Đặc sản trứ danh Việt Nam lên cơn sốt ở Trung Quốc, nhập hơn 1 triệu tấn/năm: "Cánh cửa" tỷ đô mở toang

Hữu Hiển, Theo Đời Sống Và Pháp Luật 22:11 17/01/2024
Chia sẻ

Trong số các loại đồ uống được ưa chuộng tại Trung Quốc, các sản phẩm làm từ dừa thường xuyên xuất hiện.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu dừa xanh của nước này đã đạt 1,07 triệu tấn vào năm 2022, gấp khoảng 6 lần so với 10 năm trước.

Theo trang tin Hongxing News (Trung Quốc), tại Triển lãm Ăn uống và Đồ dùng Khách sạn Quốc tế Thành Đô (Trung Quốc) được tổ chức vào tháng 8/2023, trong số các loại thực phẩm và đồ uống được trưng bày, các sản phẩm làm từ dừa cũng đã trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất. Bên cạnh nước dừa và nước cốt dừa, những loại thực phẩm kết hợp sáng tạo giữa dừa với trà, cà phê, kem… đã thu hút nhiều đại lý đến đề nghị hợp tác.

Đặc sản trứ danh Việt Nam lên cơn sốt ở Trung Quốc, nhập hơn 1 triệu tấn/năm: Cánh cửa tỷ đô mở toang - Ảnh 1.

Gian hàng của Yehao tại Triển lãm Ăn uống và Đồ dùng Khách sạn Quốc tế Thành Đô (Trung Quốc) 2023. Ảnh: Hongxing News

"Thật sự ngạc nhiên khi 'cơn sốt dừa có thể kéo dài được vài năm, nhưng nó cũng đã được dự đoán từ trước", đại diện gian hàng của thương hiệu Yehao cho biết tại triển lãm.

Theo đại diện này, đằng sau cơn sốt dừa là sự phổ biến của khái niệm thực phẩm có nguồn gốc thực vật và sự đa dạng của các loại đồ uống. Mặc dù sự cạnh tranh trong lĩnh vực đồ uống protein thực vật rất khốc liệt nhưng "tổng thị phần hiện tại chỉ là 20 - 30 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,8 - 4,2 tỷ USD), còn lâu mới bằng được thị phần của đồ uống có ga nên vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển".

"Gia tộc Dừa" tiếp tục mở rộng

Theo Hongxing News, trong hai năm qua tại thị trường Trung Quốc, "Gia tộc Dừa" không ngừng mở rộng, ngoài các sản phẩm mới là cà phê và trà dừa, nước cốt dừa và nước dừa cũng liên tục được đổi mới bao bì.

Theo thống kê của nền tảng dữ liệu doanh nghiệp Tianyancha (Trung Quốc), tính đến tháng 6/2023, đã có hơn 6.500 công ty tham gia vào lĩnh vực "dừa, nước dừa hoặc nước cốt dừa" tại Trung Quốc, và nhiều thương hiệu mới nổi cũng đã nhận được các khoản đầu tư khác nhau.

Mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm về dừa đang rất cạnh tranh, nhưng một số doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ mang lại lợi ích.

"Quảng cáo của mọi thương hiệu đều thực sự mang tính giáo dục thị trường, làm cho hình ảnh sản phẩm về dừa ăn sâu vào lòng người tiêu dùng", đại diện gian hàng của thương hiệu Yehao nói, đồng thời cho biết, nhận thức đầy đủ của người tiêu dùng về các đặc tính thuần khiết tự nhiên và có nguồn gốc thực vật của dừa đã tạo điều kiện tiên quyết cho sự phổ biến của nó.

"Kể từ vài thập kỷ trước, khi một số thương hiệu đưa ra khẩu hiệu 'Không hương liệu, chất tạo màu và chất bảo quản', người tiêu dùng đã dần hình thành ấn tượng 'Tốt cho sức khỏe và ngon miệng' về dừa, mở đường cho cơn sốt dừa hiện nay", ông nói.

Đại diện thương hiệu Yehao tin rằng, việc tiếp thị liên tục về dừa của nhiều thương hiệu khác nhau sẽ mở rộng quy mô thị trường và làm cho "chiếc bánh thị phần" lớn hơn, giúp các thương hiệu lớn và nhỏ đều dễ dàng giành được miếng bánh hơn. "Thị trường còn lâu mới bão hòa. Ở giai đoạn này, mở rộng quy mô thị trường là mục tiêu chung của ngành."

