Từ giai đoạn thiếu nhi bước sang giai đoạn dậy thì là thời điểm khó khăn nhất trong việc nuôi dạy con. Bởi đây chính là thời kỳ "nổi loạn", trẻ muốn chứng tỏ bản thân với mọi người. Lúc này, trẻ nghịch ngợm, khó bảo, mải chơi, không có mục tiêu học tập rõ ràng khiến cha mẹ phiền lòng.
Bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ thay đổi về tâm sinh lý, dẫn đến học tập chểnh mảng, điểm số giảm sút. Một bà mẹ sinh sống tại Trung Quốc có con trai tên Hạ Uy cảm thấy muộn phiền khi con bước vào tuổi "nổi loạn". Thành tích học tập của Hạ Uy không được tốt, nếu không muốn nói là "đội sổ". Cậu bé tỏ ra chán ghét việc học, chỉ thích chơi bóng rổ. Nhưng theo quan điểm của người mẹ, chơi bóng rổ mỗi ngày chẳng đem lại lợi ích gì cho tương lai, chỉ gây lãng phí thời gian.
Trong suốt kỳ nghỉ hè, cậu bé ngày nào cũng đi chơi bóng rổ đến tối mịt mới về nhà. Thậm chí, một tháng cậu phải thay đến 3 đôi giày bởi chơi bóng nhiều khiến đôi giày nào cũng bị há mũi. Thấy vậy, mẹ Hạ Uy càng bực bội và nặng lời trách: "Ngày nào cũng chơi bóng rổ thế này thì làm sao đỗ được cấp 3. Con sẽ trở thành người vô ích nếu không học hành nghiêm chỉnh".
Mẹ Hạ Uy phiền lòng khi thấy con ham chơi hơn ham học. (Ảnh minh hoạ)
Bị mẹ ngăn cấm sở thích khiến Hạ Uy càng chán nản, tỏ ra bất cần. Điểm số mỗi kỳ thi của cậu lại rớt xuống thê thảm, trở thành học sinh học kém nhất lớp, thường xuyên bị giáo viên phê bình. Mẹ cậu tức giận nhưng không làm gì được. Đánh mắng có, khuyên nhủ cũng có nhưng Hạ Uy không thay đổi, suốt ngày đi chơi bóng rổ sau giờ tan học.
Mẹ Hạ Uy nhiều lần bật khóc tức tưởi vì con, có lần còn suýt lên cơn đau tim vì con cãi lời. Sau này, mẹ cậu đọc rất nhiều sách giáo dục và như tỉnh ngộ trước một câu nói: "Trẻ học bậc THCS rất dễ nổi loạn, vì vậy trong quá trình hướng dẫn cần sự kiên nhẫn. Cha mẹ hãy cố gắng giúp trẻ duy trì sự hứng thú học tập". Mẹ Hạ Uy lập tức lên kế hoạch thay đổi con trai.
Sau đó, mẹ cậu đi mua một quả bóng rổ và bộ quần áo mới cho con trai. Mỗi lần Hạ Uy tham gia cuộc thi bóng rổ ở trường, mẹ cậu đều đi cùng cổ vũ. Mẹ Hạ Uy còn ngỏ ý muốn học chơi môn thể thao này khiến cậu khá bất ngờ. Hai mẹ con cùng nhau tập chơi bóng mỗi ngày, dần dần có tiếng nói chung, không còn khắc khẩu như trước nữa.
Mẹ Hạ Uy đã nhân cơ hội này để cùng con trai trao đổi về việc học tập, định hướng tương lai. Sau một thời gian, mối quan hệ 2 mẹ con được cải thiện rõ rệt, Hạ Uy không còn chán học và chống đối lại mẹ nữa. Cậu bé bắt đầu học tập nghiêm chỉnh và trở thành một trong 3 người xếp hạng đầu lớp. Điều tuyệt vời nhất là trong kỳ thi vào lớp 10, cậu đã trúng tuyển vào một ngôi trường cấp 3 trọng điểm của thành phố.
Trên thực tế, có nhiều đứa trẻ khi bước vào tuổi dậy thì giống Hạ Uy, có điểm chung là đam mê sở thích riêng quá mức, dẫn đến chểnh mảng học tập. Thấy con như vậy, đa số phụ huynh sẽ nóng nảy, quát mắng, kiểm soát khiến con trở nên "nổi loạn", không nghe lời, thậm chí là có hành vi chống đối.
Từ thành công bước đầu trong hành trình nuôi dạy con, mẹ Hạ Uy đã chia sẻ 2 bí quyết hữu ích đến các bậc phụ huynh khác:
Không một đứa trẻ nào thoải mái khi bị cha mẹ giám sát mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là về sở thích cá nhân. Cha mẹ nên tôn trọng sở thích của con, đồng thời đưa ra định hướng học tập để giúp trẻ cân bằng, tránh để điểm số giảm sút.
Trẻ có sở thích riêng cũng là một điều tốt vì sẽ giúp giảm căng thẳng, giải toả cảm xúc tiêu cực và đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện phát triển những sở thích lành mạnh của con.
Còn đối với sở thích không có lợi, cha mẹ nên nhẹ nhàng giảng giải, từ từ hạn chế những sở thích đó. Đồng thời cho con tiếp xúc với những cách giải trí khác lành mạnh và phù hợp hơn.
Cha me nên tôn trọng sở thích cá nhân và giúp con phát triển sở thích đó. (Ảnh minh hoạ)
Nhiệm vụ của cha mẹ là đồng hành cùng con, chứ không phải là học tập hay sinh hoạt thay con. Hãy để trẻ được sống cuộc đời của chính trẻ, phải tự gánh chịu hậu quả nếu mắc sai lầm. Vì vậy, cha mẹ không nên tạo áp lực quá mức, tránh gây hiềm khích trong mối quan hệ với con.
Hãy để trẻ có không gian riêng tư, để trẻ lớn lên một cách tự do, không áp lực về mặt tinh thần. Điều này rất có lợi cho việc học tập, sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ. Khi trẻ có tinh thần thoải mái, trẻ sẽ tự khắc hứng thú học tập, không cần cha mẹ phải nhắc nhở nhiều.