Tuổi thơ và bước ngoặt số phận
Elisabeth sinh ngày 24 tháng 12 năm 1837, người trong gia đình gọi cô bé là Sisi. Ban đầu, Elisabeth không được sắp đặt để trở thành Hoàng hậu. Vinh dự này vốn thuộc về chị gái Helene của nàng, người đã được đào tạo từ nhỏ để đảm nhiệm vị trí này.
Elisabeth là con gái thứ hai của công chúa Ludovica và là cháu ngoại vua Ludwig I của Bavaria. Công tước Max, cha nàng, không mấy mặn mà với việc triều chính, ông dành thời gian cho nghệ thuật, các sân khấu và rạp xiếc.
Chính nhan sắc hơn người đã làm thay đổi số phận cô gái trẻ.
Ông làm thơ và rong ruổi trên lưng ngựa, điều này làm công chúa Ludovica rất phiền lòng. Tuy vậy, Elisabeth, khi ấy là một đứa trẻ mơ mộng, rất yêu quý cha mình. Người cha từng nói với cô: "Sisi yêu quý, nếu ta và con sinh ra không phải là người Hoàng gia, chúng ta có thể đang nhảy múa vô tư trong một rạp xiếc nào đó."
Năm 15 tuổi, Elisabeth cùng mẹ và chị gái Helene đến thăm người anh họ - Hoàng đế Franz Joseph của Áo. Họ cố tình tạo điều kiện để Hoàng đế gặp gỡ Helene. Trớ trêu thay, vị vua trẻ tuổi lại phải lòng Elisabeth. Dù không xinh đẹp bằng chị gái, Elisabeth lại sở hữu đôi mắt màu hạnh nhân hút hồn và mái tóc buông dài đến đầu gối. Hoàng đế đã thực sự bị cuốn hút bởi cô gái e thẹn, nhút nhát này.
Mái tóc dài màu hạt dẻ luôn là niềm tự hào của nàng.
Cuối cùng, ngài ngỏ ý với bà Ludovica rằng, muốn kết hôn với Elisabeth. Dù có hơi e ngại về trọng trách mà mình sắp phải đảm nhiệm, Elisabeth cũng không thể nào từ chối. Nàng quý mến Franz Joseph, nhưng ước gì ngài không phải là Hoàng đế.
Chuỗi ngày xa quê hương và đảm đương trọng trách Hoàng hậu
Ngày 23 tháng 4 năm 1853, hôn lễ được diễn ra. Từ những ngày đầu tiên trên cương vị Hoàng hậu nước Áo, Elisabeth đã hết sức khổ sở. Thân cô thế cô ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, nàng còn chịu sự giám sát cay nghiệt của mẹ chồng, người vốn không có thiện cảm với mình.
Khi Elisabeth hạ sinh đứa con đầu lòng là công chúa Sophie, mẹ chồng trách mắng vì nàng đã không sinh được con trai nối dõi. Tuy vậy, bà vẫn không để Elisabeth được gần gũi và nuôi dạy công chúa, lấy lí do rằng, Hoàng hậu còn quá trẻ và phong tục của hai vùng miền không phù hợp với nhau.
Năm 1853, Elisabeth kết hôn với Hoàng đế Franz Joseph của Áo.
Một thời gian sau, Elisabeth hạ sinh thái tử Rudolf, nhưng mối quan hệ vợ chồng giữa nàng và nhà vua bắt đầu xấu đi. Một trong số rất ít những việc chính trị mà nàng tham gia vào là khuyên chồng tách Hungary thành một quốc gia độc lập. Bởi một lẽ, nàng dành tình cảm đặc biệt cho Hungary, thậm chí còn đến đây mở một trường dạy cưỡi ngựa và dành thời gian cho các hoạt động từ thiện ở bệnh viện tâm thần.
Khi trở về Áo, nàng bắt đầu mắc chứng hoang tưởng. Nàng sợ bị nhòm ngó và luôn trốn sau những tấm màn che. Được nhân dân Hungary yêu quý bao nhiêu thì nàng bị người dân Vienna ghét bỏ bấy nhiêu vì lơ là trách nhiệm của mình.
Hoàng đế Franz Joseph cùng công chúa Gisela và thái tử Rudolf.
Cuộc hôn nhân đổ vỡ trong xót xa
Sau khi sinh người con thứ tư, công chúa Marie-Valerie, cuộc hôn nhân của Elisabeth và Hoàng đế xem như chấm dứt. Họ chỉ gặp nhau vào những nghi lễ hoàng gia hay những chuyến công du. Thậm chí Elisabeth còn có ý tác thành cho nhà vua và nữ diễn viên Katharina Schratt, thay mặt hoàng gia chấp thuận mối quan hệ này.
