Thời điểm này thông tin về tuyển sinh năm 2021 có gì mới, nên đăng ký xét tuyển thế nào để tăng khả năng trúng tuyển, việc thay đổi nguyện vọng có gì khác với năm 2020… là những vấn đề khiến nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn nhất.
Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thì kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 giữ ổn định như năm ngoái, nội dung đề thi vẫn sẽ chủ yếu tập trung ở lớp 12.
Theo đó, thí sinh đăng ký tối thiểu 4 môn, bài thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Việc tổ chức thi, thanh tra thi vẫn như năm trước.
"Hiện nay, dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh đại học 2021 đã được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm ngoái.
Tuyển sinh đại học năm nay vẫn sẽ thực hiện giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường theo quy định về tự chủ đại học. Quy chế thi và tuyển sinh năm nay sẽ không có thay đổi lớn mà chỉ có một số điều chỉnh về kỹ thuật để kỳ thi diễn ra an toàn, đảm bảo công bằng và thuận lợi cho thí sinh trong tuyển sinh. Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết những nội dung dự thảo quy chế trong những ngày tới đây".
Còn ông Phạm Như Nghệ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021, đồng thời xét tuyển đại học, cao đẳng, phải nộp lệ phí tuyển sinh tại địa điểm đăng ký xét tuyển. Dự kiến, năm 2021 cách nộp lệ phí có thể thay đổi theo hướng thuận tiện hơn như qua tài khoản thí sinh.
Nhiều trường đại học bổ sung phương thức tuyển sinh mới, trong đó có hình thức phỏng vấn trực tiếp để xét tuyển nên thí sinh phải đọc kỹ thông tin về phương thức tuyển sinh mới.
"Đặc biệt, theo tôi trước khi quyết định đăng ký xét tuyển vào một trường hay một ngành nào đó, thí sinh cần phải nghiên cứu rất kỹ và đầy đủ đề án tuyển sinh của trường và ngành đó để tránh những đáng tiếc không nên có sau này.
Bên cạnh việc công khai đề án tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử, các cơ sở đào tạo đều có bộ phận thường trực thực hiện công tác tuyển sinh. Nếu chưa rõ điều gì thí sinh có thể gọi đến và hỏi trực tiếp. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh giải đáp thắc mắc khi đăng ký dự tuyển", ông Phạm Như Nghệ cho hay.
Được biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang cân nhắc thống nhất với các trường đại học, cao đẳng, Sở GD&ĐT về việc có thể cho phép thí sinh được đổi nguyện vọng nhiều hơn một lần.
"Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh có thể điều chỉnh tổ hợp xét tuyển của ngành học hoặc đổi ngành, trường xét tuyển. Bởi lẽ, sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một lần. Việc điều chỉnh này khiến không ít thí sinh hoang mang, đổi sai nguyện vọng. Năm nay, Bộ GD&ĐT cân nhắc có thể cho phép thí sinh được đổi nguyện vọng nhiều hơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh", ông Phạm Như Nghệ nói.
Ông Đỗ Văn Giang - Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH thì cho rằng vào ĐH là một ước mơ chính đáng. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi không như mình mong muốn. Có khi gia đình không đủ điều kiện lo cho con em học ĐH và cũng có em không đủ sức thi ĐH mà gia đình cứ ép phải thi...
"Đại học định hướng cho thí sinh đến một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai. Trước khi chọn các thí sinh cần tìm hiểu kỹ để chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực học tập và hoàn cảnh gia đình mình, đồng thời cần tìm hiểu thông tin thị trường lao động.
Hệ thống trường nghề chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học THPT hoặc THCS. Các em cũng có thể theo học chương trình vừa làm vừa học, hoặc học theo hình thức đào tạo từ xa cũng là lựa chọn không tồi. Giáo dục nghề nghiệp luôn mở cánh cửa đón người học. Các em đừng tự ti hay quá tự tin về năng lực bản thân mình, điều quan trọng là yêu nghề sẽ nên nghiệp", ông Giang cho hay.