Xu hướng kinh doanh này dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian dài phía trước. Nhưng, nếu không tích lũy đủ nội lực, môi trường kinh doanh này cũng đào thải rất khắc nghiệt.
Tự tin chọn lối đi riêng
Tháng 9/2016, Nguyễn Kiên Giang, chàng trai trẻ đất Hà thành tốt nghiệp cùng lúc hai bằng đại học của Đại học Ngoại ngữ và Đại học Kinh tế. Đứng trước ngưỡng cửa tương lai, Giang gây sốc với cả gia đình khi quyết định cùng hai người bạn của mình, vốn cũng sở hữu bằng thạc sĩ, lên Shopee mở gian hàng, bắt đầu kinh doanh qua mạng. "Thời điểm đó, kinh doanh online chưa bùng nổ như hiện nay nhưng đã manh nha xu hướng. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng to lớn của phương thức kinh doanh này cũng như con đường riêng để phát triển", Giang nói.
Danh mục sản phẩm đa dạng, bố cục rõ ràng, hình ảnh bắt mắt... là một trong những lợi thế giúp Hufuholic thu hút người dùng ngay lần đầu ghé thăm gian hàng
Tham gia các hội chợ chuyên ngành mỹ phẩm tại các quốc gia lân cận, Giang cùng với cộng sự của mình nhận thấy, có những thương hiệu riêng của Hàn Quốc, Nhật Bản… được người dùng nội địa rất ưa chuộng. Với lợi thế thông thạo ngôn ngữ, những bạn trẻ này nhanh chóng tiếp cận nhà sản xuất. Càng hiểu về sản phẩm, họ càng tự tin. Nhưng, phải hai tháng sau đó, Hufuholic, trang phân phối mỹ phẩm nội địa của Hàn Quốc, Nhật Bản… mới ra đời. Nguyên nhân là ba bạn trẻ ấy phải dành thời gian tham gia các cộng đồng mua hàng online như Shopee Uni Việt Nam, Nghiện Shopee, Cháy túi vì Shopee… để nắm bắt được nhu cầu, thói quen dẫn đến quyết định mua hàng của người dùng.
Các diễn đàn trao đổi như Shopee Uni, Nghiện Shopee... luôn là nơi chia sẻ và học hỏi các bài học thực tế, có thể vận dụng vào công việc kinh doanh trực tuyến trên sàn TMĐT
Nhờ đầu tư nghiêm túc và đầu tư thời gian tìm hiểu người dùng, bốn năm sau đó, Hufuholic đã là một trong những shop bán hàng tiêu biểu với khả năng chốt đơn cao hơn kỳ vọng và doanh số cao gấp 5 lần so với năm đầu tiên bán hàng online trước đó.
Theo người sáng lập Hufuholic, nhờ liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ, các sàn đã cung cấp gần như toàn bộ công cụ hỗ trợ cho việc bán hàng online, nhiệm vụ của người bán chỉ cần tập trung phát triển mạng lưới đối tác, nâng cao dịch vụ, sản phẩm… Trong đó, quan trọng nhất là công tác chăm sóc khách hàng. Giang kể, Hufuholic luôn cố gắng giữ đúng cam kết đối với khách hàng, đảm bảo từ chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói đơn hàng và đảm bảo giao hàng cho bên vận chuyển đúng quy định. "Trải nghiệm bán hàng online của chúng tôi cho thấy, việc giữ đúng cam kết với khách hàng, kể cả là thời gian giao hàng cũng vô cùng quan trọng trong môi trường kinh doanh này", anh Giang nhận xét.
Thử sức kinh doanh bằng trải nghiệm của bản thân
Bắt đầu có phần chậm trễ hơn, mãi đến khi có con đầu lòng mới tham gia kinh doanh online nhưng chị Đoàn Thị Thùy Dung, lại có lợi thế về dòng sản phẩm. Từ nhu cầu của bản thân, chị tìm hiểu nguồn hàng vật dụng chăm sóc mẹ và bé phục vụ thị trường nội địa Nhật, Hàn… rồi bén duyên với kinh doanh trên Shopee. "Mô hình này có nhiều lợi thế như tiết kiệm chi phí mặt bằng, có thể tiếp cận với nhiều khách hàng. Đặc biệt trong dịch bệnh, dù có bị trục trặc do nguồn hàng không lưu thông thuận lợi nhưng kênh bán hàng này vẫn giúp người bán tiếp cận khách hàng hữu hiệu", chị nói.
Công việc kinh doanh online mở ra nhiều cơ hội cho mẹ bỉm, vừa có thời gian chăm sóc trẻ nhỏ vừa có thể phát triển công việc riêng ngay tại nhà
Mở shop với xuất phát điểm chỉ là một "bà mẹ bỉm sữa", chị Dung cho biết, mình được hỗ trợ từ các chương trình đào tạo của Shopee. Hoạt động tổ chức các khóa học, chia sẻ các công cụ hỗ trợ kinh doanh cũng như các diễn đàn chia sẻ câu chuyện thực tế giúp các nhà bán hàng có thể học hỏi cách thức vận hành gian hàng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng. Nhờ vậy mà công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi. Trung bình, chị chốt hơn hàng trăm đơn hàng mỗi ngày Vì điều này mà chị Dung ngày càng tự tin hơn với lựa chọn của mình, cả gia đình đều tham gia kinh doanh online và đặc biệt là trên Shopee, kênh chiếm 80% trong tổng số đơn hàng của chị.
Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương phát hành khẳng định, năm 2019, không tính các dịch vụ như spa làm đẹp, các khóa đào tạo trực tuyến… các sản phẩm được mua trên mạng nhiều nhất hiện nay là sách, văn phòng phẩm, quà tặng, thiết bị công nghệ, điện tử, thực phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình, mẹ và bé và quần áo, giày dép, mỹ phẩm…
Tìm hiểu nhiều kênh bán hàng, theo chị Dung, lợi thế lớn nhất trong việc bán hàng trên Shopee, không chỉ là cơ sở hạ tầng phát triển, cùng tệp người dùng lớn mà là sự hỗ trợ đắc lực của nền tảng TMĐT này trong việc bắt kịp xu hướng tiêu dùng và công cụ marketing hiệu quả. Hiện Shopee là đơn vị khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng thị trường, kịp thời tư vấn cho chủ shop tiếp cận khách hàng chị nhận xét: "Tôi ấn tượng với cách Shopee tạo nên trào lưu, đón đầu những thay đổi rất nhanh từ khách mua hàng. Là nhà bán hàng trên Shopee, tôi hiện dành nhiều thời gian để nghiên cứu và ứng dụng các công cụ hiện có của Shopee như: livestream, quảng cáo từ khóa... để tăng khả năng tiếp cận khách hàng trong thời gian tới. Môi trường nào càng năng động, càng tiềm năng, tính cạnh tranh giữa các nhà bán hàng cũng sẽ tăng cao".
Theo báo cáo gần đây của Facebook và Bain & Company, mức độ tiếp nhận của người tiêu dùng kỹ thuật số ước tính sẽ vượt dự báo năm 2025, đạt 310 triệu người dùng vào cuối năm 2020. Qua đó thể hiện vai trò đáng kể của TMĐT khi mang lại phương thức mua sắm tối ưu, thuận tiện và liền mạch nhằm đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.