Vẻ đẹp và phong cách khiến Elisabeth được mệnh danh là Hoàng hậu đẹp nhất châu Âu.
Còn về bản thân mình, Elisabeth vẫn cô đơn lẻ chiếc dù nhiều người ngưỡng mộ và theo đuổi. Cho đến khi nàng gặp George Middleton, một người lính Scotland, trong một chuyến đi săn, người Áo vô cùng bức xúc khi Hoàng hậu của mình lại qua lại với một người có xuất thân tầm thường như vậy. Thái tử Rudolf cũng kịch liệt phản đối mối quan hệ này. Chính điều này đã gây sự rạn nứt trong tình cảm giữa hai mẹ con.
Nỗi đau mất người thân
Vào thời gian đó, quyền tự trị dành cho Ireland trong phạm vi nước Anh đang là một điểm nóng chính trị. Và chuyến đi của Elisabeth tới Ireland, dù chỉ là đi nghỉ mát, đã vô tình bị hiểu nhầm là ủng hộ Ireland. Điều này khiến mối quan hệ giữa Anh và Áo trở nên tồi tệ. Bà cũng khiến người dân tức giận khi đi săn vào ngày thứ tư lễ Tro.
Năm 1889, Elisabeth như sụp đổ khi nghe tin con trai bà – thái tử Rudolf và người yêu là Mary Vetsera đã chết trong một vụ tự sát bị nghi là mưu sát. Khi đó, mối quan hệ mẹ con của họ vẫn đang nguội lạnh. Bà đã phản đối cuộc hôn nhân của thái tử với công chúa Stephanie của Bỉ. Cuộc hôn nhân này chấm dứt sau khi họ sinh con gái đầu lòng. Ở tuổi 30, như cha mẹ mình, thái tử Rudolf tiếp tục đấu tranh cho ý tưởng độc lập của Hungary.
Hôn lễ của thái tử và công chúa Bỉ.
Sau cái chết của con trai, Elisabeth tiếp tục đón nhận tin dữ khi người anh họ là vua Ludwig II của Bavaria bị tuyên bố mắc chứng tâm thần và chết đuối sau đó. Em gái bà Sophie cũng vừa thiệt mạng trong một đám cháy ở Paris.
Bị giết hại tàn độc
Suốt quãng đời còn lại của mình, Elisabeth sống trong u buồn. Bà thường mặc đồ đen, thơ thẩn đi dạo một mình mà không muốn ai đi theo bảo vệ. Ngày 10 tháng 9 năm 1898, ở tuổi 60, Elisabeth bị một tên người Ý ám sát bằng một nhát dao xuyên tim.
Tên sát nhân này là Lucheni, hắn luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải giết chết một người trong Hoàng gia. Và cơ hội đã đến khi chuyến đi của Elisabeth được báo chí thông tin rầm rộ, dù chính bản thân bà đã muốn giữ kín. Hoàng hậu đã ra lệnh cho cảnh sát không túc trực tại khách sạn của bà, chính điều này đã tạo thời cơ cho tên sát nhân.
Khi đã lớn tuổi, Hoàng hậu không cho ai vẽ tranh hoặc chụp ảnh mình, giữ hình ảnh trẻ trung mãi mãi.
Sau khi Lucheni bỏ chạy, Elisabeth vẫn bình tĩnh trả lời rằng, vết thương của mình không nghiêm trọng. Có thể vì chiếc áo ngực quá dày khiến vết thương không chảy máu nên mọi người đã không nhận ra sự nguy hiểm của nó. Bà lên chiếc thuyền đang đợi sẵn để người ta đưa về khách sạn, nhưng đã tử vong khi tàu cập cảng. Elisabeth được được chôn cất trong hầm mộ của Hoàng gia ở Vienna.
Hoàng hậu Elisabeth của Áo đã luôn khao khát bình yên, nhưng cuộc đời bà lại là một chuỗi những bi kịch. Có thể bà đã hạnh phúc hơn nếu chỉ kết hôn với một thái tử bình thường như đã được an bài từ đầu, thay vì trở thành Hoàng hậu Áo. Cuộc đời vị Hoàng hậu xinh đẹp trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều bộ phim, nhạc kịch sau này.
Nguồn: Scandalouswoman