Dặn lòng cố quên rồi càng nhớ? Đây là 5 bí kíp giúp bạn có thể quên đi bất kỳ điều gì mình muốn, dù nó tệ đến đâu

J.D, Theo Helino 08:10 10/11/2019

Chuyện xấu xảy ra thì ai cũng muốn quên đi. Nhưng khổ nỗi, muốn nhớ thì khó, muốn quên lại càng khó hơn. Để quên được là cả một kỹ năng cần phải học hỏi đấy.

Não bộ con người quả thực là lạ kỳ. Chúng ta có rất nhiều điều cần phải nhớ, nhưng đầu óc lúc lên mây thì chẳng thể nhớ được. Ngược lại, có những sự kiện gây tổn thương, những khoảnh khắc đáng xấu hổ thì giống như mãi mãi in đậm trong tâm trí, cố quên lại càng nhớ hơn.

Cái sự thiên vị ngốc nghếch này gây cho chúng ta khá nhiều rắc rối. Mà tiếc thay là đến thế kỷ 21 rồi, khoa học vẫn không thể tìm ra lời giải phù hợp cho câu chuyện này. Nhưng bù lại, các nhà tâm lý học cũng đưa ra được một vài bí kíp tâm lý để bạn có thể lừa lại não, giúp bản thân quên được những chuyện cần quên.

1. Liên tục buộc não bộ ngưng nghĩ về nó

Dặn lòng cố quên rồi càng nhớ? Đây là 5 bí kíp giúp bạn có thể quên đi bất kỳ điều gì mình muốn, dù nó tệ đến đâu - Ảnh 1.

Khi muốn ghi nhớ điều gì đó - chẳng hạn như số điện thoại - một cách thông dụng là đọc đi đọc lại cho đến khi nó in được vào não.

Và hóa ra, cách để quên cũng tương tự như vậy, nhưng là làm ngược lại: Mỗi khi nhớ đến ký ức muốn quên, hãy buộc não bộ quẳng nó đi bằng cách nghĩ về những điều khác. Lặp đi lặp lại như vậy, não bộ sẽ hình thành phản xạ tự động, và đến một ngày ký ức ấy sẽ trở thành dĩ vãng.

2. Thay đổi ký ức

Dặn lòng cố quên rồi càng nhớ? Đây là 5 bí kíp giúp bạn có thể quên đi bất kỳ điều gì mình muốn, dù nó tệ đến đâu - Ảnh 2.

Bạn biết cơ chế gợi lại ký ức là gì không? Thực chất, nó không khác gì khi bạn nạp ký ức mới vào cả. Nghĩa là khi nhớ lại 1 thứ, não bộ sẽ phải trải qua quá trình tái nạp ký ức y như lúc ban đầu. Đây là lý do vì sao ký ức của chúng ta có sự sai lệch, không hoàn toàn chính xác so với thực tế những gì đã xảy ra.

Và bạn hoàn toàn có thể lợi dụng cơ chế này. Mỗi khi nhớ lại, hãy cố thêm vào một số chi tiết mới, không xảy ra vào lúc đó. Dần dần, bạn hoàn toàn có thể biến một ký ức buồn thành vui, mà nếu đã vui rồi thì sợ gì không nhớ lại cơ chứ?

3. Tạo ra ký ức mới mạnh hơn

Dặn lòng cố quên rồi càng nhớ? Đây là 5 bí kíp giúp bạn có thể quên đi bất kỳ điều gì mình muốn, dù nó tệ đến đâu - Ảnh 3.

Phương pháp này chỉ có thể hiệu quả nếu làm ngay sau khi việc muốn quên xảy ra. Hãy làm một việc khác ngay lúc đó, một việc giúp bạn sở hữu một ký ức mạnh hơn như thế.

Lấy ví dụ, bạn gặp lại một người quen và có cuộc trò chuyện có phần hơi xấu hổ. Nếu muốn quên thì ngay sau đó, hãy thử đi mua một thứ mà bạn ao ước có được từ lâu. Bạn cũng có thể đến công viên giải trí làm một vòng các trò cảm giác mạnh, hoặc đơn giản chỉ là sà vào vòng tay người thương, vì đây là cách cải thiện sức khỏe tinh thần rất tốt.

Dĩ nhiên là trong lúc làm những việc này, hãy cố gắng đừng suy nghĩ về những gì đã xảy ra. Có như vậy thì phương pháp này mới hiệu quả.

4. Ghi đè ký ức

Dặn lòng cố quên rồi càng nhớ? Đây là 5 bí kíp giúp bạn có thể quên đi bất kỳ điều gì mình muốn, dù nó tệ đến đâu - Ảnh 4.

Mỗi khi ký ức muốn quên ùa về, hãy cố gắng nhớ về một sự kiện tương tự nhưng có kết quả tích cực hơn. Đây là cách để ghi đè ký ức xấu bằng một điều tốt đẹp.

Chẳng hạn, bạn vừa nói một điều khá ngớ ngẩn trước mặt bạn bè và không muốn nhớ lại nữa, hãy nhớ lại những lúc bạn pha trò thành công và trở thành tâm điểm của cả lũ chẳng hạn.

Cứ lặp lại như vậy rồi đến cuối cùng, bạn sẽ hoàn toàn quên đi ký ức ấy mà thôi.

5. Thay đổi quan điểm

Dặn lòng cố quên rồi càng nhớ? Đây là 5 bí kíp giúp bạn có thể quên đi bất kỳ điều gì mình muốn, dù nó tệ đến đâu - Ảnh 5.

Có những khi chúng ta bị nghĩ quá lên và lo lắng về những thứ không đáng có. Và khoa học đã chứng minh, cảm xúc chính là lý do khiến chúng ta không thể quên được một ký ức.

Vậy nên bí kíp để quên là đừng để cảm xúc xem vào quá nhiều. Hãy phân tích ký ức xấu đó, nhìn nó ở một góc độ khác. Hãy tự đặt câu hỏi: liệu đó có phải là một ký ức xấu, liệu chuyện xấu ấy có xảy ra, và liệu rằng nó có mang lại một cái kết tích cực hơn?

Trong trường hợp không thể tự thuyết phục bản thân, hãy thử tìm đến một người khác, kể cho họ nghe. Nếu là một người hiểu chuyện, họ có thể khuyên bạn đừng nghĩ quá lên, và biết đâu khi nghe được những lời ấy cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ biến mất?

Tham khảo: BS, VT.co