Thẻ tín dụng, hay còn gọi là “thẻ ghi nợ” giúp mọi người dễ dàng mua sắm các tài sản lớn mà không quá lo ngại về ngân sách cá nhân. Thế nên, họ e ngại tìm hiểu và sử dụng chúng vì nỗi lo nợ nần. Thực tế, đã có nhiều người trẻ thay đổi cái nhìn về thẻ tín dụng sau khi trải nghiệm hình thức thanh toán này.
Nguyễn Quyết (28 tuổi, Hà Nội) từng rất ghét thẻ tín dụng. Bởi anh cũng cho rằng loại thẻ này khiến bản thân có thể chi tiêu thiếu kiểm soát, tệ hơn là mang nợ vào thân.
“Mình từng nghĩ thẻ tín dụng là cái bẫy tiêu dùng. Bởi mình tin con người thường dễ 'mềm yếu' trước những thứ cám dỗ. Mua đồ trước, trả nợ sau bằng thẻ tín dụng là ví dụ. Hay mình cho rằng thẻ tín dụng chỉ phù hợp với những người thường mua sắm, thanh toán trực tuyến hoặc đi công tác. Bởi khi đó, họ mới có thể dùng được hết ưu đãi giảm giá và hoàn tiền mà thẻ tín dụng mang lại", Nguyễn Quyết nói.
Ảnh minh hoạ
Nhưng cuộc hôn nhân với đúng người, đúng việc thay đổi tất cả. Vợ Quyết làm ngân hàng, nghiễm nhiên cô trở thành gia sư thẻ tín dụng cho anh. Các ưu đãi, cách “bào thẻ” hiệu quả nhất, tất cả đều được vợ Quyết truyền thụ. “Kẻ địch không đáng sợ nếu bạn hiểu chúng”, và nếu biết đặt đúng hoàn cảnh, đúng chức năng, một gã cướp có thể trở thành áp tiêu, bổ khoái. Thẻ tín dụng cũng vậy.
“Khi sử dụng thẻ tín dụng, đầu tiên bạn phải chấp nhận là mỗi năm đóng vài trăm ngàn đồng tiền duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đổi lại lợi ích nhận về là được mua trả góp 0%, tham gia các chương trình khuyến mại trên các sàn thương mại điện tử và trung tâm dịch vụ có liên kết với đơn vị phát hàng thẻ.
Nhiều người thường nói rằng lương không cao thì không nên mở thẻ tín dụng. Nhưng mình đã dùng chúng từ khi tổng thu nhập tất cả chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng. Và mình nhận thấy bản thân được lời rất nhiều. Từ ngày mở thẻ, mình được dùng nhiều ưu đãi như hoàn tiền đi siêu thị, ăn uống… Mỗi tháng tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng, tháng nhiều nhất lên đến 1-2 triệu đồng so với hồi chưa mở'', Nguyễn Quyết nói.
Anh chàng cho biết thêm, giờ anh không còn dùng tiền mặt quá nhiều trong các giao dịch hàng ngày. Thay vào đó, anh chỉ dùng thẻ tín dụng và chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng.
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, Hoài Phương (24 tuổi, Hà Nội) cũng từng không muốn dùng thẻ tín dụng vì sợ thành ''con nợ". Lần đầu tiên, cô dùng thẻ tín dụng là để mua máy giặt vì lúc đó nhận được nhiều chương trình ưu đãi khi thanh toán bằng thẻ tín dụng. Và cho đến giờ, Hoài Phương đã có 3 thẻ tín dụng cho những nhu cầu tiêu dùng khác nhau.
Hoài Phương cho hay: ''Việc dùng thẻ tín dụng giúp mình tiết kiệm được khối tiền, trong khi mức phí hàng năm là 300 ngàn - 1 triệu đồng tuỳ chính sách ngân hàng. Canh mua hàng khuyến mại trên sàn thương mại điện tử mình được giảm 10 - 30%.
Nếu biết cách quản lý tài chính và sử dụng trong khả năng ngân sách thì thẻ tín dụng thật sự hữu ích. Đặc biệt trong trường hợp mình không có sẵn tiền mặt để chi tiêu cho các việc cần thiết, hoặc có thể chuyển đổi trả góp 0% cho những đơn hàng lớn, làm mình giảm được áp lực tài chính. Lương mình chỉ khoảng 15 triệu đồng thôi nhưng nhiều khi thấy may mắn vì có cái thẻ tín dụng xài lúc cần".
Đó là nhận định chung của Hoài Phuơng và Nguyễn Quyết trước quan điểm ''dùng thẻ tín dụng có thể khiến bạn tiêu nhiều tiền hơn, thậm chí mang nợ".
Có trải nghiệm cá nhân từ ''tẩy chay" thẻ tín dụng cho đến có 2 cái thẻ trong ví tiền, Nguyễn Quyết bày tỏ: ''Vấn đề không phải bạn dùng hình thức thanh toán nào mà bạn cần có trách nhiệm quản lý tài chính của mình. Riêng mình từ ngày dùng thẻ tín dụng, được giảm giá nhiều hơn thì có thể tiết kiệm được một khoản kha khá.
Nhiều người dùng thẻ tín dụng nhưng sợ mất tiền vì quên không đóng nợ. Nhưng bạn quên hay đến hạn không có tiền trả ngân hàng là lỗi của bạn, chứ không phải cái thẻ. Đã không có trách nhiệm với tiền bạc thì đừng nên mở thẻ tín dụng. Đồng thời, bạn cũng không nên giữ tiền vì có cầm cục tiền mặt thì bạn cũng tiêu hết".
Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, Hoài Phương cho biết thêm: ''Mình nghĩ tiết kiệm được hay không là do bản thân sử dụng tiền bạc như thế nào cho hợp lý. Như mình sống ở Hà Nội một mình, có thẻ thì khi đi siêu thị sắm đồ cũng thấy tiện lợi hơn. Cuối tháng mới đến hạn đóng tiền thì coi như mình trích bớt một phần thu nhập để 'chi tiêu trước, trả nợ sau'. Trong khi đó nếu dùng tiền mặt thì việc xoay sở tiền bạc cũng khó, vì không phải ai cũng muốn cho mình nhờ vả tiền".
Sau trải nghiệm cá nhân, Nguyễn Quyết cho rằng điều quan trọng nhất để tránh mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng là luôn nhớ ngày thanh toán. Bởi càng để lâu, dư nợ sẽ tăng theo cấp số nhân và trở thành món tiền lớn.
Nguyễn Quyết nói thêm: “Theo mình, nếu thu nhập của bạn là 15 - 20 triệu đồng/tháng - một mức lương trung bình hiện nay thì mới nên mở thẻ tín dụng. Bởi nếu thu nhập thấp hơn thì sẽ khó thanh toán đúng hạn nếu không có nhiều tiền nhàn rỗi”.