Bị kì thị trong chính môi trường của mình
Loretto Cunningham là một giáo viên 29 tuổi đến từ Tây Virginia, đã sống và dạy tiếng Anh ở Tokyo 5 năm nay. Cuộc sống của cô bị đảo lộn khi một đồng nghiệp vô tình tiết lộ giới tính thật của cô cho những người khác. Khi tin đồn lan ra, nhà trường ngay lập tức trấn an cô rằng, mọi việc sẽ không có gì thay đổi. Tuy vậy, cô vẫn cảm thấy không vui chút nào khi bị bàn tán và soi mói.
Nhưng đồng thời Cunningham cũng hiểu rằng, những rắc rối mà cô gặp phải chưa là gì so với những điều mà các học sinh của cô đang đối mặt, những học sinh đồng tính hoặc chuyển giới thuộc cộng đồng LGBT. Chúng phải chịu đựng vô số áp lực từ nhiều phía.
Cuộc diễu hành của những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới tại Tokyo.
Ở Mỹ và phương Tây, mọi người có tư tưởng thoáng hơn về người đồng tính. Nhưng ở Nhật Bản và các nước châu Á, người ta e sợ sự khác biệt, không dám thể hiện con người thật của mình. Biểu hiện đáng sợ nhất của kì thị không phải là những hành hạ về thể xác hay những lời mắng nhiếc, mà là sự cô lập. Nếu bạn là một người đồng tính ở Nhật, bạn hoàn toàn bị cô độc và luôn phải sống khép mình, nhất là khi bạn chỉ mới là một đứa trẻ.
Nhiều gia đình Nhật Bản với lối sống quy tắc cũng không chấp nhận việc con cái mình là người đồng tính. Những đứa trẻ sẽ bị xem là hư hỏng, bệnh hoạn, bị chối bỏ cả ở trường học lẫn trong gia đình.
Bà Akie Abe, người mặc váy trắng, phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tham gia một cuộc diễu hành của người đồng tính.
Mất phương hướng vì không có người sẻ chia
Cunningham đã trở thành chủ tịch chi nhánh Nhật Bản của Stonewall, một tổ chức nhân đạo đến từ Anh đấu tranh cho quyền lợi của các giới tính thiểu số. Cô chia sẻ: "Người Nhật sống theo phương châm ‘nếu không được hỏi thì không cần trả lời’. Nhưng sẽ ra sao nếu đó chỉ là những đứa trẻ còn đang băn khoăn về giới tính thực sự của mình, mà lại không nhận được bất kì một sự hướng dẫn hay lời khuyên nào?"
Trong khi đó, hệ thống giáo dục Nhật Bản cũng từ chối đưa kiến thức về LGBT vào chương trình học. Tuy các trường học đã được yêu cầu rộng mở đón nhận các học sinh LGBT, nhưng các giáo viên lại không hề được chuẩn bị kiến thức và tâm lí để hỗ trợ học sinh trong vấn đề này.
Bức tranh của một em bé vẽ gia đình với 2 người mẹ.
Nhiều học sinh chia sẻ với giáo viên để tìm kiếm lời khuyên và sự định hướng, nhưng giáo viên lại đi tiết lộ câu chuyện cho cha mẹ chúng hoặc bạn bè xung quanh. Kết quả là những đứa trẻ đó cảm thấy mất niềm tin và có những phản ứng tiêu cực.
Theo thống kê, số lượng học sinh tìm đến các nhóm hỗ trợ đặc biệt cho người đồng tính đang gia tăng đáng kể, sau khi phải hứng chịu vô vàn những lời chỉ trích từ gia đình và lời trêu chọc của bạn bè.
Một cuộc khảo sát trong ngành giáo dục năm 2013 ở Nhật cho thấy, chỉ có 600 học sinh lên tiếng với nhà trường rằng, chúng cảm thấy khó chịu bởi giới tính được ghi trong học bạ. Đó chỉ là một phần nhỏ của đại đa số những học sinh không dám lên tiếng khẳng định giới tính của mình vì lo sợ.
Những sự thay đổi đầu tiên
LGBT chỉ mới trở thành một vấn đề đáng quan tâm ở Nhật vài năm gần đây. Nhiều chiến dịch, sự kiện nâng cao nhận thức cộng đồng về LGBT đã được tổ chức. Và mọi thứ đang dần thay đổi.
Cunningham nói: "Các nhà chức trách đã đưa ra nhiều ý tưởng tốt cho môi trường học đường, nhưng khi thực hiện lại không mấy suôn sẻ.
Những quy tắc được ban hành gần như không có hiệu lực trong nhà trường. Thậm chí, các giáo viên thuộc cộng đồng LGBT cũng rất thận trọng khi tham gia vào chiến dịch vì lo ngại đời tư bị xâm phạm. Trong khi những người khác thì tham gia một cách miễn cưỡng vì không hiểu rõ các vấn đề phát sinh. Họ được cung cấp thông tin nhưng không trải qua một khóa huấn luyện bài bản nào."
Tomoya Hosoda - người chuyển giới đầu tiên được bầu vào Hội đồng Thành phố Iruma
Dù vậy, Tomoya Hosoda, người chuyển giới đầu tiên được bầu vào văn phòng nhà nước Nhật Bản vẫn tin rằng, tình hình đang được cải thiện và cuộc sống của các học sinh đồng tính sẽ tốt lên theo thời gian.
Anh cho biết, các hệ thống hỗ trợ đã được giới thiệu tại các trường học ở Nhật. Tuy nhiên vào thời điểm này, mỗi trường đang tự xem xét cách xử lí và thực hiện, nên chúng ta cần thêm một thời gian nữa để hệ thống này thực sự vận hành trên cả nước.
Ở độ tuổi 25, Tomoya Hosoda trúng cử vào Hội đồng Thành phố Iruma, phía bắc Tokyo. Anh xem vấn đề đấu tranh cho giới tính là một phần trong nền tảng chính trị của mình. Các chính sách của anh thừa nhận sự đa dạng về giới tính, độ tuổi, công nhận quyền bình đẳng của người khuyết tật hay nhiều thành phần khác trong xã hội.
LGBT cần có một hệ thống hỗ trợ trên toàn quốc để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho các học sinh đồng tính.
Anh cũng tin rằng, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để trẻ em không bị kì thị trong chính môi trường của mình. Hosoda muốn nâng cao hiểu biết về các vấn đề của LGBT trong cộng đồng và dự định mở một dịch vụ tư vấn ngay tại tòa nhà trụ sở thành phố, nơi các thanh thiếu niên có thể tìm đến khi gặp khó khăn với giới tính của mình.
Anh chia sẻ: "Trẻ em có quyền được tôn trọng nhân phẩm và được nuôi dưỡng ý thức cá nhân như bao người. Tôi muốn nhìn thấy những đứa trẻ đáng thương kia mỉm cười trở lại. Tôi muốn chúng có một tương lai tươi sáng hơn, tràn đầy niềm tin và hi vọng.
Sự thiếu hụt kiến thức về LGBT của các giáo viên đang là một vấn đề nghiêm trọng. Điều đó ngăn cản họ trò chuyện với học sinh của mình. Hơn ai hết, giáo viên là những người cần phải lắng nghe, thấu hiểu những cảm xúc của bọn trẻ, để chúng thấy hoàn toàn an tâm và tin cậy."