Bệnh nhi ở TP.HCM, bị sốt, ho, tiêu chảy suốt 4 ngày không đỡ, gia đình đã đưa trẻ đến một bệnh viện gần nhà thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh nên được đặt nội khí quản thở máy. Trẻ được làm xét nghiệm và kết quả cho thấy trẻ mắc cúm A/H1N1 nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Trẻ được điều trị tích cực, thở máy, ECMO, kháng sinh, kháng virus, có cải thiện phục hồi sức khỏe. (Ảnh BVCC)
Lúc nhập viện, trẻ trong tình trạng tím tái, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) chỉ còn 80-82%. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy 2 bên phổi bị tổn thương, xẹp đỉnh phổi. Bác sĩ điều trị chẩn đoán trẻ bị viêm phổi nặng do cúm A/H1N1, chủng đại dịch 2009.
Trẻ nhanh chóng được điều trị tích cực, bao gồm cả đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng diễn tiến bệnh vẫn phức tạp, có biểu hiện nhiễm trùng nặng, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao. Các bác sĩ đã thay đổi một số phương án điều trị và điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan.
Sau 3 tuần được điều trị tích cực, tình trạng của trẻ dần cải thiện, cai được ECMO và cai máy thở, tỉnh táo tiếp xúc tốt.
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, thực tế cúm A/H1N1 cũng là một loại bệnh nhiễm siêu vi (virus cúm) thông thường và là loại cúm mùa xảy ra quanh năm.
Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 1-2 ngày trong môi trường nhiệt độ thường. Đặc biệt, trong môi trường ẩm, lạnh thì virus có thể tồn tại lâu hơn. Vậy nên, khi bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 ho, khạc khiến các giọt bắn có chứa virus bám trên các bề mặt vật dụng, đồ chơi... rất dễ lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh và gây nên các ổ dịch.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình và trường học cần thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi. Tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay thường xuyên, nên chủ động cho trẻ đi tiêm vaccine, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh và giáo viên cần theo dõi trẻ để phát hiện kịp thời các triệu chứng cảnh báo bệnh.