Đàn anh cảnh báo: 5 "cú tát" đầu đời khiến sinh viên mới ra trường "vỡ mộng"

Trang Vũ, Theo Đời sống & Pháp luật 19:58 23/04/2025
Chia sẻ

Với các nhà tuyển dụng, GPA cao chỉ là một phần, không phải là tất cả.

Nhiều sinh viên tin rằng chỉ cần học thật giỏi, tốt nghiệp với GPA cao thì chắc chắn sẽ có công việc tốt chờ sẵn. Nhưng khi bước vào thực tế, không ít người mới giật mình nhận ra: tấm bằng loại giỏi không phải là "tấm vé thông hành" như họ vẫn nghĩ.

Vừa tốt nghiệp đại học với GPA 3.85, một cậu sinh viên tên Trần Tuấn từng rất tự tin về tương lai của mình. Suốt 4 năm đại học, cậu gần như chỉ tập trung vào việc: đi học đầy đủ, làm bài đúng hạn, tham gia các cuộc thi học thuật và luôn nằm trong top đầu của lớp. Tuấn tin rằng, chỉ cần học giỏi thì ra trường kiểu gì cũng có việc tốt. Nhưng thực tế lại không như kỳ vọng.

Sau khi tốt nghiệp, Trần Tuấn gửi gần 30 hồ sơ xin việc nhưng rất ít nơi phản hồi, còn lại đều là thư từ chối. Thậm chí có buổi phỏng vấn, cậu còn không thể trả lời trôi chảy những câu hỏi tình huống cơ bản. Lúc ấy, nam sinh mới bắt đầu hiểu ra: GPA cao là một lợi thế, nhưng nó không thể thay thế cho kỹ năng và kinh nghiệm thực tế mà nhà tuyển dụng thật sự cần.

Đàn anh cảnh báo: 5 "cú tát" đầu đời khiến sinh viên mới ra trường "vỡ mộng"- Ảnh 1.

Nam sinh ngỡ ngàng hiểu ra: GPA cao là một lợi thế, không phải là tất cả (Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện của Trần Tuấn không phải là cá biệt. Thực tế, có rất nhiều sinh viên khác cũng rơi vào tình trạng tương tự: tốt nghiệp với thành tích cao nhưng vẫn chật vật tìm việc. Khi bước ra khỏi cánh cổng đại học, họ mới bắt đầu nhận ra khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế lớn đến thế nào. Và đây có lẽ là 5 sự thật phũ phàng mà nhiều bạn trẻ chỉ nhận ra sau khi "ăn hành" ở thị trường việc làm.

1. Nhà tuyển dụng không chỉ nhìn GPA

Tấm bằng loại giỏi hay bảng điểm toàn A chắc chắn là một điểm cộng. Tuy nhiên, trong mắt nhà tuyển dụng, điều quan trọng hơn là bạn có phù hợp với công việc hay không. Họ sẽ xem xét cách bạn giao tiếp, cách bạn giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm và thái độ khi làm việc. Một người có điểm cao nhưng thiếu linh hoạt, ít kỹ năng thực tế có thể sẽ không phù hợp với môi trường làm việc đầy biến động hiện nay.

2. Thiếu kinh nghiệm thực tế là một điểm yếu lớn

Dù bạn có học tốt đến đâu, nếu chưa từng đi thực tập, chưa từng tham gia dự án thực tế hay hoạt động ngoại khóa, thì bạn vẫn đang thiếu một phần rất quan trọng: trải nghiệm. Những hoạt động ngoài lớp học như làm thêm, tham gia câu lạc bộ, tổ chức sự kiện hay làm các dự án cá nhân giúp bạn rèn luyện kỹ năng mềm và hiểu rõ hơn về bản thân. Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ rằng, họ đánh giá rất cao những ứng viên có kinh nghiệm thực tế, dù GPA không quá cao.

3. Giao tiếp kém dễ bị loại "từ vòng gửi xe"

Đàn anh cảnh báo: 5 "cú tát" đầu đời khiến sinh viên mới ra trường "vỡ mộng"- Ảnh 2.

Kỹ năng giao tiếp cũng là một trong những tiêu chí để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên (Ảnh minh hoạ)

Có những sinh viên rất giỏi về mặt học thuật, nhưng khi bước vào phỏng vấn thì ấp úng, nói không rõ ràng, hoặc không biết cách trình bày suy nghĩ của mình. Trong khi đó, giao tiếp lại là kỹ năng gần như bắt buộc trong mọi công việc. Dù bạn làm ở vị trí nào thì cũng cần biết cách trình bày ý tưởng, thuyết phục người khác, hoặc đơn giản là phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp. Việc thiếu tự tin trong giao tiếp có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội đáng giá, dù thành tích học tập rất nổi bật.

4. Tự làm mình "vô hình" khi không biết tự xây dựng thương hiệu cá nhân

Ngày nay, nhà tuyển dụng không chỉ xem hồ sơ, mà còn có xu hướng tìm hiểu ứng viên qua các kênh khác như LinkedIn, blog cá nhân, mạng xã hội hoặc các sản phẩm bạn từng thực hiện. Nếu bạn không chủ động xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho mình thì rất dễ bị "lọt thỏm" giữa hàng trăm ứng viên khác. GPA cao không thể hiện được hết con người bạn – mà chính cách bạn thể hiện mình trong cuộc sống, công việc và cả trên không gian mạng mới giúp bạn nổi bật.

5. Học giỏi nhưng thiếu định hướng là không có ý nghĩa gì

Một điều đáng buồn là nhiều sinh viên học rất giỏi nhưng lại không biết mình thật sự muốn làm gì sau khi ra trường. Vì vậy, khi đi xin việc, họ nộp hồ sơ cho rất nhiều vị trí, từ kế toán, nhân sự đến marketing… nhưng không có định hướng cụ thể. Điều này khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về sự nghiêm túc và đam mê của bạn đối với công việc. Nếu bản thân bạn không rõ mình muốn gì, thì rất khó để thuyết phục người khác tin rằng bạn là người phù hợp.

Đàn anh cảnh báo: 5 "cú tát" đầu đời khiến sinh viên mới ra trường "vỡ mộng"- Ảnh 3.

Ứng viên không có định hướng rõ ràng là một điểm trừ lớn trong mắt nhà tuyển dụng (Ảnh minh hoạ)

Có thể bạn sẽ vỡ mộng khi nhận ra GPA không phải là "tấm vé vàng" như mình từng nghĩ, nhưng chính điều đó lại mở ra một góc nhìn trưởng thành hơn: thành công không đến từ một con số, mà đến từ cách bạn chuẩn bị cho hành trình phía trước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày