Đã thất nghiệp còn bị tiền điện nhà trọ "đè đầu cưỡi cổ"

Hải My, Theo Thanh Niên Việt 11:00 15/05/2025
Chia sẻ

Thất nghiệp còn gặp trúng mùa nóng, đã vậy tiền điện còn tăng, làm thế nào để “sống sót” đây?

Thách thức lớn nhất lúc này của hội thất nghiệp không phải là chưa kiếm được việc mà vì mùa hè đã chính thức gõ cửa. Nghe thì không liên quan lắm nhưng phân tích ra mới khiến nhiều người “khóc thét”. Bởi ai cũng nghĩ ở nhà tiết kiệm, không xăng xe, không cà phê văn phòng,... nhưng “ác mộng” lại là tiền điện tăng vào đúng thời điểm mùa oi bức.

Điều này khiến những ai nghỉ làm, thất nghiệp đang cảm thấy vô cùng áp lực vì hàng loạt chi phí cần chi trả dù thu nhập mỗi tháng 0 đồng.

Hết thời hưởng ké điều hoà công ty

Thất nghiệp cũng chia thành nhiều kiểu khác nhau khi có người bị cắt giảm, có người chủ động lựa chọn nghỉ việc để “xả hơi”, tìm hướng đi mới. Tuy nhiên dù thế nào thì không đi làm, chi tiêu tưởng giảm nhưng thực tế lại tăng mạnh khiến nhiều người hoang mang.

Mai Linh (24 tuổi) mới thất nghiệp được 2 tháng trở lại đây, trước đó, cô bạn làm công việc kế toán cho một công ty nhỏ ở quận Hà Đông, Hà Nội. Cũng vì là “newbie” gia nhập hội thất nghiệp nên Mai Linh khá sốc với hoá đơn mỗi tháng phải trả khi không còn đi làm nữa.

“Mình có một vài dự định riêng nên quyết định nghỉ công việc văn phòng, ở nhà tạm nghỉ ngơi. Tuy nhiên mới tháng đầu tiên sau nghỉ việc, mình khá sốc vì hoá đơn tiền điện gần như tăng gấp đôi. Ngẫm lại mới thấy bình thường mình đi làm 8 tiếng rồi, coi như ‘hưởng ké’ điện của công ty từ điều hoà, máy tính,... Lúc đấy mình chủ yếu chỉ dùng điện ở nhà từ khoảng 7h tối và 2 ngày cuối tuần. Còn từ lúc nghỉ việc, mình ở nhà fulltime, điều hoà bật cả ngày, bật TV cày phim, nấu bếp điện liên tục nên nhận hoá đơn mình cũng ngã ngửa” , Mai Linh bày tỏ.

Đã thất nghiệp còn bị tiền điện nhà trọ "đè đầu cưỡi cổ"- Ảnh 1.

Cũng chính vì vậy mà bước sang tháng thứ 3 thất nghiệp, Mai Linh đã quyết định phải hạn chế chi tiêu hết mức có thể. “Thời tiết Hà Nội thì chưa nắng nóng đỉnh điểm hẳn nhưng đổi lại rất oi bức và khó chịu. Nhưng để tiết kiệm thì mình đành không sử dụng điều hoà, mà chuyển sang dùng quạt. Mấy ngày gần đây trời buổi tối khá mát mẻ thì mình mở cửa sổ để phòng thoáng. Ngoài ra thì mình cũng chuyển sang nấu ăn 1 lần cho 3 bữa trong ngày luôn, ưu tiên những món mát mẻ, dễ chế biến để không phải bật bếp hay dùng lò vi sóng, nồi chiên quá nhiều” , Mai Linh nói về giải pháp của mình.

Cùng chung nỗi niềm này, Anh Quân (27 tuổi, TP.HCM) đã thất nghiệp 6 tháng nay, đang trong tình trạng gấp rút tìm việc cho biết mỗi ngày trôi qua đều rất áp lực, căng thẳng. Bởi thu nhập hiện tại đã đến mức “báo động”, không còn dư giả để “sống sót” trong mùa hè nắng nóng ở TP.HCM như nhiều năm trước.

Đã vậy, Anh Quân cho biết còn mới nhận tin nhắn từ cô chủ trọ, thông báo về giá điện tăng khiến anh bạn vô cùng stress. “2 tháng nay mình liên tục rải CV nhưng vẫn chưa may mắn có công việc fulltime mà chỉ là một vài việc lẻ, gọi là có đồng ra đồng vào thôi. Ngày nào mình cũng ôm laptop, bật đèn bàn cả ngày, điều hoà cũng xài không nghĩ ngợi. Nhưng sau khi thấy hoá đơn cùng thông báo tiền điện tăng mình bắt đầu chia khung giờ bật điều hoà, dùng quạt cây, laptop sạc đầy sẽ rút ra và dùng ánh sáng tự nhiên nhiều hơn” , Anh Quân nói.

