiểm chứng được những mỹ nhân đó có thực sự như lời đồn đại. Nhưng vào thời Trung Hoa Dân Quốc (1912 – 1949), đã từng có một mỹ nhân vang danh khắp chốn vì nhan sắc khuynh đảo và tài năng của mình, mà đến khi cô từ giã cõi đời vẫn khiến người ta luyến tiếc khôn nguôi.
Nguyễn Linh Ngọc quê gốc Quảng Đông, sinh ngày 26/4/1910 tại thành phố Thượng Hải. Lúc này cô vẫn chưa lấy tên là Nguyễn Linh Ngọc. Vừa 6 tuổi thì cha bị bệnh qua đời, mẹ Nguyễn Linh Ngọc phải đi làm công cho một gia đình nhà giàu họ Trương để kiếm tiền nuôi cô ăn học.
Vào thời điểm đó, nền giáo dục tiên tiến của phương Tây đã trở nên phổ biến tại Thượng Hải. Để thay đổi vận mệnh, không muốn con gái phải sống cuộc đời nghèo khó, vất vả như mình, người mẹ quyết định gửi Nguyễn Linh Ngọc vào trường nữ sinh Sùng Đức để được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến của phương Tây.
Vậy là từ năm 9 – 16 tuổi, Nguyễn Linh Ngọc bắt đầu được theo học tại trường nữ sinh Sùng Đức. Nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi của mỹ nhân một thời này, đây có lẽ là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời cô.
Mỹ nhân có xuất thân nghèo khó
Nhà họ Trương – nơi mẹ Nguyễn Linh Ngọc đến làm thuê là một gia đình giàu có trong vùng, họ có một người con trai út rất được cưng chiều tên là Trương Đạt Dân. Năm lên 16 tuổi, Nguyễn Linh Ngọc trổ mã thành một thiếu nữ duyên dáng, yêu kiều nổi bất hơn tất cả những cô nữ sinh cùng tuổi, khiến cho công tử nhà giàu Trương Đạt Dân xao xuyến và quyết định theo đuổi cô.
Tình yêu của hai người bị Trương phu nhân – mẹ Trương Đạt Dân phát hiện và kịch liệt phản đối, còn đuổi mẹ Nguyễn Linh Ngọc ra khỏi nhà. Sau nhiều lần nghe lời thề non hẹn biển của vị công tử nhà giàu, thiếu nữ Nguyễn Linh Ngọc ở tuổi 16 đã quyết định bỏ học, lén lút sống chung cùng Trương Đạt Dân. Trong thời gian đầu, đôi tình nhân trẻ đắm chìm trong tình yêu ngọt ngào, hạnh phúc.
Tuy nhiên, một thời gian sau, Trương Đạt Dân bắt đầu lộ ra thói chơi bời, ham mê cờ bạc. Anh ta thường xuyên phung phí tiền bạc vào các cuộc cá độ và đắm chìm vào tửu sắc. Không bao lâu, tất cả tiền bạc đều bị tiêu sạch không còn một xu nào, cuộc sống của họ bắt đầu rơi vào khốn đốn.
Lúc này, anh trai Trương Đạt Dân là Trương Tuệ Xung giới thiệu cho Nguyễn Linh Ngọc đến thử vai tại một công ty điện ảnh, trở thành diễn viên để kiếm kế sinh nhai. Mặc dù không có kinh nghiệm diễn xuất, cô may mắn gặp được đạo diễn Bốc Vạn Thương, người có mắt nhìn người đã cho cô kinh nghiệm đổi đời, cũng tạo nên truyền kỳ lừng lẫy một thời. Việc bước chân vào con đường điện ảnh là một may mắn của Nguyễn Linh Ngọc, nhưng đó cũng chính là sự khởi đầu cho bi kịch cuộc đời mỹ nhân này.
Trương Đạt Minh (phải) - mối tình đầu của Nguyễn Linh Ngọc
Bộ phim điện ảnh đầu tiên mà Nguyễn Linh Ngọc thủ vai nữ chính là tác phẩm "Vợ chồng trên danh nghĩa" do biên kịch lão làng Trịnh Chính Thu chấp bút. Mặc dù kĩ năng diễn xuất còn nhiều hạn chế, nhưng nhờ vào dung mạo xuất chúng cùng khí chất u buồn vốn có, vai diễn này đã đạt được thành công lớn và thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Dựa vào lòng nhiệt huyết với việc đóng phim và khát vọng tự lực cánh sinh, Nguyễn Linh Ngọc đã hạ quyết tâm sẽ cố gắng vươn lên trong giới điện ảnh.
