Cuộc đua vào lớp 10 THPT tại Hà Nội "tăng nhiệt" sau khi tỉ lệ "chọi" được công bố

Công Luân - Thủy Tiên, Theo Người đưa tin 11:47 30/06/2020
Chia sẻ

Sau khi sở GD&ĐT Hà Nội công bố tỉ lệ “chọi” vào các trường THPT công lập (khối không chuyên) để học sinh và phụ huynh tham khảo, “sức nóng” của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thủ đô càng thêm căng thẳng.

Phụ huynh sốt sắng, học sinh lo lắng

Theo thống kê của sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay các trường công lập có tổng cộng 64.200 chỉ tiêu, trong khi có tới 88.928 thí sinh đăng ký dự thi (kể cả tuyển thẳng). Một số trường “top đầu” có hơn 1.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (NV1), nhiều thí sinh không khỏi lo lắng, thậm chí, quyết định đổi nguyện vọng để an toàn hơn.

Trong số 113 trường, top 4 trường có tỉ lệ “chọi” cao nhất là THPT Chu Văn An (1/3,44), sau đó lần lượt là THPT Kim Liên (1/2,59), THPT Yên Hòa (1/2,36) và THPT Nhân Chính (1/2,36). Đây đều là các trường nằm trong top có tỉ lệ “chọi” cao các năm trước, chủ yếu các thí sinh đăng ký NV1, rất ít NV2, nên cuộc đua vào nhóm trường này được dự báo sẽ rất gay gắt.

Em Vũ Thị Hồng, học sinh lớp 9 tại Hà Nội, cho biết: “Em đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Kim Liên, tỉ lệ “chọi” của trường năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước, có thể nói là “cao nhất lịch sử”. Áp lực một phần đến từ việc học online do dịch Covid-19, không đạt hiệu quả như học trực tiếp trên lớp”.

Trong một nhóm phụ huynh trên Facebook, không ít phụ huynh bày tỏ nỗi lo cho những “chú gà 2005” nhà mình.

Chị Trâm Anh, một phụ huynh bày tỏ: “Thấy sở GD&ĐT Hà Nội công bố tỉ lệ “chọi” mà tôi cũng hơi choáng váng. Đặc biệt, năm nay, tôi thấy mấy trường không thuộc “top đầu” cũng có quá nhiều thí sinh đăng ký…”.

Cuộc đua vào lớp 10 THPT tại Hà Nội tăng nhiệt sau khi tỉ lệ chọi được công bố - Ảnh 1.

Anh Bùi Ngọc Phúc, một phụ huynh khác, chia sẻ: "Cơ hội để có một suất vào trường công lập là vô cùng khó khăn. Theo ước tính, riêng kỳ thi năm nay sẽ có khoảng 38% số thí sinh phải vào dân lập học.

Bên cạnh đó việc chọn trường cũng là một quyết định mang tính "cân não", nếu phụ huynh và học sinh không tính toán kỹ, rất có thể, con thi tốt nhưng vẫn trượt".

"Mặc dù năm nay các con chỉ thi có ba môn, nhưng áp lực và "sức nóng" không vì thế mà giảm bớt. Có những trường ở "top 2" nhưng số thí sinh đăng ký lại tăng đột biến vì nhiều thí sinh tránh trường "top đầu". Lượng thí sinh tăng nhưng chỉ tiêu tuyển sinh không tăng, đương nhiên số lượng thí sinh trượt NV1 sẽ nhiều, trong khi có những trường số thí sinh đăng ký NV2 cũng cao hơn cả NV1 của trường đó.

Bài toán chọn trường đã khó khiến cho phụ huynh như "ngồi trên đống lửa", để giải tỏa áp lực tâm lý, nhiều gia đình đã chọn thêm các trường ngoài công lập như một phương án dự phòng, mặc dù để vào được các trường dân lập hàng "top" cũng không phải dễ dàng", vị phụ huynh này nói thêm.

"Trấn an" phụ huynh

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, bà Nguyễn Thu Hương - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay là một năm học đặc biệt, học sinh đã có một khoảng thời gian phải tạm dừng đến trường do dịch Covid-19, nên khi trở lại trường, bản thân các con có những bỡ ngỡ nhất định. Vì thế, các thầy cô phải vừa phải động viên, khích lệ các con ôn lại kiến thức cũ, vừa ổn định để bắt nhịp với kiến thức mới…

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức buổi họp phụ huynh và trao đổi để phụ huynh giảm bớt áp lực thi cử cho con, tránh tình trạng để con học thêm bên ngoài quá nhiều, không còn thời gian làm bài tập ở nhà; cũng như chăm sóc sức khỏe để đảm bảo cho các con yên tâm học tập".

"Hiện tại, chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là đến kỳ thi rồi, đây cũng là giai đoạn "nước rút", bản thân mỗi học sinh đều đang cấp tập ôn thi, cố gắng tập trung để nắm vững kiến thức.

Ở giai đoạn này, nhà trường cũng đã phân loại học sinh để phân chia kiến thức từ dễ đến khó, ôn luyện "cuốn chiếu" cho học sinh, tức là học đến đâu "ôn rút" đến đó. Trường cũng lựa chọn các thầy cô đảm nhiệm học sinh khối 9 là đội ngũ giáo viên tốt nhất, dày dạn kinh nghiệm. Đặc biệt, hiện tại, theo thời khóa biểu có 4 tiết học, nhưng những học sinh còn kém ở một số môn sẽ được ở lại kèm thêm vào tiết 5 - 6. Các thầy cô cũng dồn sức cho các bạn đang chấp chới trung bình, đảm bảo vượt qua kỳ thi", bà Nguyễn Thu Hương cho biết thêm.

Cuộc đua vào lớp 10 THPT tại Hà Nội tăng nhiệt sau khi tỉ lệ chọi được công bố - Ảnh 2.

Vị Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, kiến thức để ôn thi vào lớp 10 không phải chỉ gói gọn trong năm học lớp 9, đó là cả một quá trình suốt 4 năm học vừa qua. Theo bà, với sức học của học sinh trường THCS Nguyễn Du, so với một số trường khác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng khá tốt, nên hầu hết học sinh lớp 9 năm nay đăng ký vào các trường công lập, chỉ có một số rất ít học sinh đăng ký vào các cơ sở giáo dục thường xuyên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày