Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 26/06/2019

Go Eco HaNoi ra đời trong thời điểm chưa có bất cứ cửa hàng nào tại Hà Nội tự gọi mình là zero waste. Có thể mọi người tuy rất muốn mở cửa hàng theo hình thức không thải rác nhưng chưa chắc chắn khách hàng và thị trường Việt Nam liệu đã sẵn sàng cho cách mua sắm này.

Cửa hàng zero waste đầu tiên ở Hà Nội

"Xin chào, chúng tớ là cửa hàng zero waste - nghĩa là cửa hàng không thải rác đầu tiên của Hà Nội. Chúng tớ chuyên cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường với tiêu chí hạn chế tối đa việc phát thải rác. Chặng đường chắc chắn còn rất dài, nhưng rất mong các bạn ủng hộ nhé! Toàn bộ lợi nhuận của cửa hàng sẽ được dùng vào các hoạt động bảo vệ môi trường ạ".

Lời mở đầu dễ thương của Go Eco Hanoi - cửa hàng zero waste đầu tiên ở Hà Nội, khiến tất thảy những ai đọc qua đều dễ "xiêu lòng". Nhiều người ví von, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực và trên toàn cầu về chất thải nhựa đổ trực tiếp ra biển với 1,8 triệu tấn, còn Go Eco Hanoi chỉ là một cửa hàng bé xíu ở Hà Nội nhưng đã dám đương đầu để bảo vệ môi sinh bằng các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên. 

Đằng sau cánh cửa gỗ nhỏ, khép hờ, không dễ nhận biết ở địa chỉ 30 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, là một "thế giới" hoàn toàn khác: không túi nylon, không nhựa sử dụng một lần. Tại đây, bạn có thể tìm thấy nhiều sản phẩm phục vụ cuộc sống thường nhật, từ ống hút inox, cốc thủy tinh, xà phòng, bàn chải tre, nước rửa bát, nước giặt, đến các sản phẩm làm đẹp (kem chống nắng vật lý,...), các loại hạt, trà, nước hoa,... với chất liệu, bao bì thân thiện với môi trường.

Ghé thăm cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội. Thực hiện: Minh Nhân.

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 2.

Không gian nhỏ nhắn xinh xắn nép mình giữa phố thị của Go Eco Hanoi.

Bước vào bên trong, bạn sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng, trong trẻo nơi đây. 

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 4.

Các sản phẩm zero waste được bày bán, sắp xếp gọn gàng.

Đồ đạc được sắp xếp đơn giản, khoa học trong không gian 25m2. Các kệ hàng kê ngay ngắn, không gian lưu trữ được tận dụng tối đa. Tường cũng được sử dụng để treo túi, giỏ sản phẩm hoặc tranh ảnh quảng cáo.

Điều đặc biệt của Go Eco Hanoi, là bên cạnh việc cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường, cửa hàng không sử dụng bất kỳ một hình thức đóng gói nào không thân thiện! Bạn sẽ không thấy bất cứ một chiếc túi nylon nào, không túi giấy đựng đồ, không máy thanh toán, không in hóa đơn, thay vào đó là hóa đơn điện tử được gửi qua Facebook hoặc Email với khách hàng có nhu cầu.

Khách hàng đến với Go Eco Hanoi đều vui lòng đựng hàng trong túi vải tự mang theo bên mình. Hoặc không, họ sẽ được khuyến khích sử dụng chai lọ thủy tinh miễn phí để chứa sản phẩm, với mức tiền cọc 5000 đồng/chai/lần. Sau khi mang trả, khách sẽ được hoàn tiền. Hầu hết, mọi người đều hài lòng, vui vẻ với hình thức mua sắm này, dù phải trả thêm tiền để góp phần bảo vệ môi trường. 

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 5.

Các sản phẩm làm bằng gỗ thay thế các vật dụng có hại cho môi trường.

Bút tre, kem chống nắng vật lý, xà bông, bột giặt, chai lọ cho mượn,... tất cả đều mang "tham vọng" bảo vệ môi trường tốt hơn. 

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 7.

Các cốc thủy tinh kèm ống hút giấy thân thiện.

Hoặc bàn chải tre, ông hút trà sữa đều có mặt trên kệ sản phẩm. 

Ước mơ có thể bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì 

Cách đây một năm, Nguyễn Hoàng Thảo (SN 1985, Giảng viên khoa tiếng Nhật, Trường ĐH Hà Nội) mở ra Go Eco Hanoi, trong thời điểm chưa có bất cứ cửa hàng nào tự gọi mình là zero waste. Có thể mọi người tuy rất muốn mở cửa hàng theo hình thức không thải rác nhưng chưa chắc chắn khách hàng và thị trường Việt Nam liệu đã sẵn sàng cho cách mua sắm này.