Vẻ đẹp sắc sảo, phảng phất nét u buồn của Nguyễn Linh Ngọc được các nhà làm phim chú ý từ những ngày đầu gia nhập giới điện ảnh
Khi Nguyễn Linh Ngọc vừa quay xong bộ phim "Vợ chồng trên danh nghĩa" thì hay tin cha của Trương Đạt Dân qua đời. Vì vậy, anh ta đã đưa cô đến viếng linh cữu cha mình. Nhưng khi vừa đến nơi thì bị Trương phu nhân hết lời mắng chửi và đuổi Nguyễn Linh Ngọc đi. Cô đành lầm lũi một mình cất bước đi khỏi nhà họ Trương, trong khi người yêu cô – Trương Đạt Dân không hề đuổi theo vì sợ đắc tội với mẹ mình và cả phần tài sản mà anh ta sắp được thừa kế. Đó chính là ngày mà Nguyễn Linh Ngọc cảm thấy vô cùng nhục nhã và đau đớn, vì lòng tự ái của cô bị người khác lạnh lùng giẫm đạp.
Ngày 13/3/1927, trên tập san đặc biệt của một tờ báo đã đăng tải tin tức về nữ diễn viên chính bộ phim "Vợ chồng trên danh nghĩa": Linh Ngọc (nhầm tên). Thời điểm đó cô vừa 17 tuổi, vốn có tên thật là Ngọc Căn (hoặc Ngọc Anh) đã chính thức đổi tên thành Nguyễn Linh Ngọc.
Sự ích kỷ và nhu nhược của tình đầu Trương Đạt Dân đã khiến cho Nguyễn Linh Ngọc bị tổn thương sâu sắc. Từ đó, cô quyết tâm vùi đầu vào sự nghiệp để quên đi những nỗi đau trong chuyện tình cảm. Từ năm 1926 – 1928, cô quay liên tiếp 4 bộ phim: "Vợ chồng trên danh nghĩa", "Dương Quý Phi của Bắc Kinh", "Huyết lệ bia" và "Bạch Vân Tháp"; dần dần chiếm được chỗ đứng trong lòng công chúng.
Nguyễn Linh Ngọc và bạn diễn
Tuy nhiên, sự nghiệp không hề thuận buồm xuôi gió như cô đã nghĩ. Thời điểm đó, Nguyễn Linh Ngọc vẫn chưa là minh tinh hàng đầu, vì vậy thường xuyên bị đạo diễn coi thường, gây khó dễ trong quá trình quay phim.
Mặt khác, công tử nhà họ Trương sau một thời gian về nhà làm "con ngoan", đã được mẹ mình cho thừa hưởng một nửa gia sản. Anh ta quyết định quay lại tìm Nguyễn Linh Ngọc, còn mua cho mẹ con cô một ngôi nhà mới. Mặc dù cô đã từng tổn thương khi bị mẹ Trương Đạt Dân sỉ nhục trước đó, nhưng vì vẫn còn vương vấn với mối tình đầu, lại dễ xiêu lòng vì lời ngon tiếng ngọt, nên quyết định nối lại tình cũ với Trương Đạt Dân.
Trương Đạt Dân từ khi nắm trong tay số tài sản lớn lại tiếp tục sa vào cờ bạc, cá độ. Mặc Nguyễn Linh Ngọc hết lời khuyên can anh ta vẫn mang hết tiền bạc đi hoang phí trong trường đua ngựa. Đến khi thua lỗ, nợ nần chồng chất, lại bị Trương phu nhân đuổi ra khỏi nhà, anh ta bèn cầu cứu Nguyễn Linh Ngọc và uy hiếp nếu cô không đưa tiền sẽ mang chuyện hai người sống chung với nhau tiết lộ với công chúng. Lo sợ bị khán giả quay lưng, nữ diễn viên không còn cách nào khác ngoài thoả hiệp với Trương Đạt Dân.
