Cơn bão 'lì xì ảo' thời công nghệ

HÀ LINH, Theo BÁO TIN TỨC 17:30 04/02/2019

Trong hơn 1.000 năm, việc nhận và tặng bao lì xì đỏ là phong tục không thể thiếu trong Tết Nguyên đán tại Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, ngay cả việc lì xì cũng được số hóa.

Cơn bão lì xì ảo thời công nghệ - Ảnh 1.

Việc quét mã nhận lì xì ảo qua WeChat. Ảnh: SCMP

Phong tục cổ truyền và trào lưu mới

Ông Ma Zhenxin, quản lý một nhà máy điện tại tỉnh Giang Tô, cho biết sẽ tặng hàng nghìn nhân dân tệ qua bao lì xì ảo trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Ma Zhenxin nói: “Lì xì ảo không chỉ đơn giản là một phương thức để tặng và nhận tiền. Nó còn chuyển thông điệp đến người nhận rằng tôi chúc họ một năm mới bình an, thịnh vượng”.

Cơ chế của lì xì ảo là người sử dụng rút hoặc nạp tiền qua tài khoản trên các ứng dụng. Công ty Tencent đã ra mắt lì xì ảo trên WeChat - ứng dụng tin nhắn đa phương tiện phổ biến nhất tại Trung Quốc với 800 triệu người sử dụng - vào năm 2014.

Từ thời điểm đó, lì xì ảo đã trở thành hiện tượng với người dân Trung Quốc đồng thời khiến nhiều công ty khác cũng học hỏi. Theo chân Tencent là Alipay của Alibaba trong năm 2015 và các tên tuổi khác như Suning, toutiao.com và Amap.

Tết Nguyên đán là dịp để đoàn tụ gia đình, nhưng cô Wu Jinlin lại có quan điểm khác. Wu Jinlin nói: “Cha mẹ sẽ phàn nàn về việc tôi cắm đầu vào điện thoại trong bữa tối Tất niên”. Nhưng Wu Jinlin lý giải việc chỉ tập trung vào điện thoại là do cô đang nhận và tặng lì xì ảo qua các ứng dụng như WeChat của Tencent và Alipay thuộc Alibaba.

Theo thống kê của Tencent, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016, đã có 516 triệu người trao và nhận 32 tỷ nhân dân tệ lì xì ảo trên WeChat. Trong khi đó, hơn 100 triệu người sử dụng Alipay thông qua ứng dụng này đã tặng tổng cộng 200 triệu nhân dân tệ lì xì ảo trong Tết Nguyên đán năm 2017.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã khảo sát ý kiến người dân Thượng Hải và thu được kết quả là đa số họ lựa chọn sẽ dành thời gian để trao và nhận tiền lì xì ảo, thay vì xem chương trình văn nghệ chào Năm Mới thường được trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia và có lượng người xem kỷ lục.

Điều thú vị là người gửi thường lựa chọn số tiền 520 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) cho một lì xì ảo bởi con số “5-2-0” trong tiếng Trung Quốc có phát âm giống câu “wo ai ni” (nghĩa là con yêu cha/mẹ, tôi yêu bạn, anh yêu em, cháu yêu ông/bà…).

Bên cạnh đó, mệnh giá khác khá phổ biến là 13,14 nhân dân tệ bởi phát âm giống cụm từ có nghĩa “mãi mãi đồng hành” trong tiếng Trung Quốc.

Cơn bão lì xì ảo thời công nghệ - Ảnh 2.

Liệu lì xì ảo có làm phai mờ bao lì xì đỏ truyền thống trong dịp Tết? Ảnh: PRI. org

Việc sử dụng lì xì ảo không chỉ phổ biến trong giới trẻ. WeChat thực hiện thống kê và thu được kết quả 21,7% người sử dụng lì xì ảo ở trong độ tuổi từ 38 đến 47. Trong khi đó, nhóm chiếm tới 42,2% là những người sinh trong thập niên 80 của thế kỷ trước.

Xu hướng lì xì ảo “nở rộ” như trên một phần bắt nguồn từ thực tế Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về giao dịch điện tử, với một nửa dân số trong độ tuổi từ 16-35 dùng điện thoại thông minh mua hàng hóa, chuyển tiền và quản lý tài chính. Công ty tư vấn iResearch tại Thượng Hải cho biết tính riêng trong năm 2016, người dân Trung Quốc Đại lục đã dùng điện thoại để thanh toán các giao dịch trị giá gần 38.000 tỷ nhân dân tệ.

Lì xì ảo liệu có được lòng tất cả?

Xu thế ngày càng phổ biến không có nghĩa là lì xì ảo có thể thay thế cho phong bao đỏ truyền thống, đặc biệt đối với thế hệ người cao tuổi muốn tặng “hiện vật” thật sự cho con cháu.

Một quản lý tại đại lý ô tô 35 tuổi tên là He Xiaoming, sống tại trung tâm Bắc Kinh, cho biết: “Phong bao lì xì thực sự mang ý nghĩa khác biệt, nó thể hiện sự tôn trọng và chân thành”. He Xiaoming khẳng định sẽ tặng phong bao lì xì cho người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết, anh nhấn mạnh: “Tôi tin rằng những truyền thống xưa cũ tốt đẹp sẽ không bao giờ thay đổi theo thời gian”.

Cô Brenda Sun, một nhân viên văn phòng ngoài 30 tuổi ở Thượng Hải, khẳng định sẽ gửi tiền lì xì qua We Chat tới bạn bè và đồng nghiệp. Nhưng cô cũng thổ lộ: “Tôi chắc chắn sẽ dành riêng những phong bao lì xì thật dành cho người thân trong gia đình”.

Không chỉ ở Trung Quốc, việc tặng tiền qua ứng dụng trên Internet trong các dịp lễ cũng đã có mặt đến những quốc gia khác tại châu Á.

Tháng 8/2018, Tencent đã đưa WeChat Pay vào thị trường Malaysia. Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán 2019, tại quốc gia Đông Nam Á này đã có lì xì ảo.

Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Lightspeed (Mỹ) đã thực hiện khảo sát và thu được kết quả 98% người dân Hong Kong (Trung Quốc) vẫn ưu ái phong bao lì xì truyền thống. Đây cũng là lựa chọn của đa số người được hỏi tại Malaysia, Singapore.

Ông Zhang Yi, Giám đốc công ty nghiên cứu iiMedia (Trung Quốc), chia sẻ: “Điều thực sự khiến mọi người lo ngại là phương tiện thanh toán qua điện thoại đang được sử dụng rộng rãi và có khả năng thông tin cá nhân của họ sẽ bị virus Trojan Horse đánh cắp”.