Ngày xưa xem Tây Du Ký, tôi luôn ước trở thành Tề Thiên Đại Thánh, 30 năm sau mới ngẫm ra người khôn chọn làm Trư Bát Giới

Đông, Theo Thanh niên Việt 06:32 16/04/2025
Chia sẻ

Tây Du Ký, với một đứa trẻ, là hành trình diệt yêu trừ quái. Nhưng với một người trưởng thành, nó là bài học sâu sắc về nhân sinh.

Hồi nhỏ, ông Mạnh (Trung Quốc) mê bộ phim Tây Du Ký như cơm ăn nước uống hằng ngày. Cứ mỗi lần đến hè hay Tết, tivi phát lại phim là ông lại dán mắt vào màn hình, miệng lẩm nhẩm theo từng câu thoại quen thuộc.

Khi ấy, ông Mạnh mới chỉ là một cậu bé 10 tuổi, mắt sáng bừng mỗi khi Tôn Ngộ Không cưỡi mây đánh yêu quái, tay vung gậy Như Ý dẹp sạch cái ác. Trong tâm trí trẻ thơ của ông, Ngộ Không là biểu tượng của sức mạnh, của lẽ phải, của cái tôi ngẩng cao đầu không chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào. Còn Trư Bát Giới? Một nhân vật béo ú, lười biếng, tham ăn và suốt ngày chỉ nghĩ đến việc chơi hơn làm. Nhân vật đó, với ông, chỉ là vai phụ để chọc cười.

Ngày xưa xem Tây Du Ký, tôi luôn ước trở thành Tề Thiên Đại Thánh, 30 năm sau mới ngẫm ra người khôn chọn làm Trư Bát Giới- Ảnh 1.

Nhưng bây giờ, khi đã là một người đàn ông 50 tuổi, đang làm quản lý tại một công ty nước ngoài, ông Mạnh lại nghĩ khác. Lâu lâu xem lại Tây Du Ký, ông chợt bật cười vì cuối cùng ông lại thấy... Bát Giới mới là người sống “cao tay” nhất trong cả đoàn thỉnh kinh.

Ngày còn trẻ, ông Mạnh từng là một Tôn Ngộ Không “phiên bản văn phòng”: nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng cãi sếp nếu thấy sai, không nịnh bợ, không đi đường tắt. Ông luôn tin: chỉ cần mình giỏi, mình đúng, thì sẽ được công nhận.

Thế rồi, đời không như mơ. Những lần góp ý thiếu khéo léo khiến ông bị “ghim”, những lần nhận làm thêm việc khó vì “chỉ có mình làm được” khiến ông kiệt sức. Đồng nghiệp xa lánh vì ông làm họ thấy kém cỏi, cấp trên thì e ngại vì ông quá độc lập. Ông từng tự hỏi: “Mình sai ở đâu khi chỉ cố làm tốt nhất phần việc của mình?”.

Câu trả lời đến từ một chiều muộn, khi ông vô tình thấy lại đoạn phim Trư Bát Giới đang vừa gánh hành lý, vừa cố tình tụt lại sau đoàn để trốn việc. Bỗng ông bật cười. Trong hành trình đi thỉnh kinh, Trư Bát Giới chẳng mấy khi đánh nổi trận ra trò, cũng không giảng đạo lý như Sa Tăng, càng không mưu trí như Ngộ Không. Nhưng cuối cùng, Bát Giới vẫn trụ lại đến cùng, vẫn được phong thần.

Trư Bát Giới là người biết “sống”. Biết khi nào nên nịnh sư phụ, khi nào nên lánh mặt, khi nào nên giả ngốc. Bát Giới không quá cố chấp, không gồng gánh việc thiên hạ. Ai làm gì làm, mình làm vừa đủ - thế thôi. Có lẽ Bát Giới hiểu rằng: sống lâu, sống khỏe, sống vui… cũng là một dạng bản lĩnh.

Ông Mạnh không còn là Tôn Ngộ Không nữa. Sau nhiều va vấp, ông học được cách “lui một bước, tiến ba bước”. Làm hết sức nhưng không ôm việc; góp ý có chừng mực; đôi khi phải biết im lặng để giữ mối quan hệ, đôi khi cũng cần “chơi vai ngốc” để tránh thị phi. Ông không mất đi năng lực, chỉ là không còn cần chứng minh mình mọi lúc mọi nơi.

Ngày xưa xem Tây Du Ký, tôi luôn ước trở thành Tề Thiên Đại Thánh, 30 năm sau mới ngẫm ra người khôn chọn làm Trư Bát Giới- Ảnh 2.

Không nhiều người muốn mình trở thành Trư Bát Giới

Trong môi trường công sở, nhiều người mơ ước trở thành “Đại Thánh” – tài giỏi, được trọng dụng, tung hoành ngang dọc. Nhưng thực tế, người tồn tại lâu dài và sống bình an lại thường là “Bát Giới” – biết giới hạn, biết mềm mỏng, biết chọn thời điểm. Cuộc đời không phải lúc nào cũng là sân khấu cho người xuất sắc nhất. Đôi khi, đó là đường trường dành cho người biết tiến – lùi hợp lý.

Điều này không có nghĩa là từ bỏ lý tưởng, cũng không phải khuyến khích sự luồn lách. Mà là lời nhắc nhở rằng: trưởng thành là khi ta biết đặt lý tưởng vào khuôn khổ thực tế, biết chọn trận để đánh, và chọn vai để sống.

Tây Du Ký , với một đứa trẻ, là hành trình diệt yêu trừ quái. Nhưng với một người trưởng thành, nó là bài học sâu sắc về nhân sinh. Cái “thắng” không nằm ở ai đánh giỏi hơn, mà ở ai đủ kiên nhẫn để đi đến cuối con đường.

Và ông Mạnh – người từng hét vang “Tớ là Tề Thiên Đại Thánh” giữa sân trường năm ấy – giờ chỉ cười nhẹ: “Làm Bát Giới cũng chẳng sao… Miễn là sống tốt, sống vui, và không bị siết vòng kim cô mỗi ngày là được”.

Ngày xưa xem Tây Du Ký, tôi luôn ước trở thành Tề Thiên Đại Thánh, 30 năm sau mới ngẫm ra người khôn chọn làm Trư Bát Giới- Ảnh 3.

Bạn muốn làm Trư Bát Giới hay Tôn Ngộ Không?

Theo Baidu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày