Còn nhớ bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ không? Đây là những gì "đội chụp ảnh" mới nhận được

J.D, Theo Helino 20:10 06/09/2019

Thành quả của hơn 10 năm nghiên cứu, xét ra cũng thật là xứng đáng.

Còn nhớ ngày 10/4/2019, các chuyên gia trong dự án EHT (Event Horizon Telescope - Kính thiên văn chân trời sự kiện) đã có một công bố mang tầm vóc thế kỷ về thiên văn học. Đó là bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ!

EHT vốn là một dự án được khởi động từ năm 2006 để nghiên cứu về hố đen. Về cơ bản, hố đen có thể hút được cả ánh sáng, nên việc quan sát nó là không dễ dàng. Thay vào đó, EHT quan sát khu vực "chân trời sự kiện" - event horizon - ranh giới trước khi một vật chất bị hố đen hút gọn và không thể quay trở lại được nữa.

Cuối cùng, chúng ta có được tấm ảnh dưới đây, bức hình về hố đen đầu tiên trong lịch sử. Dù trông mờ ảo, nhưng đó là thành tựu rất lớn, là một cột mốc quan trọng đối với lịch sử ngành thiên văn học.

Còn nhớ bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ không? Đây là những gì đội chụp ảnh mới nhận được - Ảnh 1.

Người "chụp ảnh" được gì?

Những người làm ra bức ảnh này là các nhà khoa học thuộc dự án EHT. Họ đã nhắm đến mục tiêu là 2 siêu hố đen nằm tại trung tâm của 2 thiên hà: Sagittarius A từ Dải Ngân Hà của chúng ta, và M87. Bức ảnh thu được là từ M87 - hay Messier 87, nằm cách Trái đất 54 triệu năm ánh sáng. Riêng bản thân hố đen có khối lượng lớn gấp 6,5 tỉ lần Mặt trời.

Để làm được chuyện này, đội chuyên gia đến từ 60 viện nghiên cứu và hơn 20 quốc gia trên thế giới đã phải chung tay. Họ sử dụng dữ liệu từ 8 đài quan sát radio được đặt tại Nam Cực, Chile, Mexico, Hawaii, Arizona, và Tây Ban Nha. Ngoài ra còn cần đến một hệ thống đồng hồ nguyên tử - loại đồng hồ có sai số chỉ 1 phần tỉ giây - để đồng bộ thời gian của tất cả đài quan sát.

Hành trình ấy đã kéo dài 13 năm, và chỉ bắt đầu cho "quả ngọt" từ năm 2017.

Còn nhớ bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ không? Đây là những gì đội chụp ảnh mới nhận được - Ảnh 2.
Còn nhớ bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ không? Đây là những gì đội chụp ảnh mới nhận được - Ảnh 3.

Với mọi vất vả gian truân như vậy, đội nghiên cứu này được gì? Họ được giải Breakthrough Prize 2020 - Giải thưởng đột phá trị giá 3 triệu đô, được trao vào ngày 5/9 vừa qua. Giải thưởng do một nhóm các nhà đầu tư trong đó có Sergey Brin và Mark Zuckerberg tài trợ, được ví như "Giải Oscar dành cho khoa học".

Tổng giải thưởng trị giá 3 triệu, nhưng số tiền sẽ được chia đều cho cả đội hơn 347 người. Nghĩa là mỗi người sẽ nhận được số tiền thưởng $8.600 - khoảng 200 triệu đồng.

Đừng hiểu nhầm! Dù số tiền thưởng nghe có vẻ không đáng so với 13 năm bỏ ra, nhưng vì thành quả đem lại là rất quan trọng, dự án sẽ thu hút được thêm các khoản đầu tư bên ngoài nữa, nhằm có thêm những nghiên cứu quan trọng hơn cho tương lai.