Anh Quân cho rằng mùa nắng nóng ở TP.HCM luôn khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi nếu như không ngồi trong phòng điều hoà. Nhưng vì tình hình túi tiền “ét-o-ét” nên Anh Quân cắn răng chịu nóng, tính toán lại chi phí sinh hoạt để cố gắng “sống sót” đến khi có công việc ổn định.

Đã thất nghiệp còn bị tiền điện nhà trọ "đè đầu cưỡi cổ"- Ảnh 2.

Không còn bật điều hoà cả ngày, nhiều bạn trẻ chọn chịu nóng, sử dụng quạt cây để tiết kiệm tối ưu chi phí

Không bám trụ nỗi ở thành phố, quyết định trả nhà thuê về quê với bố mẹ

Sau 4 tháng nghỉ việc, Thu Huyền (25 tuổi) dự định sẽ chuyển hẳn sang làm freelancer. Tuy nhiên thay vì tiếp tục thuê nhà tại TP.HCM, Thu Huyền quyết định sẽ trả phòng và về quê ở cùng gia đình.

“Chi phí ở thành phố thực sự rất cao và nếu chưa có mức thu nhập ổn định mỗi tháng, xoay sở sẽ rất khó khăn. Ngoài tiền nhà phải trả hàng tháng thì tiền điện cũng là một thách thức lớn với ai thất nghiệp giống mình. Cứ ở nhà cả ngày là chắc chắn cuối tháng nhìn hoá đơn tiền điện mà muốn khóc luôn. Nên sau thời gian suy nghĩ, mình chọn về quê cùng bố mẹ”, Thu Huyền nói.

Cô bạn cho biết, vì chưa có ý định tìm công ty tại thành phố nên cố gắng “bám trụ” chỉ đang tự làm khó tài chính của bản thân. Thay vào đó, cô làm một vài công việc tự do tìm trên mạng, tiền thuê nhà trước đây chuyển sang đưa cho bố mẹ để lo thêm ăn uống, chi tiêu tại quê. Với cách chuyển hướng này, Thu Huyền cho biết mỗi tháng vẫn còn có thể dư ra 1 ít so với thời ở thành phố.

Đã thất nghiệp còn bị tiền điện nhà trọ "đè đầu cưỡi cổ"- Ảnh 3.

Trả phòng trọ, quyết định về quê là kế hoạch của một số bạn trẻ thất nghiệp

“Hồi trước kiếm được nhiêu là mình sẽ tiêu hết bấy nhiêu luôn. Thậm chí, có tháng còn phải vay chị gái khoảng 1 - 2 triệu đồng để sinh hoạt thêm nếu bị phát sinh. Giờ về quê ở với bố mẹ gần như không phải tiêu thêm gì quá nhiều nên mình còn có dư ra vài triệu để tiết kiệm. Về ý định trở lại thành phố thì mình hiện đang chưa tính tới, nếu có công việc toàn thời gian nào thích hợp và có thu nhập tốt, mình sẽ suy nghĩ” , Thu Huyền nói.

Không lựa chọn về quê nhưng Tuyết Nga (28 tuổi) cũng đang trong quá trình thanh toán hợp đồng phòng thuê của mình, để chuyển sang ở chung với chị gái cho tiết kiệm. “Trước vì muốn một không gian sống riêng tư, nên mình dọn ra thuê riêng một phòng nhỏ giá khoảng 5 triệu đồng/tháng. Gần đây thì mình nằm trong danh sách cắt giảm của công ty, nên cũng tính nghỉ xả hơi 1 thời gian mới kiếm việc mới. Chị gái thấy vậy rủ mình dọn về ở chung vì dù sao 2 người chia tiền sinh hoạt ra cũng đỡ hơn mà” , Tuyết Nga chia sẻ.

Đã thất nghiệp còn bị tiền điện nhà trọ "đè đầu cưỡi cổ"- Ảnh 4.

Cô bạn cũng cho rằng đây là cách thích hợp nhất trong thời điểm này để tiết kiệm tiền và cũng có thể xoay sở tại thành phố. Ngoài ra, những món đồ trong phòng trọ cũ không dùng đến, Tuyết Nga cũng sẽ thanh lý lại để tránh lãng phí.

“Đương nhiên là sẽ phải thay đổi để thích nghi nhưng nếu nhìn theo cách khác đi thì cá nhân mình thấy cũng không quá tiêu cực hay căng thẳng. Đây cũng là cơ hội để mình đánh giá lại cách chi tiêu và học hỏi thêm những bí quyết tiết kiệm, tiêu dùng thông minh hơn”, Tuyết Nga bày tỏ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày