Hố đen được hình thành khi những ngôi sao lớn cạn hết nhiên liệu và tự sụp xuống. Nếu một ngôi sao đủ lớn, nó sẽ thu lại chỉ bằng kích cỡ của 1 nguyên tử, hay còn gọi là điểm kỳ dị không-thời gian.
Hố đen có nhiều kích cỡ và nhiều loại khác nhau. Có hố đen xoay tròn, hố đen điện và hố đen kết hợp của 2 loại này. Hố đen được xếp vào loại nào dựa trên lượng năng lượng mà hố đen đó phát ra.
Khu vực quanh hố đen, nơi mà khí, bụi, các ngôi sao và các hành tinh rơi vào quỹ đạo của nó được gọi là đĩa bồi tụ. Khu vực này là nơi các vật thể bị kéo gần về phía trung tâm hố đen.
Chân trời sự kiện là khu vực bao quanh hố đen mà tất cả các loại vật chất nếu nằm dưới giới hạn này đều không thể vượt ra ngoài để đến với người quan sát. Cái tên chân trời sự kiện nhằm thể hiện rằng người ta không thể chứng kiến bất kỳ điều gì xảy ra bên trong đường biên ấy. Giáo sư trường đại học Harvard Avi Loeb đã nhận định rằng chân trời sự kiện là nơi người ta "chỉ có thể bước vào song vĩnh viễn không thể quay ra".
Vũ trụ có vô số hố đen mà người ta không thể đếm hết được. Chỉ riêng Dải Ngân Hà đã có khoảng 100 triệu hố đen có khối lượng ngôi sao (stellar-mass). Đó còn chưa kể tới những hố đen nhỏ hơn tồn tại trong thiên hà của chúng ta.
Ngôi sao của chúng ta - Mặt Trời một ngày nào đó sẽ phát nổ nhưng nó sẽ không thể tạo thành một hố đen. Đối với chúng ta, Mặt Trời là một hằng tinh khổng lồ nhưng nó vẫn tương đối nhỏ so với các ngôi sao khác trong vũ trụ. Do đó, Mặt Trời gần như không đủ lớn để hình thành một hố đen.
Theo các nhà khoa học, ở trung tâm các thiên hà là những hố đen siêu nặng giữ tất cả vật chất trong thiên hà quay quanh quỹ đạo nhờ lực hấp dẫn khủng khiếp của nó. Hố đen ở trung tâm Dải Ngân Hà của chúng ta là Sagittarius A, nằm cách Mặt Trời 30.000 năm ánh sáng và nặng gấp 4 triệu lần ngôi sao này.
Hố đen đầu tiên được phát hiện vào năm 1971 có tên là Cygnus X-1.
"Bức xạ Hawking" là một lý thuyết do nhà vật lý học Stephen Hawking phát triển, miêu tả quá trình "bốc hơi" của một hố đen. Theo đó, lý thuyết này cho rằng hố đen có bức xạ và sẽ mất dần năng lượng. Nếu lý thuyết này là đúng thì hố đen thực sự sẽ biến mất khi chúng mất đi toàn bộ khối lượng.
Những nghiên cứu trước đó tiết lộ hố đen gần Trái Đất nhất cách chúng ta 1.600 năm ánh sáng. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây lại cho thấy hố đen gần nhất cách hành tinh của chúng ta 20.000 năm ánh sáng.
Một số giả thuyết cho rằng các hố đen có thể dẫn chúng ta sang những vũ trụ mới bởi các hố đen có thể tạo ra các nguyên tố cần thiết để duy trì sự sống.
Chúng ta đều biết rằng những hố đen nuốt chửng mọi thứ trong quỹ đạo của nó song một số nhà khoa học tin rằng chúng ta có thể tận dụng năng lượng từ hố đen để thực hiện những cuộc du hành không gian.
Đài quan sát Sóng hấp dẫn Giao thoa kế Laser LIGO (Laser Interferometer Gravitational-wave Observatory) năm 2015 đã phát hiện ra một âm thanh nhỏ từ một điểm trong không gian, nơi mà 2 hố đen va chạm với nhau. Vụ va chạm này được cho là xảy ra cách đây gần 1,3 tỷ năm.
(Theo List 25)