Không đi làm nhưng cũng không thất nghiệp? Thoạt nghe, điều tưởng chừng vô lý này lại là chuyện hết sức dễ hiểu với những người làm việc tự do (freelancer).
Không thích ở nhà “mần việc” thì ôm máy ra quán cà phê, thậm chí là khăn gói đi du lịch cho có cảm hứng cày cuốc cũng được luôn. Làm việc tự do theo đúng nghĩa đen, chẳng bó buộc về địa điểm hay giờ check-in/check-out, chỉ cần thêm yếu tố “thu nhập ổn định” nữa là coi như hoàn hảo.
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm - kiến thức quản lý tài chính, một cô gái 25 tuổi ở TP.HCM đã tâm sự về cuộc sống khi làm việc tự do. Đọc xong những gì cô kể, nhiều người phải thốt lên: Cuộc sống bình dị nhưng mà đáng mơ ước quá!
Nguyên văn bài tâm sự của cô gái, như sau: “Em năm nay 25 tuổi, đang ở TP.HCM.
Ảnh minh họa
Em ra trường đúng đợt Covid-19 nên làm freelancer miết từ đó đến giờ. May mắn là em cũng hợp với kiểu làm ở nhà, hiện em đang làm từ xa cho 1 công ty nước ngoài trong mảng thiết kế xây dựng, thu nhập trung bình khoảng 20 triệu/tháng. Có tháng cũng hơn nếu em nhận thêm việc khác.
Sắp tới em có dự định học lên cao nên đang cố gắng cân đối thu chi như sau:
+ Tiền ăn: 1,5 triệu/tháng (em nhờ ba mẹ gửi đồ ăn từ quê lên nên đỡ được 1 phần)
+ Gửi về nhà: 3 triệu/tháng
+ Xăng xe: 200k/tháng
+ Thuê trọ: 3 triệu/tháng
+ Tích lũy mua vàng: 5 triệu/tháng
+ Chi phí phát sinh: 1 triệu/tháng (không cố định)
Tính sương sương thì mỗi tháng e tiết kiệm tối đa được 7 triệu. Nhờ anh chị góp ý và tư vấn giúp em xem cách chi tiêu vậy đã hợp lý chưa ạ?”.
Trong phần bình luận của bài đăng, mọi người đều cho rằng cách chi tiêu của cô rất hợp lý rồi, chẳng biết phải góp ý gì nữa.
“Còn trẻ mà giỏi quá, làm việc từ xa được cho công ty nước ngoài thì năng lực chắc cũng không có gì để chê. Chỉ có điều là nếu lệch múi giờ hay phải thức đêm thì nên suy nghĩ lại em à, còn trẻ còn sức thì chưa thấy vấn đề nhưng lâu dài thì không ổn, chị nghĩ vậy. Cân nhắc chuyện đó thôi chứ chi tiêu thì cũng không nên cắt giảm nữa” - Một người khuyên.
“Ôi đọc bài này thấy không có gì quá xa vời nhưng mà lại thấy ao ước quá. Làm freelancer mà thu nhập ổn, chi tiêu hợp lý thì đúng là đáng mơ ước thật…” - Một người cảm thán.
“Chi tiêu, tiết kiệm thì hợp lý rồi em ạ. Nhưng làm tự do thì nên cân nhắc mua bảo hiểm xã hội hoặc chí ít là mua cái bảo hiểm sức khỏe phòng khi ốm đau” - Một người khác khuyên.
Với những người đang làm các công việc tự do, lao động thời vụ, hoặc đơn giản là không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì BHXH tự nguyện chính là "của để dành" thông minh và an toàn cho tương lai
1 - BHXH tự nguyện là gì?
Hiểu một cách đơn giản, BHXH tự nguyện là hình thức bảo hiểm xã hội mà người lao động tự do lựa chọn tham gia để được hưởng các chế độ như hưu trí và tử tuất. Khác với BHXH bắt buộc, việc tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của người lao động.
Ảnh minh họa
Đây là một giải pháp hữu hiệu giúp những người không có hợp đồng lao động chính thức vẫn có thể tích lũy cho tuổi già và đảm bảo quyền lợi cho bản thân và gia đình khi không may gặp rủi ro. BHXH tự nguyện không chỉ là một khoản tiết kiệm mà còn là một sự đầu tư cho tương lai an tâm và ổn định.
2 - Muốn đóng BHXH tự nguyện thì phải làm sao?
Việc tham gia BHXH tự nguyện khá đơn giản và thuận tiện. Bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
- Đến cơ quan BHXH cấp huyện hoặc tỉnh nơi cư trú: Tại đây, bạn sẽ được cán bộ hướng dẫn cụ thể về thủ tục và cung cấp mẫu tờ khai tham gia BHXH tự nguyện.
- Chuẩn bị hồ sơ: Hồ sơ thường bao gồm Tờ khai tham gia BHXH tự nguyện (theo mẫu), căn cước công dân (bản sao có chứng thực hoặc bản chính để đối chiếu).
- Nộp hồ sơ và lựa chọn phương thức đóng: Sau khi hoàn tất tờ khai và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn nộp tại cơ quan BHXH. Tại đây, bạn sẽ được tư vấn về các mức thu nhập đóng và phương thức đóng phù hợp với khả năng tài chính của mình.
- Thực hiện đóng BHXH theo phương thức đã chọn: Bạn có thể đóng tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH, qua hệ thống ngân hàng hoặc các kênh thanh toán điện tử được BHXH Việt Nam chấp nhận.
3 - Mức đóng, hình thức đóng BHXH tự nguyện?
Mức đóng BHXH tự nguyện sẽ phụ thuộc vào mức thu nhập bạn lựa chọn để đóng và phương thức đóng.
Ảnh minh họa
- Mức thu nhập đóng: Bạn có thể tự chọn mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện, nhưng mức này thấp nhất phải bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện hành) và cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ sở. Mức thu nhập bạn chọn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền bạn phải đóng hàng tháng và cũng là căn cứ để tính hưởng các chế độ sau này.
- Tỷ lệ đóng: Hiện tại, tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện là 22% mức thu nhập tháng mà bạn chọn. Trong đó, 22% này sẽ được phân bổ để chi trả cho chế độ hưu trí và tử tuất.
- Phương thức đóng: Bạn có thể lựa chọn đóng BHXH tự nguyện theo các kỳ khác nhau, không nhất thiết phải đóng theo tháng. Các phương thức đóng phổ biến bao gồm:
+ Đóng hàng tháng: Đây là phương thức phổ biến nhất, giúp bạn chia nhỏ chi phí đóng
+ Đóng 3 tháng một lần
+ Đóng 6 tháng một lần
+ Đóng 12 tháng một lần
Việc lựa chọn phương thức đóng nào sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính và kế hoạch cá nhân của bạn. Đóng theo kỳ dài hơn thường giúp bạn chủ động hơn trong việc quản lý tài chính và tránh được việc phải thực hiện giao dịch đóng tiền hàng tháng.