Ba năm trước, chị Mai thường kết thúc mỗi tháng với tình trạng "không rõ tiền đi đâu". Thu nhập ở mức khá – hơn 15 triệu đồng/tháng – nhưng cứ đến cuối tháng, tài khoản ngân hàng chỉ còn lại vài trăm nghìn. “Tôi không có thói quen hoang phí kiểu du lịch sang chảnh hay mua túi hiệu. Nhưng tôi rất dễ tiêu kiểu rỉ rả – vài trăm ngàn mua mỹ phẩm, vài trăm đặt đồ online, rồi uống cafe với bạn bè… tất cả cộng lại thành con số đáng lo”, chị Mai nhớ lại.
Sau một tháng đặc biệt tiêu hết 10 triệu nhưng không mua sắm gì lớn, chị Mai quyết định thay đổi.
Chị bắt đầu bằng việc ghi lại mọi khoản chi, từ 20.000 tiền gửi xe đến những đơn hàng online vài trăm nghìn. Ban đầu khá mất công, nhưng sau một tuần, chị bắt đầu nhận ra mô hình chi tiêu của mình:
- Khoản “ẩn” lớn nhất là các chi nhỏ lẻ: Trà sữa, cafe, đồ ăn đặt về khi làm việc khuya.
- Mỹ phẩm, dưỡng da bị trùng chức năng, mua theo đợt sale chứ không theo nhu cầu thực sự.
- Các món “tiện tay” như đồ lưu niệm, đồ decor nhỏ, hoặc hộp đựng đồ xinh xinh nhưng không dùng hết.
Sau khi theo dõi chi tiêu 3 tháng, chị Mai bắt đầu phân chia ngân sách theo tỷ lệ cố định, không lệch dù có rủ rê hay sale hấp dẫn.
- 40% cho ăn uống và sinh hoạt thiết yếu
- 30% cho tiết kiệm và dự phòng
- 20% cho bản thân: Mỹ phẩm, quần áo, trải nghiệm
- 10% cho “không dự kiến”: Cưới hỏi, quà cáp, tình huống phát sinh
Cách chia này giúp chị không cần kiểm tra tài khoản liên tục mà vẫn đảm bảo mọi nhu cầu đều được đáp ứng, từ cơ bản đến tinh thần.
Thay vì “bấm mua ngay vì thích quá”, chị Mai tự đặt nguyên tắc: Phải để món đó vào giỏ hàng ít nhất 48 giờ. Sau thời gian đó, nếu vẫn thấy cần và hợp lý, mới cho phép bản thân mua.
Điều này giúp chị tránh được ít nhất 3 món mỗi tháng từng là “chi tiêu cảm xúc”. Đặc biệt, chị cũng áp dụng nguyên tắc này với quần áo, túi xách, đồ gia dụng – những món dễ khiến phụ nữ U40 “vung tay” theo xu hướng.
Trải nghiệm chi tiêu có ý thức giúp chị Mai thay đổi cách nhìn về giá trị món đồ. Thay vì 3 chiếc túi 300 nghìn, chị chọn 1 chiếc 900 nghìn bền, đẹp, dùng được nhiều năm. Thay vì mua 5 lọ serum đang hot, chị dùng đúng 1 loại phù hợp, đầu tư vào quy trình dưỡng da hợp lý.
Nhóm chi tiêu | Trước khi thay đổi | Sau khi thay đổi |
---|---|---|
Ăn uống – sinh hoạt cơ bản | 3,5 triệu | 3,2 triệu |
Mỹ phẩm – làm đẹp | 2 triệu | 800 nghìn |
Quần áo – phụ kiện | 1,5 triệu | 500 nghìn |
Cafe – ăn vặt – đặt đồ | 1,2 triệu | 300 nghìn |
Khác (quà cáp, phát sinh) | 1,8 triệu | 700 nghìn |
Tổng | 10 triệu | 5,5 triệu |
Khi được hỏi điều gì thay đổi rõ rệt nhất sau hơn một năm chi tiêu có ý thức, chị Mai không nói đến con số trong sổ tiết kiệm mà là sự bình thản.
Sống tối giản không có nghĩa là sống kham khổ. Với chị Mai, đó là lựa chọn sống tỉnh táo hơn, để có được sự đủ đầy thực sự – không phải trong tủ đồ, mà trong tâm trí.