Như đã biết, con tàu Ever Given được vận hành bởi Evergreen Marine hiện đang mắc kẹt ở kênh đào Suez từ ngày 23/3 và khiến cả thế giới phải chịu thiệt hại tới 400 triệu USD mỗi giờ trôi qua. Nhưng ít ai biết rằng, Evergreen Marine trước kia cũng từng gây ra một sự phụ làm ảnh hưởng đến thế giới, vào thập niên 1990.
Tàu Ever Given bị kẹt tại kênh đào Suez
Nhiều người tưởng Evergreen là tên của con tàu. Nhưng đó là tên của nơi vận hành
Cụ thể thì khi đó đã có một vụ tai nạn xảy ra, khiến 2 container chở hơn 28.000 đồ chơi nhựa rơi xuống biển - theo phóng viên Donavan Hohn, tác giả một cuốn sách về sự vụ này được đưa ra vào năm 2011. Số đồ chơi ấy đã trôi nổi trên khắp đại dương, vẫn dạt vào bờ trong suốt 15 năm kế tiếp.
Con tàu sau đó được xác nhận là Ever Laurel, vận hành bởi Evergreen Marine. Tuy nhiên, nguồn gốc của số đồ chơi này vốn là một điều bí ẩn cho đến khi Hohn xâu chuỗi và khám phá ra nó.
Sau khi tai nạn xảy ra, hàng trăm món đồ chơi nhựa đã dạt vào bờ biển trên khắp thế giới, khiến giới khoa học phải bước vào điều tra.
2 nhà hải dương học - Jim Ingraham và Curtis Ebbesmeyer đã cùng nhau lập nên một mô hình dòng biển, nhằm truy vết các món đồ chơi ở biển Bắc Thái Bình Dương. Đây cũng chính là mô hình từng giúp họ tìm ra 200 đôi giày của hãng Nike bị mất tích trong khi vận chuyển lô hàng 80.000 đôi trên biển.
Những món đồ chơi trôi nổi trên biển cũng do một vụ tai nạn liên quan đến Evergreen
Việc sử dụng mô hình này, kết hợp với hành trình hàng hải tàu thuyền, Hohn lần ra nguồn gốc của số đồ chơi ấy là tàu Ever Laurel. Con tàu rời Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 6/1/1992, cập bến Tacoma (Washington, Mỹ) vào ngày 16/1. Kể từ đó, những món đồ chơi đã dạt vào bờ biển nhiều nơi trên thế giới. Lần gần nhất chúng dạt bờ là vào năm 2007, tại Anh.
Trong quá trình theo dõi những món đồ chơi này, Hohn nhận ra một vấn đề lớn hơn, đó là cơn bão rác nhựa đang tích tụ trong các đại dương.
"Khi theo dõi số đồ chơi này, tôi đã không nghĩ nó sẽ trở thành một câu chuyện về môi trường. Không giống như các loại rác khác, rác nhựa trường tồn. Chúng sẽ tồn tại hàng thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ, vì chúng không phân hủy."
Trên đại dương có những khu vực nơi dòng chảy xoáy vào trong, thu thập toàn bộ những gì trôi nổi trên bề mặt ở đó. Chúng được gọi là "những vùng rác", bởi ở đó ngập rác thải, rác nhựa và đồ chơi.
"Khi nghe đến vùng rác, tôi tưởng tượng đó là một thứ gì đó rất dày đặc, giống như bãi rác vậy. Nhưng không phải thế. Bạn sẽ không thể chụp ảnh nó đâu, vì nó không tồn tại. Thứ thực sự ở đó là số rác nhựa khổng lồ ngoài kia, di chuyển qua hàng triệu dặm đại dương. Một số nổi trên bề mặt, một số chìm xuống dưới."
Một số có thể phân rã thành những mảnh nhỏ hơn, và rồi lọt vào chuỗi thức ăn, gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.