Thấy sự nghiệp không phát triển như ý muốn, chuyện tình cảm lại gặp nhiều đau khổ, Nguyễn Linh Ngọc cảm thấy bế tắc nên đã uống thuốc ngủ tự vẫn. May mắn mẹ của cô đã kịp thời phát hiện và đưa cô vào bệnh viện nên mới giữ được mạng sống.
Năm 1929, Nguyễn Linh Ngọc hoá thân xuất sắc vào nhân vật Yến Yến trong bộ phim "Xuân mộng cố đô" của đạo diễn Tôn Du, nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả và cả giới phê bình. Thành công lớn của bộ phim cũng góp phần đưa tên tuổi cô trở thành ngôi sao lớn trong giới điện ảnh.
Năm 1932, sự kiện Nhất nhị bát (quân Nhật tràn vào tấn công Thượng Hải ngày 28 tháng 1) xảy ra, khiến nhiều thương gia giàu có tại Thượng Hải thời đó lũ lượt bỏ trốn sang Hồng Kông. Cô cùng Trương Đạt Dân và con gái nuôi cũng di cư sang lánh nạn.
Tại nơi đây, cô tình cờ gặp Đường Quý San - "ông trùm" ngành buôn trà nổi tiếng, đồng thời cũng là cổ đông lớn của công ty Điện ảnh Liên Hoa, nơi Nguyễn Linh Ngọc gia nhập khi đến xứ Hương Cảng. Trước sự theo đuổi cuồng nhiệt của người đàn ông từng trải, lịch lãm, cộng thêm nỗi buồn khi phải ở bên kẻ ham mê cờ bạc như Trương Đạt Dân; Nguyễn Linh Ngọc đã xiêu lòng và bắt đầu qua lại với Đường Quý San.
Sau khi chiến sự lắng xuống, Nguyễn Linh Ngọc quay về Thượng Hải đóng phim, còn Trương Đạt Dân vẫn muốn ở lại Hồng Kông hưởng thụ. Nhờ vào những mối quan hệ quen biết, cô tìm được cho hắn ta một công việc trên thuyền ở Hồng Kông.
Trong thời gian ở Thượng Hải, sự nghiệp của Nguyễn Linh Ngọc lên như diều gặp gió, khi liên tục tham gia vào các bộ phim thành công như "Little Toys" và đặc biệt là "Three Modern Women" (1933). Cô trở thành nữ minh tinh ở đỉnh cao danh vọng, một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất Trung Quốc của thập niên 1930 và còn được mệnh danh là "nữ hoàng phim câm" thời điểm đó.
Cũng trong thời gian này, Đường Quý San liên tục ở bên Nguyễn Linh Ngọc, thể hiện tình yêu thắm thiết với người đẹp, khiến cô sống trong hạnh phúc và những tưởng như đây chính là bến đỗ bình yên của cuộc đời mình.
Đường Quý San (phải) - người đàn ông thứ 2 trong cuộc đời Nguyễn Linh Ngọc và cũng là người mang đến nhiều đau khổ nhất cho cô
Đang tận hưởng sự ngọt ngào của tình yêu thì Nguyễn Linh Ngọc bất ngờ nhận được thư từ Trương Chức Vân - một nữ diễn viên điện ảnh và cũng từng là nhân tình của Đường Quý San, nhưng đã bị ông ta ruồng bỏ. Trong thư tiết lộ Đường Quý San đã có một người vợ chính thức ở Quảng Đông. Việc làm ăn của ông ta chủ yếu dựa vào tài lực và thế lực của nhà vợ, vì vậy ông ta sẽ không bao giờ bỏ vợ để đến với cô. Kết thư, Trương Chức Vân để lại câu nói: "Cô nhìn tôi của hiện tại, cũng chính là cô của tương lai". Lúc ấy, Nguyễn Linh Ngọc vẫn cho rằng đây chỉ là lời bịa đặt của Trương Chức Vân vì ghen với cô và Đường Quý San.