Thảo quyết tâm tạo ra bước tiên phong, mở đường cho các cửa hàng khác được tạo ra, góp phần giúp người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rác thải nhựa nói riêng và sống thân thiện với môi trường nói chung. 

"Chúng mình xác định mục tiêu rõ ràng là được tạo nên để đóng góp vào xã hội, cho đến nay lợi nhuận thu được từ Go Eco Hanoi đều được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng như mở workshop, thu gom pin cũ, hỗ trợ tái chế, thư viện sách môi trường miễn phí... nên cũng được rất nhiều bạn trong cộng đồng ủng hộ" - Thảo nói.

Ngoài các loại đậu, hạt, trà hoa, quả, mật ong, nước giặt rửa, bột đánh răng.... Go Eco Hanoi nói chung và Thảo nói riêng, ấp ủ chung một ước mơ: có thể bán được hết tất cả các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống mà không cần bao bì. 

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 9.

Nguyễn Hoàng Thảo - "bà chủ nhỏ" của Go Eco Hanoi.

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 10.

Bản thân Thảo và Go Eco Hanoi từng nhận được giải thưởng "Vì một tương lai xanh".

Cách đây không lâu, Nguyễn Hoàng Thảo là đại diện của Việt Nam được đánh giá 1 trong 3 người phụ nữ Châu Á truyền cảm hứng về lối sống xanh, dù cô vẫn nghĩ mức độ zero waste của mình chưa phải là tuyệt đối. 

"Chắc sẽ có nhiều bạn có khi còn zero waste hơn mình nhiều, nhưng dù sao thì đó cũng là một cơ hội tốt để chia sẻ những suy nghĩ, hành trình đến với zero waste, các mẹo trong cuộc sống của bản thân mình đến với mọi người. 

Zero waste là một hành trình để học hỏi, suy ngẫm về bản thân cũng như môi trường xung quanh. Mình nghĩ mọi nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, nếu bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn thì đều đáng trân trọng, còn nếu chỉ theo xu hướng, "làm màu" thì trước sau gì họ cũng chán và đi theo trào lưu mới. Nếu có cái nhìn chưa mấy thiện cảm về zero waste, thì có lẽ là bạn đang hiểu sai nó thôi".

Zero waste nhiều khi bị dè bỉu là lối sống khá "lập dị" khi con người cố gắng "làm căng", ép mình vào những khuôn khổ không mấy hay ho. Đối với Thảo, đó là nếp sống văn minh nhất mà con người có thể có, để không làm ảnh hưởng đến môi sinh. Việc ra ngoài đi chợ mang theo vài cái hộp với túi đựng hay cố gắng cắt giảm các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong cuộc sống, sẽ chẳng có gì bị gọi là "lập dị" hay "khác biệt". Và nếu nó bắt nguồn từ nhận thức: Đây là việc tốt, việc đúng, việc cần phải làm cho chính mình và xã hội, thì nó sẽ rất nhẹ nhàng và đơn giản.

Đến với Go Eco Hanoi, bạn thoải mái đắm chìm trong không gian xanh, giảm rác thải. 

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 12.

Những bức tranh mang thông điệp bảo vệ môi trường.

WeDo Cuộc Chiến Trộm Nhựa (nằm trong khuôn khổ WeChoice) là một thử thách môi trường hoàn toàn khác mang trong mình sứ mệnh của các "phản anh hùng" bất bình với thực trạng rác nhựa.

Chiến dịch gồm chuỗi 30 thử thách nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người trẻ. Cuộc Chiến Trộm Nhựa đã chính thức bắt đầu, cùng theo dõi các thông tin từ chương trình tại website: https://cuocchientromnhua.wechoice.vn/ và đừng quên tham gia để có cơ hội trở thành những Kẻ Trộm Nhựa đình đám - những hiệp sĩ bảo vệ môi trường nhé!

Chiến dịch với sự đồng hành của AnEco – Tập đoàn An Phát Holdings trong hành trình sống xanh, thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người trẻ. AnEco là sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn (compostable) được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings.

Với thông điệp "Tớ không phải nylon" các sản phẩm túi bột ngô AnEco thu hút được đông đảo sự quan tâm của khách hàng tiêu dùng, và tăng niềm tin vào sản phẩm thay thế túi ni-lông. Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát là đơn vị Việt Nam duy nhất là thành viên Hiệp hội sinh học Châu Âu. Chi tiết xem tại http://www.aneco.com.vn/.

Cửa hàng zero waste đầu tiên tại Hà Nội: Ước mơ bán được tất cả các sản phẩm thiết yếu mà không cần bao bì - Ảnh 14.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày