Cuộc "đổi ngôi" trong quan niệm trụ cột gia đình ở Trung Quốc: Ngày càng nhiều đàn ông chấp nhận ở nhà nội trợ chăm con toàn thời gian cho vợ đi làm

NEGRONI, Theo Helino 02:32 01/09/2019

Theo một cuộc khảo sát, đa số đàn ông Trung Quốc ngày càng ủng hộ việc trở thành một người cha toàn thời gian để ở nhà chăm sóc con cái và gia đình.

Theo SCMP, trong một cuộc khảo sát gần đây của Trung Quốc, nhiều người đàn ông Trung Quốc đã cởi mở hơn với ý tưởng trở thành những người nội trợ toàn thời gian như một sự thay đổi so với truyền thống từ trước tới nay.

Trong văn hóa của người Trung Quốc, việc người đàn ông nên là trụ cột của gia đình, trong khi việc chăm sóc trẻ em và nhà cửa là nghĩa vụ của một người phụ nữ. Tư tưởng này đã có từ rất lâu đời và đã in hằn sâu sắc lên văn hóa cuộc sống của người Trung Quốc.

Nhưng mới đây, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi China Youth Daily vào đầu tháng này cho thấy 52,4% nam giới được hỏi đã ủng hộ ý tưởng đàn ông có thể trở thành người nội trợ toàn thời gian. Tuy nhiên, con số ủng hộ thấp hơn ở phụ nữ, chỉ có khoảng 45,8% trong số họ ủng hộ ý tưởng này.

Cuộc đổi ngôi trong quan niệm trụ cột gia đình ở Trung Quốc: Ngày càng nhiều đàn ông chấp nhận ở nhà nội trợ chăm con toàn thời gian cho vợ đi làm - Ảnh 1.

Yu Xiang, một giáo viên trung học ở Thượng Hải có một cô con gái 6 tháng tuổi, anh nói rằng anh sẵn sàng làm một người cha toàn thời gian nhưng thực tế lại không cho phép vì vợ anh cũng là giáo viên, và vợ anh không kiếm đủ tiền để nuôi sống cả gia đình.

Anh cũng nói rằng vợ anh không hề vui khi để anh làm công việc nhà, thêm vào đó cô ấy thường trách mắng anh vì anh làm những việc đó không được đúng như ý của cô. Cô ấy cũng nói rằng cô ấy sẽ không cảm thấy thoải mái khi để một mình anh chăm sóc con gái. Cô ấy nói anh quá bất cẩn.

Robin Ge, một nhà quản lý tài chính từ Thượng Hải cũng thừa nhận rằng anhcó quan điểm cổ hủ hơn về các công việc gia đình. Anh là cha của một cậu bé 5 tuổi. Anh cho biết anh không chấp nhận ý tưởng trở thành một người cha toàn thời gian, chỉ ở nhà, ngay cả khi vợ anh là một nhân viên văn phòng có thể kiếm được nhiều tiền hơn anh.

Cuộc đổi ngôi trong quan niệm trụ cột gia đình ở Trung Quốc: Ngày càng nhiều đàn ông chấp nhận ở nhà nội trợ chăm con toàn thời gian cho vợ đi làm - Ảnh 2.

Robin Ge nói rằng: "Có lẽ tôi là một người đàn ông truyền thống của Trung Quốc. Tôi tin rằng đàn ông nên kiếm được nhiều tiền hơn phụ nữ. Tôi nhớ cha tôi đã nói với tôi nhiều năm trước rằng, địa vị của một người đàn ông trong gia đình được xác định bởi tình trạng kinh tế của anh ta. So với các bà mẹ toàn thời gian, tỷ lệ chấp nhận cho những người cha ở nhà trong cộng đồng là rất thấp.

Tôi đồng ý rằng một người cha chăm sóc những đứa trẻ sẽ có những lợi ích riêng, chẳng hạn như giúp cho đứa trẻ sống dũng cảm và có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một người đàn ông cần phải trở thành một người cha toàn thời gian. Những gì anh ấy nên làm là dành thời gian rảnh rỗi của mình để chăm sóc và chơi với đứa trẻ của mình."

Cuộc khảo sát đã hỏi 1987 người đã kết hôn, khoảng 89,2% trong số đó là các bậc cha mẹ. 60% số người được hỏi không đồng ý với quan điểm truyền thống về việc người chồng nên là trụ cột của gia đình. Một số phụ nữ cho biết họ phản đối ý tưởng về những người cha toàn thời gian. Số phụ nữ không ủng hộ quan điểm này là 30.9% trong khi đó số đàn ông là 28%.

Cuộc đổi ngôi trong quan niệm trụ cột gia đình ở Trung Quốc: Ngày càng nhiều đàn ông chấp nhận ở nhà nội trợ chăm con toàn thời gian cho vợ đi làm - Ảnh 3.

Một số người phụ nữ có chồng đã từ bỏ công việc của mình để ở nhà chăm sóc con cái thường được đánh giá cao những gì họ đã làm. Một người phụ nữ được hỏi nói rằng: "Tôi không nghĩ rằng một người đàn ông ở nhà là một thất bại trong cuộc sống. Sự hy sinh của anh ấy giúp tôi rất nhiều và tôi thực sự biết ơn sự hỗ trợ của anh ấy." Cô nói thêm rằng kiểu gia đình này sẽ ổn định hơn và mối quan hệ giữa vợ và chồng trở nên hài hòa hơn.

Zhang Baoyi, giáo sư xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Thiên Tân cho biết, ông tin rằng thái độ sẽ thay đổi khi xã hội phát triển.

Thực tế là các ông bố sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của con cái. Điều đó cho thấy tâm lý truyền thống rằng "chồng lo việc nước, vợ lo việc nhà" đang thay đổi. Ông Zhang cũng nói rằng nhiều phụ huynh nói chung đang sẵn sàng ở nhà để chăm sóc trẻ em toàn thời gian vì họ đang ngày càng coi trọng việc giáo dục con cái hơn là kiếm tiền.

Số lượng cha hoặc mẹ ở nhà toàn thời gian để chăm con đang ngày càng tăng. Ông Zhang cũng nói thêm, các cặp vợ chồng nên điều chỉnh mô hình gia đình theo điều kiện kinh tế và khả năng giáo dục con cái của mình.

(Theo SCMP)