Công chúa Mako đón tuổi 30 trước khi lên xe hoa với hôn phu, sắp sửa thoát khỏi "chiếc lồng son" và cuộc sống áp lực nơi cung cấm

Diệp Lục, Theo Pháp luật và Bạn đọc 13:15 23/10/2021

Với Mako, trở thành một Công chúa không phải là điều tuyệt vời nhất mà thứ đáng giá hơn cả đó chính là Tự Do.

Vào ngày hôm nay (23/10), Công chúa Mako chính thức bước sang tuổi 30, đây cũng là sinh nhật cuối cùng của cô với tư cách là một thành viên của gia đình hoàng gia trước khi cô kết hôn với bạn trai thường dân. Hoàng gia Nhật cũng đã chia sẻ những bức hình mới nhất của Công chúa để kỷ niệm dịp đặc biệt này.

Trước đó vào chiều ngày 22/10, Công chúa Mako đã diện kiến Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Đây là một trong các nghi thức cần thực hiện trước đám cưới với hôn phu thường dân Kei Komuro vào tuần tới. Hôn lễ của công chúa sẽ không thực hiện một loạt nghi lễ truyền thống bởi áp lực của dư luận.

Bộ ảnh mừng sinh nhật tròn 30 tuổi của Công chúa Mako vào ngày hôm nay

Công chúa Mako đón tuổi 30 trước khi lên xe hoa với hôn phu, sắp sửa thoát khỏi chiếc lồng son và cuộc sống áp lực nơi cung cấm - Ảnh 2.

Mako tới diện kiến Nhật hoàng và Hoàng hậu chiều 22/10

Theo Kyodo, Công chúa Mako đã gặp Nhật hoàng và Hoàng hậu cùng con gái duy nhất của họ, Công chúa Aiko, trong khoảng một tiếng. Mako lựa chọn bộ trang phục màu xanh thanh nhã và đeo trang sức ngọc trai. Theo kế hoạch, một ngày trước đám cưới, cô cũng sẽ gặp ông bà mình - Thượng hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko - vào ngày 25/10.

Áp lực của Công chúa

Sunagawa, người quen biết với Công chúa Mako từ thời đại học, cho biết cô rất đồng cảm với Công chúa Mako khi kết hôn ở tuổi 30, cô mô tả đây là thời điểm "rất căng thẳng". Người bạn này cho biết: "Ở tuổi cô ấy, cộng với việc không thể tự do hẹn hò, tạo thêm rất nhiều áp lực. Tôi cũng từng trải qua điều tương tự".

Không phải đến khi đính hôn với một thường dân, Công chúa Mako mới làm những việc được xem là bất thường đối với một người thuộc hoàng gia. Trước đó, cô quyết định theo học Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo, một trường nghệ thuật tự do tư nhân nổi tiếng với phương pháp giáo dục toàn cầu. Khi đó, Công chúa Mako gây chấn động dư luận khi trở thành thành viên hoàng gia đầu tiên đăng ký học tại trường đại học tư thục, thay vì Đại học Gakushuin - một học viện cao cấp, nơi tất cả người thân của cô đều theo học trước đó.

Công chúa Mako được xem là có nhiều điểm giống với Meghan Markle, Nữ công tước xứ Sussex của hoàng gia Anh. Meghan cùng chồng là Hoàng tử Harry, rời khỏi hoàng gia Anh.

Mako được ví giống với Meghan muốn phá bỏ các quy tắc hoàng gia

"Sự thách thức tương đồng của hai người phụ nữ đã chứng minh rằng có rất nhiều hạn chế vẫn còn áp đặt lên hoàng gia", Akira Yamada, giáo sư tại Đại học Meiji, người nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, nói.

Giáo sư Yamada cho biết thêm vì gia đình hoàng gia có vị trí đặc biệt trong xã hội Nhật Bản đồng nghĩa với việc các thành viên không có các quyền giống như những người dân Nhật Bản khác được hưởng. Họ luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ phía dư luận. Đối với các thành viên nữ của hoàng gia, tình hình thậm chí còn phân biệt đối xử hơn, họ sẽ phải rời khỏi hoàng gia nếu kết hôn với thường dân.

Bản thân Công chúa Mako cũng phải hứng chịu búa rìu của dư luận vì đơn giản người cô chọn làm chồng không phù hợp với quan điểm của đại đa số người dân. Chuyện trăm năm cả đời của Mako, không chỉ đơn thuần là chuyện của bản thân cô, gia đình cô mà nó là là chuyện của cả dư luận. Cách thời điểm diễn ra đám cưới của công chúa vài tuần, một số người thậm chí đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc hôn nhân.

Khao khát tự do

Khi quyết định kết hôn với bạn trai 9 năm Kei Komuro, Công chúa Mako cũng cho biết sẽ không nhận khoản tiền hồi môn trị giá hàng chục tỷ đồng. "Cô ấy muốn sống một cuộc sống bình thường, có thể tự đưa ra quyết định với tư cách là một người phụ nữ và kết hôn vì tình yêu", giáo sư Yamada nhận định.

Người bạn Sunagawa cũng đồng cảm với những khó khăn về mặt tinh thần mà Công chúa Mako đã phải trải qua. "Nếu đang sống như một phụ nữ ở Nhật Bản, bạn hẳn đã bị xã hội hoặc gia đình đẩy vào những chuẩn mực giới tính này. Đối với Công chúa Mako, cô ấy đối mặt những áp lực ấy từ cả giới truyền thông", giáo sư cho biết.

Công chúa Mako đón tuổi 30 trước khi lên xe hoa với hôn phu, sắp sửa thoát khỏi chiếc lồng son và cuộc sống áp lực nơi cung cấm - Ảnh 4.

Sau gần bốn năm chờ đợi, Mako và Komuro cuối cùng cũng làm đám cưới vào ngày 26/10. Đám cưới này không chỉ kết thúc gần bốn năm bị chỉ trích gay gắt của công chúng mà còn giải thoát Công chúa Mako khỏi chiếc "lồng vàng hoàng gia". "Công chúa sẽ rời bỏ 'chiếc lồng vàng' và vươn mình ra ngoài, nơi cô đủ tự do làm điều mình yêu thích", ông Yamada nói.

"Có rất nhiều người ở Nhật Bản cảm thấy day dứt vì thực tế họ không thể nói chuyện tự do hoặc kết hôn với người họ muốn. Hành động của Công chúa Mako đang gửi đi thông điệp rất mạnh mẽ rằng bạn có thể sống cho chính mình", giáo sư Yamada nhận xét.

Quyết định công bố đang điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-traumatic stress disorder - PTSD) sau nhiều năm bị công chúng giám sát gắt gao, Công chúa Mako "chứng minh cô ấy chỉ là con người bình thường, có thể bị tổn thương như bao người khác", ông Yamada nói thêm. Mặc dù vậy, áp lực từ dư luận lên cuộc hôn nhân của Công chúa vẫn tồn tại cả sau khi cô tiết lộ về tình trạng bệnh của mình.

Công chúa Mako sẽ trở thành người phụ nữ thứ chín trong hoàng gia Nhật Bản cưới một thường dân và là người đầu tiên từ bỏ cả nghi lễ truyền thống lẫn tiền hồi môn từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, với Công chúa Mako việc được sống với người mình yêu và được tự do làm những thứ mình muốn không phải gánh chịu những áp lực, đánh giá của người đời chính là những thứ vô giá, tiền bạc và địa vị chẳng thể nào sánh bằng.

Nguồn: CNN, Vice