Một thời gian sau, vào tháng 4/1933, Trương Đạt Dân quay lại Thượng Hải thì phát hiện Nguyễn Linh Ngọc sống chung với Đường Quý San, hắn vô cùng tức giận và muốn gây khó dễ với cô. Được sự ủng hộ của Đường Quý San, nữ diễn viên quyết định đoạn tuyệt quan hệ với kẻ phá gia chi tử này. Mặc dù hai người không hề có hôn thú, nhưng Nguyễn Linh Ngọc vẫn mời luật sư về soạn thảo một tờ khế ước, đồng ý trả cho Trương Đạt Dân mỗi tháng 100 đồng trong thời hạn 2 năm để chấm dứt mọi chuyện.
Thời điểm đó, dư luận bắt đầu lời ra tiếng vào, đồn đại về mối tình của cô và Đường Quý San. Nhiều người kháo nhau rằng đôi tình nhân một người thì tham tiền tài, người thì thích đùa bỡn phụ nữ. Nguyễn Linh Ngọc vẫn không để tâm, cô cho rằng chỉ cần mình cố gắng kiếm tiền, độc lập về kinh tế, chỉ cần Đường Quý San một lòng yêu mình là được. Nhưng rồi không được bao lâu, cô nhanh chóng phát hiện ra, người cô thương yêu đã có niềm vui mới. Đường Quý San mê đắm người phụ nữ tên Lương Trại Trân và bắt đầu ruồng bỏ Nguyễn Linh Ngọc. Cũng từ đó, hắn thường xuyên đánh đập và mắng chửi cô thậm tệ.
Khi thấy mình sắp hết thời hạn được chu cấp tiền, Trương Đạt Dân liên tục tìm tới dày vò, quấy nhiễu Nguyễn Linh Ngọc. Khi cô kiên quyết không đưa tiền, hắn bèn viết đơn tố cáo lên tòa án, buộc tội cô từng trộm đi không ít tài sản của gia tộc họ Trương rồi đem tặng cho Đường Lý San. Nhưng thương gia họ Đường đã tố cáo ngược lại rằng Trương công tử bôi nhọ danh dự mình. Thậm chí để chứng minh thân phận trong sạch, ông ta buộc Nguyễn Linh Ngọc phải công khai trên báo rằng: "Tôi đang sống cùng Đường Lý San, nhưng chưa từng tặng cho anh ta món đồ nào của nhà họ Trương. Chúng tôi vẫn độc lập về kinh tế".
Không chịu được búa rìu dư luận cùng sự đối xử lạnh nhạt, bạc bẽo từ 2 người đàn ông mà mình từng yêu sâu sắc. Nguyễn Linh Ngọc nén chịu hết tất cả những buồn bã và nhục nhã vào lòng, quyết định tìm đến cái chết để chấm dứt những chuỗi ngày đau khổ của mình.
Tối ngày 7/3/1935, sau khi cùng Đường Quý San đi tham dự một buổi yến tiệc về, nữ diễn viên ngoài mặt vẫn tỏ ra vui vẻ, nhưng đã lén chuẩn bị sẵn thuốc ngủ và di thư để tự vẫn. Đến ngày 8/3/1935, dư luận Trung Quốc rúng động khi biết tin nữ minh tinh đình đám một thời - Nguyễn Linh Ngọc đã mang trong lòng nỗi uất hận mà ra đi khi mới gần 25 tuổi.
Cũng trong ngày hôm đó, tại Thượng Hải đã có đến 5 thiếu nữ tự tử và để lại thư tuyệt mệnh với nội dung tương tự nhau: "Nguyễn Linh Ngọc chết rồi, tôi sống còn có ý nghĩa gì nữa."
Ngày 14/3/1935, đoàn người đến đưa tiễn linh cữu Nguyễn Linh Ngọc về nghĩa trang lên đến mấy trăm nghìn người, trong đó có cả những nhân vật quyền lực và nổi tiếng nhất nhì làng giải trí. Thậm chí, phóng viên của tờ báo New York Times còn cảm thấy quá bất ngờ vì đám tang của Nguyễn Linh Ngọc, nên đã viết về sự kiện này và gọi nó là "Đám tang vĩ đại nhất trên thế giới".
Sự ra đi của nữ diễn viên xinh đẹp và tài năng đã để lại cho người đời niềm thương tiếc vô hạn, những giọt nước mắt đã rơi vì một kiếp hồng nhan bạc bẽo và đầy trắc trở.
Hàng trăm nghìn người đã đến đưa tiễn nữ minh tinh tài hoa bạc mệnh
(Theo Sohu)