Bệnh nhân 26 tuổi, ngụ tại TPHCM đến bệnh viện trong tình trạng nổi mụn nước ở vùng ngực, cổ bên phải gây nhiễm trùng, đau đớn. Theo bệnh sử, trước đó bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi, mất ngủ. Ngày thứ 3 kể từ khi phát bệnh, các dải ban tấy đỏ nổi lên ở vùng ngực và cổ bên phải sau đó vỡ ra khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị Zona ( Giời leo ). Ngày 13/12, sau gần một tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện khả quan. Tình trạng nhiễm trùng da của bệnh nhân đã được kiểm soát.
TS.BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Phó trưởng Ban điều hành Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, Zona là bệnh do vi rút Varicella-Zoster tái hoạt động. Đây chính là tác nhân gây bệnh thủy đậu , tuy nhiên khỏi vi rút vẫn tồn tại trong cơ thể dưới dạng tiềm ẩn trong các hạt thần kinh cảm giác. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, căng thẳng, lo âu, lão hóa, mắc bệnh mạn tính… thì vi rút sẽ tái hoạt động gây ra tổn thương trên da với các chùm bóng nước khiến người bệnh đau đớn.
Theo BS Thu Hương, cứ 3 người trưởng thành thì 1 người sẽ có nguy cơ mắc bệnh Zona trong đời, tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng theo tuổi tác, đặc biệt là nhóm tuổi sau 50. Tuy nhiên, những người dưới 30 tuổi mắc bệnh mạn tính, sử dụng thuốc điều trị nhóm corticoid, thức đêm nhiều cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Zona thường xuất hiện triệu chứng ở một bên cơ thể theo đường đi của thần kinh ở ngực, lưng, mặt, hoặc mắt. Da bệnh nhân ban đầu sẽ đỏ lên, phát ban, xuất hiện mụn nước thành từng chùm, chuyển sang màu đục, vỡ ra khiến bệnh nhân rất đau đớn.
Trong giai đoạn cấp tính bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ; thuốc giảm đau; điều trị tại chỗ để giảm tình trạng viêm tại vết thương, ngăn chặn nhiễm trùng. Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với biến chứng dai dẳng gây ra cơn đau dữ dội do đau thần kinh sau Zona; nhiễm trùng da, nhiễm trùng toàn thân, Zona mắt có thể gây ra mù lòa; viêm não, viêm màng não, liệt mặt, rối loạn tuyến giáp…
Để tránh nguy cơ mắc bệnh cộng đồng cần duy trì vận động, thể dục hàng ngày, tránh thức khuya, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, điều trị bệnh nền, không tự ý mua thuốc điều trị nếu chưa có chỉ định của bác sĩ…
Hiện nay, bệnh Zona đã có vắc xin phòng ngừa, đây là giải pháp an toàn, hiệu quả giúp bệnh nhân giảm nguy cơ mắc bệnh, trên 90% bệnh nhân tiêm phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh. Nhóm bệnh nhân đã tiêm ngừa Zona nếu chẳng may nhiễm bệnh thì sẽ giảm được nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.