Nobita trong Doraemon là một nhân vật quá đỗi quen thuộc với tất cả mọi người. Ai cũng biết, ở trường lớp, Nobita là hình mẫu của một học sinh “kém toàn diện”: học dở, thể thao tệ, không kỷ luật, điểm kiểm tra lẹt đẹt, suốt ngày bị mắng và đứng chót lớp. Nếu xét theo thước đo thành tích mà phần lớn cha mẹ và nhà trường ngày nay đang áp dụng, Nobita hẳn là đứa trẻ “cần được cải tạo gấp”. Nhưng kỳ lạ thay, cậu lại là nhân vật có ảnh hưởng cảm xúc mạnh mẽ nhất trong Doraemon - người khiến bạn bè gắn bó, khiến robot tương lai gác lại lý trí để quay về giúp đỡ, và khiến cả những “trẻ cá biệt” như Chaien hay Suneo đôi lúc cũng phải mềm lòng.
Câu hỏi là: một đứa trẻ bị gán mác “kém cỏi” lại có thể giữ được những tình bạn sâu sắc đến vậy, là nhờ đâu? Đó là vì Nobita sở hữu một kiểu thông minh rất khác mang tên trí tuệ cảm xúc (EQ).
Điểm đầu tiên dễ nhận ra ở Nobita là sự nhạy cảm. Cậu thường xuyên cảm thấy buồn, bị tổn thương, thậm chí khóc lóc - điều mà không ít người lớn sẽ gắn nhãn là “yếu đuối”. Nhưng chính cái sự yếu đuối đó lại khiến Nobita đồng cảm với những người khác cũng đang tổn thương như mình.
Cậu nhận ra Shizuka buồn, cậu biết khi nào Doraemon đang giận, và ngay cả Chaien - đứa chuyên bắt nạt khi bị bạn bè quay lưng, Nobita vẫn là người đầu tiên đưa tay ra.
Cái “EQ” ở đây không phải là kỹ năng giao tiếp bóng bẩy hay khả năng lãnh đạo đội nhóm như người lớn vẫn hay khoe trên CV, mà là thứ trực giác cảm xúc thuần túy: biết ai đang buồn, ai đang bị bỏ rơi, và đủ tinh tế để không bỏ mặc họ.
Nhiều người không thích Nobita vì cậu hay khóc. Nhưng nếu để ý kỹ, những giọt nước mắt ấy không chỉ vì bản thân cậu gặp khó khăn, mà thường là vì cảm xúc dâng trào, vì một người bạn gặp chuyện không hay, vì thấy ai đó bị đối xử bất công, vì chính cậu làm điều sai và cảm thấy có lỗi.
Một đứa trẻ hay khóc thường bị dán nhãn “mít ướt”, nhưng nếu cha mẹ đủ kiên nhẫn, sẽ thấy bên trong đó là một thế giới cảm xúc cực kỳ phong phú. Càng nhạy cảm, trẻ càng có khả năng hiểu người khác, càng dễ trở thành một người bạn tốt. Như Nobita vậy.
Điểm chạm lớn nhất về EQ của Nobita, chính là ở cách cậu giữ được những người bạn quanh mình. Shizuka - cô bạn mà bao nhiêu người mến mộ - vẫn chọn chơi thân với Nobita dù cậu học kém, hậu đậu. Doraemon - một robot từ tương lai, thông minh và lạnh lùng - cuối cùng cũng bị cảm hóa bởi tấm lòng chân thành. Và Chaien - đứa luôn bắt nạt cậu - lại có những lúc khóc vì cảm động, khi thấy Nobita không bỏ rơi mình lúc hoạn nạn.
Không ai chọn Nobita vì cậu giỏi, mà vì ở bên cậu, người ta cảm thấy được yêu thương. Khi bạn không phải cạnh tranh, không bị so sánh, không cần chứng minh mình hơn ai, đó mới là tình bạn thực sự. Và đó cũng là điều EQ tạo ra, chứ không phải IQ.
Trong thế giới thật, có rất nhiều đứa trẻ giống như Nobita: điểm kém, hậu đậu, bị thầy cô nhắc nhở và bị so sánh với “con nhà người ta”. Nhưng nếu chỉ nhìn vào bảng điểm, người lớn sẽ không bao giờ thấy được nét tính cách đáng quý ẩn sâu trong con mình.
EQ - trí thông minh cảm xúc - không hiện lên ở bài kiểm tra 15 phút, không có cột nào trong học bạ, cũng không thi đấu giành giải quốc gia. Nhưng chính nó mới là thứ khiến một đứa trẻ được người khác yêu quý, có bạn bè thật sự, và lớn lên thành người biết sống tử tế với thế giới.
Nếu một ngày nào đó, bạn thấy con mình không giỏi như mong đợi, đừng vội lo. Hãy để ý xem con có phải là đứa biết chia sẻ, biết quan tâm, biết cảm thông không. Vì cũng như Nobita, đôi khi thứ đáng trân trọng nhất ở một đứa trẻ không nằm ở IQ, mà là một trái tim đủ ấm để sưởi ấm cả những người giỏi hơn mình.