Đặc sản trứ danh Việt Nam lên cơn sốt ở Trung Quốc, nhập hơn 1 triệu tấn/năm: Cánh cửa tỷ đô mở toang - Ảnh 2.

Các sản phẩm chế biến từ dừa ngày càng đa dạng. Ảnh: Hongxing News

"Báo cáo nghiên cứu về dự báo triển vọng nghiên cứu chuyên sâu và đầu tư của ngành nước dừa Trung Quốc giai đoạn 2020 - 2025" cho thấy, nhu cầu về dừa của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ quả/năm, trong khi tỉnh Hải Nam – địa phương cung cấp dừa chính của Trung Quốc - chỉ có sản lượng vào khoảng 250 triệu quả/năm. Hiện nay, Trung Quốc phải nhập khẩu dừa từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và các nước khác.

Dừa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện có tổng diện tích trồng dừa lên đến 188.000 ha, sản lượng dừa đứng thứ 7 trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa hàng năm vượt 900 triệu USD.

Dừa được trồng tập trung chủ yếu ở vùng ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long với tổng diện tích vượt 130.000 ha.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA), dự kiến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa của Việt Nam tiệm cận 1 tỷ USD năm 2023 và triển vọng vượt 1 tỷ USD năm 2024.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bến Tre được xem là "thủ phủ" dừa của cả nước, tổng diện tích dừa toàn tỉnh ước tính là 78.310 ha. Hơn 70% dân số trong tỉnh có nguồn sinh kế chính là trồng dừa. Ngành dừa chiếm 20,69% tổng giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh và 42,51% doanh thu xuất khẩu của địa phương. Sản phẩm dừa Bến Tre đã được xuất khẩu tới gần 100 quốc gia và khu vực, trong đó có thị trường Châu Âu, Châu Mỹ và Trung Đông.

Trong đại dịch COVID-19, giá dừa Bến Tre giảm mạnh xuống còn 1.000 VNĐ/quả. Giá dừa đã tăng trở lại vào năm ngoái khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng ngành này vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức, một trong số đó là tình trạng dư cung.

Với nguồn cung dồi dào như vậy, nếu như dừa Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sẽ mở ra cơ hội lớn cho cho các địa phương trồng dừa. Sản phẩm thu hoạch sẽ có đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sản xuất dừa trong nước chuyên nghiệp, quy chuẩn hơn.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết hồi tháng 7/2023 rằng Trung Quốc có nhu cầu cao với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam và mong muốn kết nối, nhập khẩu quả dừa Việt Nam theo đường chính ngạch.

Báo Đại biểu Nhân dân đưa tin hồi vào tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tiến hành đàm phán kỹ thuật với phía Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Việt Nam vào thị trường này. Cũng trong thời gian này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi. Kết quả kiểm tra là căn cứ để ký Nghị định thư, mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc.

Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, vào tháng 8/2023, GACC đã gửi thư rà soát sản lượng để làm báo cao chung, tiến tới nghiên cứu xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Đến nay đàm phán đã đạt gần 60%, và tương lai chắc chắn thị trường tỷ dân này sẽ nhập dừa tươi của Việt Nam.

Đặc sản trứ danh Việt Nam lên cơn sốt ở Trung Quốc, nhập hơn 1 triệu tấn/năm: Cánh cửa tỷ đô mở toang - Ảnh 3.

Sản phẩm dừa Bến Tre đã được xuất khẩu tới gần 100 quốc gia và khu vực, trong đó có thị trường Châu Âu, Châu Mỹ và Trung Đông. Ảnh:

Công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống Huanlejia Food của Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 18,4 triệu USD để phát triển một dự án chế biến dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, theo hồ sơ của Huanlejia gửi Sở giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến (SHE) vào tháng 6/2023.

Huanlejia cho biết, cơ sở ở tỉnh Bến Tre sẽ sản xuất nhiều sản phẩm liên quan đến dừa, bao gồm nước dừa, nước cốt dừa và cơm dừa sấy khô. Các sản phẩm này sẽ được bán tại Việt Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Theo hồ sơ của Huanlejia gửi SHE, nhà máy chế biến dừa tại Bến Tre sẽ có diện tích gần 32.400 m2. Quá trình xây dựng dự kiến sẽ mất 7 tháng, bao gồm thiết kế, xây dựng, mua sắm thiết bị và thử nghiệm.

Trong tổng vốn đầu tư 18,4 triệu USD, hơn 4,8 triệu USD sẽ dành cho chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng, và gần 9 triệu USD dành cho đầu tư và lắp đặt thiết bị.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày