Cuộc sống của cư dân cuối cùng trong hang động nổi tiếng tại "Vương quốc của bầu trời"

Diệp Lục, Theo Thể Thao Văn Hóa 22:04 14/10/2022

Cuộc sống của những cư dân trong hang động Kome diễn ra êm đềm và là nơi thu hút nhiều khách du lịch đến để trải nghiệm.

Ẩn mình trong một ngọn núi đá ở vương quốc Lesotho, Nam Phi, là những ngôi nhà đặc biệt nổi tiếng trên thế giới. Một số ít các gia đình vẫn đang sống trong hang động Kome, một di sản ở phía Bắc của đất nước.

Hang động nổi tiếng

Lesotho là một quốc gia châu Phi nhỏ bé và tương đối biệt lập với phần còn lại do địa hình nhiều đồi núi. Đây là quốc gia miền núi cao, điểm thấp nhất ở đây là 1.400m so với mực nước biển.

Cuộc sống của cư dân cuối cùng trong hang động nổi tiếng tại Vương quốc của bầu trời - Ảnh 1.

Những ngôi nhà ẩn náu ở hang Kome.

Lesotho cũng là nơi duy nhất trên thế giới nằm hoàn toàn trên độ cao 1.000m so với mực nước biển và hơn 80% diện tích ở trên 1.800m. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Lesotho được gọi là "Vương quốc của bầu trời".

Hang động Kome (cũng có nhiều người gọi là Ha Kome) là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở vương quốc này.

Nơi đây rải rác nhiều ngôi nhà có thiết kế đặc biệt tựa lưng vào đá bazan. Cửa ra vào là một cổng vòm chỉ đủ cao để một người có thể đi qua được.

Các bức tường và sàn được làm bằng hỗn hợp bùn và một số hợp chất từ thiên nhiên, được bảo trì thường xuyên. Bên trong là những vật dụng cơ bản gồm chậu, xô nhựa để đựng nước và da bò để làm giường.

"Không có điện và không có tủ lạnh nhưng đây là nhà của chúng tôi, đó là lịch sử của chúng tôi" - Kabelo Kome (44 tuổi), hậu duệ của những người đầu tiên đến định cư tại hang động cho biết.

Các hang động trở thành nơi ẩn náu của các thành viên thuộc bộ lạc Basia và Bataung vào thế kỷ 19, khi xung đột và hạn hán nghiêm trọng tàn phá khu vực.

Cư dân của hang động Kome trồng ngô, cao lương và đậu, đồng thời chăn nuôi gà và gia súc để duy trì cuộc sống hàng ngày.

Những người cao tuổi nhận được trợ cấp của nhà nước, trong khi những người khác kiếm tiền từ việc họ cho khách du lịch sinh sống và trải nghiệm trong nơi ở của họ.

Địa điểm hút khách du lịch

Mamotonosi Ntefane, một bà mẹ ba con, sống ở hang động này 47 năm. Trong gần 5 thập kỷ, bà đã chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình với những du khách đến từ Lesotho, Nam Phi, châu Âu và các nơi khác trên thế giới.

Bà Ntefane rất vui khi được thừa kế một ngôi nhà thuộc về mẹ chồng và sẵn sàng ở trong hang động này đến hết đời.

Bà Ntefane cho hay những ngôi nhà trong hang động Kome không bị ảnh hưởng bởi mưa gió nên không có nhiều hư hại theo thời gian. Bà và người dân nơi đây rất vinh dự khi được đón tiếp khách du lịch tới tham quan hàng năm.

"Khách du lịch đến đây có ý nghĩa rất lớn đối với mọi cư dân ở Kome. Chúng tôi sẽ nhận được chi phí từ trung tâm bảo tồn khi đón khách du lịch. Mọi người thường đến từ tháng 1 - tháng 6 hàng năm. Hầu hết những người tới đây là sinh viên và giáo viên.

Còn lại từ tháng 7 đến cuối năm chủ yếu là khách du lịch cá nhân đến để khám phá. Họ muốn ăn uống và trải nghiệm cách chúng tôi tồn tại dưới những hang động này" - bà Ntefane chia sẻ.

Cuộc sống của cư dân cuối cùng trong hang động nổi tiếng tại Vương quốc của bầu trời - Ảnh 2.

Một số ít cư dân vẫn gắn bó với Kome.

Cuộc sống của cư dân cuối cùng trong hang động nổi tiếng tại Vương quốc của bầu trời - Ảnh 3.

Những căn nhà đơn sơ nhưng có sức hút rất lớn.

Người phụ nữ cho biết thêm: "Hằng ngày, chúng tôi đi kiếm củi và chuẩn bị thức ăn cho buổi tối. Khi mặt trời buông xuống, chúng tôi ngồi quanh đống lửa, kể cho họ nghe về tổ tiên của chúng tôi, những người đã đến đây đầu tiên".

Bà Ntefane cũng chia sẻ về cơ duyên để bà gắn bó với hang động này. Khi còn học tiểu học, bà đã lần đầu tiên tới Kome cùng với các bạn trong trường khi có chuyến tham quan trải nghiệm.

Họ đã được lắng nghe những câu chuyện thú vị về nơi đây. Kể từ đó, nhà trường thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ các cư dân ở hang động.

Khi lớn lên, bà quen với Teleka Ntefane, một hậu duệ của hang động này, đồng thời cũng là bạn học của bà.

Cặp đôi kết hôn năm 1975, kể từ ngày đó, bà Ntefane gắn bó với quê hương của chồng: "Tôi rất vui khi ở lại đây và mong muốn được trao lại tài sản thừa kế này cho thế hệ sau của chúng tôi".