Từng được mệnh danh là “thủ phủ thảm của thế giới”, thành phố Dalton (bang Georgia, Mỹ) nay lại trở thành tâm điểm lo ngại về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các xét nghiệm độc lập cho thấy nồng độ PFAS - nhóm hóa chất nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” - trong nhiều con suối tại đây cao gấp hàng chục nghìn lần mức cho phép theo tiêu chuẩn liên bang.
Người dân nghi ngờ nguồn ô nhiễm xuất phát từ các nhà máy sản xuất thảm trong khu vực. Theo phản ánh, những cơ sở này đã xả thải PFAS qua không khí, nước thải chưa qua xử lý, thậm chí sử dụng bùn thải chứa hóa chất làm phân bón nông nghiệp.
Ông Bob Bowcock, chuyên gia quản lý tài nguyên nước, cho biết: “Chúng tôi ghi nhận nồng độ PFAS cực kỳ cao tại nhiều điểm công cộng. Có những con suối thường xuyên nổi bọt do ô nhiễm”.
PFAS là tên gọi chung của hơn 10.000 loại hóa chất nhân tạo, có đặc tính khó phân hủy, tồn tại lâu trong môi trường và trong cơ thể người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa PFAS với các nguy cơ sức khỏe như ung thư, rối loạn nội tiết và đặc biệt là suy giảm hệ miễn dịch.
(Ảnh chụp màn hình)
“Mối lo lớn nhất là việc các chất này làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều đó cực kỳ nguy hiểm vì nó có thể kéo theo hàng loạt bệnh tật khác”, ông Bowcock nhấn mạnh.
Chị Sasha Cordle, một người dân chuyển đến Dalton từ năm 2020, cho biết chị và con gái đều gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. “Tôi bị cao huyết áp mà bác sĩ không kiểm soát nổi, uống tới bốn loại thuốc vẫn không ổn. Cả hai mẹ con đều mắc bệnh tự miễn, trong khi trước đây gia đình tôi không có tiền sử bệnh như vậy”, chị nói.
Gia đình ông Greg và bà Sharon Eads, những người đã về hưu, cho biết họ từng kỳ vọng sẽ an hưởng tuổi già tại mảnh đất mua từ năm 2019. Tuy nhiên, họ phát hiện đất đai bị nhiễm PFAS, khiến vật nuôi bị dị tật và chết bất thường.
“Giờ chúng tôi không còn dám dùng nước máy để uống, nhưng vẫn phải tắm bằng nước đó. Người ta nói rằng ngay cả khi không uống, các hóa chất vẫn có thể thấm qua da”, bà Sharon lo lắng.
Ông Ben Finley, một luật sư đại diện người dân, cho biết: “Tùy vào từng trường hợp, mức bồi thường có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD”.
Hiện người dân địa phương đang cùng các văn phòng luật sư thực hiện thủ tục pháp lý để đòi công lý. Tuy nhiên, hành trình pháp lý dự báo sẽ kéo dài, trong khi họ vẫn phải sống trong môi trường có nguy cơ ô nhiễm hóa chất dai dẳng mỗi ngày.